Tự hào truyền thống Thiếu Sinh Quân

12:10, 01/10/2017

 "Sau 42 năm trường ta giải thể. Hôm nay về ôn lại kỷ niệm xưa. Dẫu cho vật đổi sao dời/ Tình thầy nghĩa bạn suốt đời khắc ghi"… giọng cô Trần Thị Hồng Thủy- Phó Ban liên lạc Thiếu Sinh Quân tỉnh Vĩnh Long run run khi nhắc đến Trường Thiếu Sinh Quân tỉnh Vĩnh Long.

 “Sau 42 năm trường ta giải thể. Hôm nay về ôn lại kỷ niệm xưa. Dẫu cho vật đổi sao dời/ Tình thầy nghĩa bạn suốt đời khắc ghi”… giọng cô Trần Thị Hồng Thủy- Phó Ban liên lạc Thiếu Sinh Quân tỉnh Vĩnh Long run run khi nhắc đến Trường Thiếu Sinh Quân tỉnh Vĩnh Long.

Cả hội trường dường như ai cũng vỡ òa xúc động khi hôm nay gặp lại thầy cũ bạn xưa, những “anh chị nuôi” và cùng ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ về thời học sinh gian khó nhưng hào hùng.

Buổi họp mặt thật ấm áp vì có đông đảo quý thầy cô, học sinh và các gia đình nuôi chứa, bảo bọc nhà trường về tham dự.
Buổi họp mặt thật ấm áp vì có đông đảo quý thầy cô, học sinh và các gia đình nuôi chứa, bảo bọc nhà trường về tham dự.

Cuộc hội ngộ đầu tiên của gần 300 thầy cô, học sinh Trường Thiếu Sinh Quân tỉnh Vĩnh Long cùng các gia đình có công nuôi chứa, bảo bọc thầy trò nhà trường sau 42 năm thật đáng nhớ và đầm ấm biết bao.

Dù nhà xa hay gần, ai cũng tranh thủ đến Trường Chính trị Phạm Hùng thật sớm để tìm bạn đồng học, thầy cô ngày xưa trong niềm xúc động dạt dào.

Đứng bên ngoài, cô Lê Thị Phê (xã Song Phú- Tam Bình) đưa mắt nhìn khắp nơi để tìm bạn học thuở xưa mà “sao vẫn chưa gặp hay là mình không nhận ra bạn vì lâu quá rồi”.

“Mấy chục năm rồi còn gì. Lúc xưa học lớp 1, cùng ăn, cùng nghỉ rồi sinh hoạt chung với bạn vui lắm. Nhớ nhất là bạn Loan, bạn Thủy, bạn Vinh và cả chị Bé Bảy.

Hồi xưa quấn quýt bên nhau nhưng từ khi trường giải thể rồi chưa lần nào gặp lại”- cô xúc động nói.

Trường Thiếu Sinh Quân tỉnh Vĩnh Long thành lập vào tháng 1/1973 nhằm mục đích nuôi dạy đào tạo lực lượng tương lai cho cuộc kháng chiến theo chủ trương chiến lược của Quân khu.

Trường có khoảng 50 cán bộ, giáo viên và gần 1.200 học sinh là con em gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình cán bộ thoát ly kháng chiến...

Thời học sinh của những năm tháng chiến tranh ác liệt, với biết bao hiểm nguy, vất vả và những năm đầu mới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước với biết bao thiếu thốn, khó khăn.

Ấy vậy mà, các thầy cô giáo và học sinh Thiếu Sinh Quân đã vượt lên bom đạn chiến tranh, hy sinh, vất vả, vẫn miệt mài rèn luyện tri thức văn hóa, kiến thức quân sự, đạo đức làm người, tình yêu Tổ quốc và lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng.

Gắn bó với trường ngay từ khi mới thành lập, thầy Nguyễn Hữu Chí vẫn nhớ như in giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”.

Tình hình bấy giờ rất khẩn trương cấp bách nên thầy cùng các đồng chí khác khi được phân công nhiệm vụ về xây dựng trường là chấp hành vô điều kiện và bằng mọi cách vượt qua khó khăn thiếu thốn để thực hiện nhiệm vụ với kết quả tốt nhất.

Đồng chí Hoàng Trung Sơn- Trưởng Ban liên lạc Thiếu Sinh Quân Quân khu 9 trao kỷ niệm chương ghi nhận những đóng góp của những đồng chí có nhiều đóng góp cho lãnh đạo điều hành trường.
Đồng chí Hoàng Trung Sơn- Trưởng Ban liên lạc Thiếu Sinh Quân Quân khu 9 trao kỷ niệm chương ghi nhận những đóng góp của những đồng chí có nhiều đóng góp cho lãnh đạo điều hành trường.

Vậy là thầy cùng các đồng chí khác vừa cất trường vừa đào công sự, đấp trảng xê để tránh bom khi máy bay địch oanh tạc, vừa đảm bảo dạy và học, vừa canh phòng cảnh giác địch và luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn lực lượng…

Khó khăn, vất vả là thế nhưng thầy vẫn luôn cho rằng: đó chính là nhiệm vụ của mình, giống như “Con ong làm mật, yêu hoa. Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời”.

Chia tay ngày ấy đến giờ đã 42 năm, những thiếu sinh quân tóc hãy còn xanh, giờ gặp lại đầu đã bạc.

Trong số đó, nhiều người đã thành đạt, có nhiều đóng góp cho quê hương; người vào quân đội, công an; người về địa phương công tác…

Hôm nay tề tựu về đây, không phân biệt tuổi tác hay địa vị, tất cả vẫn là bạn bè một thuở. Gương mặt ai cũng rạng ngời niềm tự hào được là một phần của mái trường anh hùng.

Nhiều lớp học sinh Trường Thiếu Sinh Quân tỉnh Vĩnh Long hiện vẫn đang đóng góp ở nhiều lĩnh vực như: Thiếu tướng Phạm Thành Tâm- Phó Tư lệnh Quân khu 9; ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương; ông Phạm Hoàng Khải- Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long,…

Là học trò lớn tuổi nhất của trường trước giải phóng, là người anh, người A trưởng ngày nào, giờ đây chú Nguyễn Hồng Thái- Đội trưởng Đội Xây dựng công trình đô thị TP Vĩnh Long- tóc đã hoa râm.

Chú Thái xúc động kể: “Hồi đó, có lúc tụi học trò hay trèo rào đi chơi, trốn học làm thầy cô buồn lòng. Giờ nếu thời gian quay lại tụi em sẽ luôn nghe lời thầy cô…

Em xin cảm ơn thầy cô đã dìu dắt chúng em. Thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy chúng em đạo lý làm người.

Thầy là cha mẹ, quan tâm từng giờ ăn giấc ngủ, chăm sóc chúng em khi ốm đau”.

Trong cuộc họp mặt, có những người đã vài chục năm mất liên lạc với nhau để rồi rất nhanh chóng, tất cả đều hòa một niềm vui bất tận ngày gặp lại.

Trưởng thành từ chiếc nôi thân thương ấy, chú Nguyễn Văn Dũng nay là Bí thư Đảng ủy xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) vẫn không thể nào quên mỗi sáng cùng lên lớp học với bạn bè rồi trưa ăn cơm cùng mâm, tối đến cùng tham gia sinh hoạt nhật bình với bạn bè thật vui.

“Mấy mươi năm xa cách giờ được ôn lại truyền thống trường, được hội ngộ thầy cô, bạn bè như vầy thật ấm áp và ý nghĩa biết bao”- chú Dũng bộc bạch.

Lần họp mặt này còn thể hiện sự tri ân đối với các giáo viên, nhân viên và những gia đình có công với nhà trường. 

Cô Nga (trái) cùng học trò lớp 4C chụp ảnh lưu niệm.
Cô Nga (trái) cùng học trò lớp 4C chụp ảnh lưu niệm.

Cô giáo Trần Thị Hồng Nga- dạy lớp 4C lúc nhận kỷ niệm chương như trẻ lại, gương mặt ngời lên niềm hạnh phúc vô bờ.

Cô chia sẻ: khi xưa, điều kiện học khó khăn nhưng các em ngoan lắm và tinh thần quyết tâm học tập rất cao.

Giờ Trường Thiếu Sinh Quân chỉ còn trong nỗi nhớ nhưng cô tin rằng: những giáo viên, học sinh đã từng sống dưới cùng mái nhà này cũng sẽ không bao giờ quên những tháng năm sống, học tập, rèn luyện gian khổ nhưng đầy ý nghĩa ấy.

Buổi họp mặt đậm đà tình thầy nghĩa bạn kết thúc nhưng chắc hẳn trong mỗi người vẫn còn đong đầy cảm xúc tự hào về ngôi trường anh hùng, về tình cảm thầy trò trân quý, không thể quên được những cái bắt tay run run da diết, nồng nàn…

Và đặc biệt vẫn còn ghi mãi những cống hiến xứng đáng cho Đảng, cho quê hương đất nước của các thế hệ Thiếu sinh quân.

Tháng 9/1976, Trường Thiếu Sinh Quân tỉnh Vĩnh Long được lệnh giải thể. Dù chỉ có mấy năm nhưng đó là khoảng thời gian trường đã phấn đấu không ngừng, góp phần xứng đáng vào cuộc đua “đua sức, đua tài, đua ý chí và lòng kiên nhẫn” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần xứng đáng vào lịch sử truyền thống cách mạng tỉnh nhà.


Bài, ảnh: CẨM HUỆ

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh