Đó là câu hỏi chung của nhiều thí sinh khi tham gia ngày hội Tư vấn- tuyển sinh hướng nghiệp tại TP Cần Thơ hôm 18/3. Nỗi lo "khổ lắm nói mãi" về vị trí việc làm luôn được đặt lên hàng đầu.
Thí sinh có thể trao đổi trực tiếp với các trường mình muốn theo học. |
Đó là câu hỏi chung của nhiều thí sinh khi tham gia ngày hội Tư vấn- tuyển sinh hướng nghiệp tại TP Cần Thơ hôm 18/3. Nỗi lo “khổ lắm nói mãi” về vị trí việc làm luôn được đặt lên hàng đầu.
ĐH công lập hay ngoài công lập?
Học sinh Phan Thị Ánh Linh (An Giang) muốn học ngành quản trị nhà hàng- khách sạn nhưng còn băn khoăn chưa biết chọn trường nào. Ánh Linh hỏi: “Xin nhờ ban tư vấn so sánh cho con việc học trường công lập hay ngoài công lập thì dễ tìm việc hơn?”
Ông Đỗ Văn Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD- ĐT) cho rằng khó có thể nói trường công lập và trường dân lập trường nào tốt hơn, trường nào có thế mạnh hơn. Nhiều trường công lập có lịch sử gần 100 năm, đội ngũ giảng viên đông đảo, kinh nghiệm nhiều hơn.
Tuy nhiên, trường tư thục có điểm mạnh là tự chủ cao, năng động, nhanh chóng cập nhập mô hình mới. Chính tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thể hiện chất lượng của các trường và ở cả 2 khối trường này đều có những trường tốt và trường chưa tốt. Trong mỗi khối đều có những trường hạt nhân.
Ông Giang khẳng định: "Có thể trường công lập sẽ có ưu thế ngành này, cũng có thể trường tư thục có ưu thế ngành khác. Ngoài ra, bảng xếp hạng chất lượng các trường ĐH cũng là thước đo để các em tham khảo"- ông Đỗ Văn Giang nói.
Trong khi đó, Lê Mỹ Phương- học sinh trường THPT Tân Phú (huyện Châu Thành- Bến Tre) thắc mắc: trường công lập và tư thục khác nhau như thế nào, trường nào lợi thế hơn?
ĐH công lập là trường ĐH do Nhà nước (trung ương hoặc địa phương) đầu tư về kinh phí và cơ sở vật chất (đất đai, nhà cửa) và hoạt động chủ yếu bằng kinh phí từ các nguồn tài chính công hoặc các khoản đóng góp phi vụ lợi, khác với ĐH dân lập hoạt động bằng kinh phí đóng góp của sinh viên, khách hàng và các khoản hiến tặng.
ĐH dân lập hay ĐH tư thục là một cơ sở giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, về tuyển sinh, đào tạo thì tuân theo quy chế của Bộ GD- ĐT, văn bằng có giá trị tương đương như văn bằng công lập. Là trường tư do cá nhân hoặc tổ chức trong một nước xin phép thành lập và tự đầu tư.
Về học phí tại các trường dân lập, tư thục này có xu hướng lớn hơn nhiều so với trường công lập.
Ngành kinh tế có “ế” không?
Hà Phương Nhi (TX Long Xuyên- An Giang) đang băn khoăn: “Giữa 2 ngành kinh tế tài chính và kiểm toán thì học ngành gì sẽ phù hợp và tốt hơn? Cơ hội việc làm ngành nào cao hơn? Con thích bên kinh tế tài chính hơn nhưng ba nói học kiểm toán thì hay hơn?”
TS. Trần Thế Hoàng- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh- cho rằng: “Em nên học theo ngành mình thích. Thực chất, khi học 1 trong 2 ngành đó em đều có thể làm việc ở ngân hàng. Không phải học ngành gì ra trường sẽ làm đúng y như ngành mình học.
Học sinh Lê Mỹ Duyên- Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ) muốn học ngành quản trị kinh doanh nhưng băn khoăn vì “hiện nay rất nhiều tổ chức, công ty đều đòi hỏi phải có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên. Vậy các trường có tạo điều kiện để sinh viên đi làm trong quá trình học hay không? Em sẽ trình bày thế nào với doanh nghiệp nếu như em chưa có kinh nghiệm làm việc?”.
Bà Trần Thị Thanh Hiền- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết trường có liên kết với nhiều doanh nghiệp tham gia vào qua trình đào tạo để các em thực hành, thực tập.
Trường ĐH Cần Thơ có liên kết doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm để cho các em được tiếp xúc và được doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp, định kỳ 4 lần/năm. Đồng thời các ngành ở trường đều liên kết rất tốt với các doanh nghiệp, cho nên cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường rộng hơn, dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Bổ sung cho câu hỏi này, TS. Đặng Thị Ngọc Lan- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing cho rằng: “Mới ra trường, em có thể không có kinh nghiệm làm việc nhưng em có có thể trình bày với doanh nghiệp về kinh nghiệm của em khi tham gia các CLB đội nhóm trong trường, CLB công tác xã hội.
Đồng thời, khi chọn trường em có thể nghiên cứu về hoạt động liên kết doanh nghiệp trường đó có mạnh hay không”.
Thước đo chất lượng của một trường tùy thuộc vào chất lượng sinh viên ra trường: có khả năng khởi nghiệp, tìm việc ngay không? Thêm vào đó, sinh viên cần tự học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Bởi không có ngành nghề nào, trường nào học xong chắc chắn có việc làm, cũng không có ngành nghề nào học ra chắc chắn sẽ thất nghiệp!
Bộ GD- ĐT công bố chính thức thời gian thi THPT quốc gia 2018
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia Từ 1- 20/4. Trước ngày 3/6, thông báo công khai những trường hợp thí sinh không đủ điều kiện dự thi. Trước ngày 7/6, trả giấy báo dự thi cho thí sinh.
Chiều 24/6, thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự thi (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Sáng 25/6, thí sinh dự thi môn Ngữ văn (120 phút), chiều dự thi môn Toán (90 phút). Sáng 26/6, thí sinh dự thi bài thi Khoa học tự nhiên (160 phút), chiều dự thi môn ngoại ngữ (60 phút).
Sáng 27/6, thí sinh dự thi bài thi Khoa học xã hội (160 phút), chiều dự phòng. 11/7 công bố điểm thi THPT quốc gia, công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT: chậm nhất ngày 17/7/2018. |
- Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin