Gương sáng trên quê hương Ngãi Tứ

02:02, 07/02/2018

"Cô Trinh là giáo viên có chuyên môn giỏi, nghiệp vụ vững vàng, tận tâm với học sinh, hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp ở trường. 

“Cô Trinh là giáo viên có chuyên môn giỏi, nghiệp vụ vững vàng, tận tâm với học sinh, hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp ở trường. Tuy đạt rất nhiều thành tích đáng “nể” nhưng cô rất giản dị, hòa đồng, được phụ huynh học sinh tín nhiệm, học sinh thương yêu, kính trọng, luôn là tấm gương sáng về việc học tập và làm theo gương Bác để chúng tôi noi theo”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Trinh.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Trinh.

Đó là nhận xét rất chân tình, thấu đáo của cô Lê Thị Toàn- giáo viên Trường THCS Ngãi Tứ (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) khi kể về người thầy, người chị, người đồng nghiệp đã mang về niềm vui lớn cho ngôi trường vùng sâu đầy khó khăn.

Đó là cô giáo Nguyễn Thị Thu Trinh (50 tuổi)- người vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” năm 2017.

Lúc chúng tôi đến tìm hiểu về Nhà giáo ưu tú này cũng là lúc cô đang lên lớp cho các học sinh khối 9 của trường với không khí thật sôi động, mới lạ và cuốn hút.

Những cuộc trao đổi về nội dung bài giảng, những tình huống phản biện để tăng sức hút của tiết giảng giúp học sinh tự tin phát biểu về nhận thức, quan điểm của mình đã làm chúng tôi khá bất ngờ và thú vị.

Em Cao Mỹ An- học sinh lớp 9 của trường- cho biết: “Chúng em rất thích những tiết học với cô Trinh vì cô có phương pháp lên lớp rất sinh động, hấp dẫn, dễ nhớ, lâu quên.

Cạnh đó chúng em được phát biểu những suy nghĩ của bản thân một cách thoải mái; được tranh luận những gì chưa hiểu thấu đáo.

Ngoài giờ học, cô còn là người mẹ hiền của chúng em bởi cô rất tế nhị, quan tâm rất nhiều đến các bạn có hoàn cảnh bất hạnh, sẵn sàng giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần cho những bạn đặc biệt khó khăn”.

Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long năm 1989, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Trinh quê ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) được phân công về công tác tại xã vùng sâu Ngãi Tứ ( huyện Tam Bình)- nơi được mệnh danh là “Tam giác khổ” của Vĩnh Long lúc bấy giờ với 3 xã: Ngãi Tứ- Bình Ninh- Loan Mỹ.

Cô Trinh nhớ lại: “Lúc đó, đi từ nhà đến trường hơn 40 cây số, chủ yếu là đường thủy, rất vất vả. Cạnh đó điều kiện sống lúc bấy giờ vô cùng thiếu thốn.

Chuyện “nhịn đói” hay “ăn độn khoai, rau” diễn ra như cơm bữa. Nhiều người khuyên cô bỏ việc nhưng nghĩ đến các em học sinh vùng sâu còn quá khó khăn, nghĩ đến những đồng nghiệp ngày đêm bám trụ, tôi đã vượt qua những vất vả ban đầu và bám trường này đến nay đã gần 30 năm”.

Với suy nghĩ ấy, quyết tâm ấy, cô Trinh luôn tìm tòi những điều mới lạ, hiệu quả trong phương pháp lên lớp; đầu tư tham khảo rất nhiều tư liệu có liên quan trên những kênh thông tin khác nhau.

Cạnh đó, cô còn tìm hiểu kinh nghiệm hay, sáng kiến bổ ích từ những giáo viên đi trước kết hợp với lòng tận tụy, nhiệt thành của một người giáo viên vùng sâu.

Là giáo viên môn Ngữ văn, cô Trinh đã rất say mê nghiên cứu nhiều tác phẩm có giá trị đi kèm với những điển hình minh họa, những dẫn chứng rất sâu sắc, cụ thể và đa dạng để tiết giảng luôn linh động, hấp dẫn.

Từ đó cô đạt nhiều thành tích rất đáng trân trọng như: nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Bài, ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh