Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, những "búp măng non" đều luôn nỗ lực vượt khó, cố gắng học tập để mở cánh cửa tương lai tươi sáng.
Niềm vui của các em học sinh vượt khó học giỏi. |
Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, những “búp măng non” đều luôn nỗ lực vượt khó, cố gắng học tập để mở cánh cửa tương lai tươi sáng.
Tuổi thơ là tuổi hồn nhiên và hạnh phúc nhưng nhiều em lại không được may mắn như thế. Không chỉ thiếu thốn vật chất mà tình thương các em có được từ mái ấm gia đình cũng không hề trọn vẹn.
Tôi gặp gỡ các em tại buổi lễ trao học bổng Trần Đại Nghĩa mở rộng do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức. Bên cạnh niềm vui nhận học bổng là bao nỗi niềm về khó khăn trong cuộc sống mà các em đã nỗ lực vượt qua.
Khi cô bé Phạm Thị Tiên- học sinh lớp 9/4, Trường THCS Tân Hạnh (Long Hồ)- mới tròn 2 tuổi thì cha bỏ đi.
Mẹ đi hái trái ấu mướn với tiền công 90.000 đ/ngày. Một mình mẹ gồng gánh nên không đủ sức đưa 2 con gái tiếp bước trên con đường học vấn. Vậy là người chị đang học lớp 9 phải nghỉ học, để dành cơ hội cho em tiếp tục đến trường. Căn nhà tình thương oằn gánh nặng mưu sinh.
Tiên chia sẻ: “Mấy lần thấy cảnh nhà quá khó khăn, em tính xin nghỉ học. Nhưng mẹ với chị khuyên nhiều lắm. Chị nói chị đã vậy, em càng phải cố gắng học tốt.” Nhận được sự quan tâm của cộng đồng qua suất học bổng động viên, em thủ thỉ “dạ mừng lắm, em vẫn được đi học và chơi với mấy bạn.”
Em Nguyễn Vĩnh Mỹ Huyền- học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Trãi (Phường 3- TP Vĩnh Long) sinh ra khi cha mẹ không thể tiếp tục cùng nhau đi tiếp trên một con đường.
Bà ngoại 62 tuổi mang trong mình căn bệnh tiểu đường, bán tạp hóa nhỏ nuôi em ăn học. Bà ngoại của em rơm rớm nước mắt, nói “nó học giỏi lắm” và câu chuyện dang dở giữa chừng vì những giọt nước mắt cứ lăn nhanh trên má Huyền, khiến mắt của bà ngoại cũng rưng rưng.
Từ nhỏ, em Huỳnh Ngọc Sương- học sinh lớp 8/4, Trường THCS Trần Phú (TP Vĩnh Long) đã cảm nhận rõ nỗi nhọc nhằn của bà nội. Bà đã 75 tuổi nhưng vẫn ngày ngày nấu cháo bán để kiếm tiền nuôi hai đứa cháu thơ.
Gia đình của em không trọn vẹn, em mong các bạn khác được hạnh phúc, nên đôi mắt em long lanh khi nói về ước mơ: “Em mong sau này được làm công an để giải quyết vấn đề gia đình.”
Còn với em Cao Khánh Diệu Hiền- bạn cùng lớp với Sương- thì mẹ và bà ngoại gắn liền với cái khổ. Mẹ vừa nuôi 2 con nhỏ ăn học vừa dành dụm tiền chữa bệnh cho ngoại già. Ngày em học lớp 5, ngọn lửa hung hãn thiêu rụi căn nhà nhỏ.
Nơi cái khổ dồn ép, Hiền vẫn phấn đấu học tập, vì: “Em muốn làm bác sĩ để chăm sóc ngoại”.
Hoàn cảnh sống khó khăn không dập tắt ước mơ, hoài bão của các em. Có em cha mẹ đi làm thuê, làm mướn đủ nghề vẫn không đủ sống. Có em cha mẹ chia tay, sống dưới sự chở che của họ hàng, nhưng chưa bao giờ các em thực sự từ bỏ việc học.
Đôi lúc muốn ngừng bước trên con đường học vấn, nhưng tấm lòng và sự giúp đỡ của những người xung quanh lại đưa bước cho em thêm vững. Niềm tin vào phía trước sẽ cùng các măng non hướng tới tương lai.
- Bài, ảnh: TUYẾT NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin