Từ năm học 2013-2014, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã triển khai chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non" đến các trường mầm non trong tỉnh. Sau 3 năm thực hiện, chuyên đề đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Từ năm học 2013-2014, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã triển khai chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” đến các trường mầm non trong tỉnh. Sau 3 năm thực hiện, chuyên đề đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Góc trò chơi của trẻ tại Trường Mầm non Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Chơi mà học, học bằng chơi
Theo nghiên cứu của ĐH Illinois (Mỹ), trẻ thường xuyên hoạt động thể chất sẽ tăng khả năng tập trung, nhận thức và hiệu quả học tập. Giai đoạn vàng để trẻ phát triển là từ 1-6 tuổi.
Trẻ vận động vừa có thể chất, sức khỏe tốt vừa tăng khả năng tư duy, từ đó phát triển một cách toàn diện.
Chúng tôi đến xem một buổi vận động ngoài trời của các trẻ Trường Mầm non thị trấn Vũng Liêm. Trong không gian sân trường hạn chế nhưng các trẻ vẫn được tham gia các trò chơi vận động: đi cầu tre, chơi tạt lon, đánh bóng, xích đu, cầu tuột,…
Những nụ cười tươi rói, những cái ôm của trẻ dành cho nhau qua những trò chơi thể hiện niềm vui và hiệu quả của giờ “chơi mà học”.
Một cô giáo đang hướng dẫn trẻ xếp hàng cho biết: Các trò vận động không chỉ giúp bé phát triển thể chất mà còn dạy bé biết nhiều kỹ năng: dạy bé biết xếp hàng, biết chờ đợi và biết chơi luân phiên.
Mới đây, trường này còn tổ chức hội thi “bé tài năng, khỏe ngoan” hay “bé tập làm nội trợ” giúp các bé phát triển vận động tinh qua các việc phụ cô. Bé tài năng thì vừa hát hay, nhảy giỏi.
Theo Trường Mầm non Phú Đức (Long Hồ) thì sau 3 năm triển khai thực hiện chuyên đề phát triển vận động cho trẻ, các vận động tinh cho trẻ được phát triển tốt.
Trẻ nhanh nhẹn hơn, phát triển tốt các cử động khéo léo của bàn tay, ngón tay và khả năng phối hợp thị giác, thính giác với vận động.
Đặc biệt là các nhóm cơ khủy tay, bàn tay, ngón tay của trẻ phát triển mềm, dẻo, trẻ thực hiện các kỹ năng ngày càng tinh xảo hơn.
Tại Trường mần non Khu công nghiệp Hòa Phú, trường còn tổ chức cho trẻ hoạt động ở các góc, dạy cho từng nhóm trẻ.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Khu công nghiệp Hòa Phú cho biết: “Đây là hoạt động trẻ rất hứng thú, kể cả trẻ nhà trẻ và mẫu giáo, vì trẻ mầm non như chúng ta đã biết, học mà chơi, chơi mà học”.
Giai đoạn vàng cho trẻ phát triển
Được đầu tư xây dựng khang trang, Trường Mầm non 9 (TP Vĩnh Long) còn đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động phát triển vận động như: tập thể dục sáng theo nhạc, kết hợp dụng cụ tập luyện với những bài tập động tác theo yêu cầu của từng độ tuổi;
phút thể dục chống mệt mỏi giữa giờ học, các phản xạ vận động nhẹ nhàng sau giờ ngủ dậy... để giúp trẻ thay đổi tư thế, trạng thái chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo một cách tích cực nhất, hình thành một số kỹ năng sống cho trẻ.
Nhà trường còn tổ chức “Ngày hội thể dục thể thao” cho trẻ, tạo cơ hội giao lưu thể dục thể thao giữa các lớp tạo ra môi trường thân thiện trong nhà trường.
Trong khi chơi huy động được tối đa các giác quan, thời gian luyện tập đủ để trẻ được trải nghiệm tạo kỹ năng vận động.
Đây cũng là dịp gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường trong việc tham gia chơi cùng trẻ, tham gia hỗ trợ nguyên vật liệu, thiết kế nội dung vận động phù hợp cho các độ tuổi cùng cô giáo.
Cô và trẻ cùng đi cầu tre ở Trường Mầm non thị trấn Vũng Liêm. |
Kinh nghiệm phát triển giáo dục thể chất thông qua các hoạt động của trẻ ở Trường Mầm non thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) là làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh học sinh.
Lãnh đạo trường này cho biết: Năm học 2014- 2015 sân trường chúng tôi chỉ có một khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời số lượng rất ít ỏi không đáp ứng được nhu cầu vui chơi, vận động của trẻ trong nhà trường nhưng khi cho trẻ ra sân các cháu vẫn rất vui mừng. Sau khi được vận động các cháu trở nên linh hoạt hơn, ăn cơm ngon hơn trẻ khỏe mạnh hơn.
Trường Mầm non thị trấn Cái Nhum xác định phải làm cho cha mẹ trẻ và cộng đồng hiểu về sự cần thiết phải xây dựng các môi trường giáo dục phát triển vận động phù hợp an toàn cho trẻ, đồng thời kêu gọi cha mẹ trẻ và cộng đồng cùng tham gia hoạt động này.
Tại khu vực chơi với cát, nước và các vật liệu thiên nhiên, tận dụng khuôn viên xung quanh trường để tạo khu vực cho trẻ quan sát, khám phá thiên nhiên, khoa học: vườn rau, vườn hoa, vườn cây ăn quả, bể cá, khám phá chuyển động của nước, tính chất của nước, làm các thí nghiệm…
Sau 3 năm triển khai chuyên đề phát triển vận động và 2 năm thực hiện giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, diện mạo của các trường mầm non trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Nhờ đó, trẻ có nhiều điều kiện, cơ hội học tập, vui chơi, phát huy thể chất lẫn trí tuệ.
Theo Sở GD- ĐT Vĩnh Long, sau 3 năm thực hiện chuyên đề phát triển vận động trẻ mầm non, đã hình thành những thói quen vận động, giữ vệ sinh, lao động tự phục vụ bản thân, lao động trực nhật cho trẻ. Trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường, hiếu động, hưởng ứng khi tiếp xúc làm quen với các hoạt động mới. Hàng năm, sức khỏe các cháu được tăng lên, cải thiện tầm vóc, hạn chế trẻ nhút nhát, yếu thể lực, thừa cân, béo phì; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng và chiều cao (toàn tỉnh dưới 2%). |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin