Trong căn phòng nhỏ thiếu ánh sáng, chỉ nghe những tiếng gõ và tiếng máy đều đều. Lớp có hơn 10 học viên, họ không cần nhìn màn hình mà chỉ chăm chú lắng nghe âm thanh từ máy tính.
Trong căn phòng nhỏ thiếu ánh sáng, chỉ nghe những tiếng gõ và tiếng máy đều đều. Lớp có hơn 10 học viên, họ không cần nhìn màn hình mà chỉ chăm chú lắng nghe âm thanh từ máy tính.
Đây là lớp tin học dành cho người khiếm thị đầu tiên của tỉnh, lớp được mở dựa trên nhu cầu nâng cao trình độ và đời sống văn hóa tinh thần của người khiếm thị, kinh phí thuộc Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn 1956.
Lớp học đặc biệt mang nhiều ý nghĩa nhân văn. |
Xóa “mù tin học” cho người khiếm thị
Học không chỉ để có kiến thức mới, với những người khiếm thị học tin học còn là cơ hội để rút ngắn khoảng cách với người bình thường.
Thế nên, không quản khó khăn, những người khiếm thị cùng về với lớp học này. Có những người từ xa phải ở lại trọ học, lớp có những người lớn tuổi, nhỏ tuổi và trình độ tiếp thu cũng khác nhau.
Cũng là những chiếc máy tính bình thường nhưng được cài chương trình dành cho người khiếm thị. Mỗi thao tác trên máy tính đều được máy đọc lên cho người sử dụng biết. Tuy nhiên, việc học thuộc để sử dụng bàn phím, điều khiển chuột không hề dễ dàng.
Ấn tượng đầu tiên về lớp học là thầy giáo Đặng Mạnh Cường (30 tuổi) cũng là người khiếm thị. Thầy Cường chỉnh chu trong chiếc sơ mi trắng, bỏ áo vào quần, cài cổ tay áo cẩn thận.
Thầy Cường vui vẻ: “Tôi bị mù bẩm sinh, đến năm 11 tuổi mới được đến trường”. Người thầy giáo trẻ ấy đã trải qua bao khó khăn để tìm thấy ánh sáng tri thức từ trong bóng tối đời mình.
“Tôi đi học và ham học lắm, tôi thích học tin học rồi tự mày mò và học hỏi”- thầy Cường nói thêm- “Tuy nhiên, chuyên ngành của tôi là tâm lý học.
Tôi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2014”. Cơ duyên đưa thầy Cường đến với Trung tâm Sao Mai và thầy trở thành thầy giáo dạy tin học cho những người có hoàn cảnh như mình.
Ông Phạm Quốc Việt- Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long- cũng là thành viên lớp học, đang học về quản lý tập tin và định dạng chữ.
Ông cho rằng, dù lớn tuổi mình cũng phải học hỏi để tự trang bị kỹ năng cho mình, không thể việc gì cũng nhờ cán bộ sáng làm.
“Trước đây, khi đọc các văn bản, nghị quyết mình phải nhờ cán bộ sáng mắt, nay thì có thể tự mở máy, tự chọn và nghe rồi”.
Thắp ánh sáng niềm tin
Ở tuổi 61, chú Nguyễn Văn Khải vẫn rất mê học. |
Điều đặc biệt trong lớp học là có những cô chú rất lớn tuổi và để được học lớp tin học này, các cô chú phải ở lại tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long.
Ông Phạm Quốc Việt- Chủ tịch Hội Người mù tỉnh- cho biết: Tôi đã có đề nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục duy trì lớp học này trong năm 2018, theo hướng nâng cao những kỹ năng tin học khác cho học viên. Đồng thời, mở thêm khóa cho hội viên có nhu cầu. |
Chú Nguyễn Văn Khải (61 tuổi) là thành viên lớn tuổi nhất lớp và được thầy Cường đánh giá là rất “chịu khó học”.
Đều đặn mỗi tuần, chú Khải đi xe buýt từ xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm) đến lớp học, ở nội trú rồi cuối tuần lại về nhà.
“61 tuổi rồi mà tui ham lắm, lần đầu được tiếp xúc với máy tính luôn đó, ở nhà túc tắc dọn dẹp, bán nước đá, giờ biết thêm máy tính nữa.
Lớn tuổi rồi dễ gì có cơ hội được đi học, gặp anh em, các cháu vui vẻ vầy”- chú Khải cười rồi áp tai vào máy tính nghe.
Ngồi bên cạnh, chú Lý Hồng Tâm (50 tuổi, ở thị trấn Trà Ôn) tâm sự: “Nghe có lớp học, tui mừng hết biết, đăng ký liền. Lớn tuổi không có nghề có nghiệp, ở nhà làm việc lặt vặt riết cũng buồn”.
Chú Tâm không nhìn thấy gì từ năm 27 tuổi sau trận bệnh: “Trước đó, tôi rất thích công nghệ thông tin nhưng nhà nghèo không có điều kiện học nên bây giờ thì hăm hở xin học để biết với người ta”- rồi chú nói thêm-
“Tui mê quá nên hồi trước đã tự học ở nhà, mấy người bạn thấy thương nên mua tài liệu dúi cho. Đến lớp này, nhờ thầy tận tình giúp đỡ nữa nên có khó khăn mấy cũng vượt qua được”- chú vừa tỉ mỉ gõ từng chữ hoàn chỉnh bài thơ còn dang dở trên máy tính vừa nói.
Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong lớp học, em Lê Thị Thanh Thảo (20 tuổi, ở Phường 3- TP Vĩnh Long) mong từng giờ đến tiết học. Thảo mồ côi mẹ từ nhỏ, cha con nương tựa nhau.
Cha Thảo đi bán vé số kiếm sống, sợ cha cực khổ đưa rước nên em ở lại nội trú với các chị trong lớp. Thảo day day sống mũi, giọng đớt đát:
“Từ khi lên 6 tuổi em đã bị bệnh và không nhìn thấy được nữa. Em muốn được hòa nhập và sống như người bình thường. Em mơ ước biết vi tính để làm gì đó phụ giúp cha”.
Thảo cho biết, trước đây em có tham gia lớp tin học chính quy cùng mọi người nhưng không tiếp thu được nhiều. Bây giờ vô lớp dành cho người khiếm thị Thảo lấy “cần cù bù thông minh”.
Nhờ thầy và các cô chú tận tình giúp đỡ nên em học được. “Mỗi ngày em tập 1-2 tiếng rồi nghỉ một chút lại tập tiếp như ghiền luôn”- Thảo vui vẻ.
Lớp học tin học với chương trình đơn giản nhưng đẹp bởi ý nghĩa nhân văn- mang ánh sáng tin học đến người khiếm thị. Nhờ đó, họ tự tin hơn trong cuộc sống, họ được tiếp cận với công nghệ để làm giàu đời sống tinh thần của bản thân mình.
Thầy Đặng Mạnh Cường cho biết: “Tôi chứng minh cho gia đình và mọi người thấy rằng, người khiếm thị có thể học tập, có thể đi làm nuôi sống bản thân và tôi mong có thể khơi ánh sáng niềm tin đó đến với học trò mình”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin