Một chiều cuối tuần đầy mưa, tôi chạy xe đến nhà những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang bước chân vào giảng đường ĐH. Mưa mỗi lúc một lớn và câu chuyện của chúng tôi như dài thêm bởi mưa nặng hạt và ướt vì những giọt nước mắt chạnh lòng.
Một chiều cuối tuần đầy mưa, tôi chạy xe đến nhà những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang bước chân vào giảng đường ĐH. Mưa mỗi lúc một lớn và câu chuyện của chúng tôi như dài thêm bởi mưa nặng hạt và ướt vì những giọt nước mắt chạnh lòng.
Chúng tôi tin khó khăn rồi cũng sẽ qua, bởi vì các bạn đang mở ra cho mình một cánh cửa mới, cánh cửa ấy gọi là tương lai.
Chuyện nhà của Đốm
Đốm là tên gọi thân thương ở nhà, mẹ Hồ Minh Châu đặt cho con trai Hồ Minh Tân. Ấn tượng đầu tiên là một chàng trai mang họ mẹ.
Chị Minh Châu mím môi khi nói về chồng: “Tôi theo chồng về An Giang, đến khi con trai lớn- Minh Tân 2 tuổi và con gái nhỏ Kim Tuyến chưa tròn tháng thì về ngoại ở đến giờ.
Chồng tôi bỏ mẹ con tôi, nghe đâu, anh ấy đã chết rồi”. Câu chuyện gia đình xin tạm gác lại bởi đôi mắt chị Châu đỏ hoe và Minh Tân cũng muốn sụt sùi theo mẹ.
Hồ Minh Tân xem mẹ là chỗ dựa tinh thần. |
Nhà Hồ Minh Tân ở Phường 9 (TP Vĩnh Long), muốn vào nhà Tân phải vào một con hẻm nhỏ rồi lại một con hẻm nhỏ và nhà em ở đường cùng.
Nhìn cảnh cây cỏ trước nhà, không khác gì các xã vùng sâu. Trong căn nhà sàn lót bằng gỗ tạp khoảng 30m2, vách và mái đều bằng tôn là những giấy khen của Minh Tân treo đều tăm tắp.
Chị Minh Châu nghẹn ngào đưa chúng tôi xem sổ vay vốn hộ nghèo: “Nhờ vay hộ nghèo, tôi mới có tiền cho thằng Đốm đi học đó! Ban đầu tôi định khuyên con nghỉ hay chọn trường gần gần mà học cho đỡ tốn nhưng con khóc tôi cũng xót xa”.
Đã có một lần trước đó, năm Tân học lớp 11, chị Châu khuyên con bỏ học. Chị nói trong nước mắt: “Đời tôi đã không được học hành đàng hoàng, tôi cũng mong con mình tương lai sáng hơn. Nhưng có những lúc quá khó khăn, một mình không thể nuôi 2 con đi học”.
Không phụ lòng mẹ, anh em Minh Tân và Kim Tuyến đều học giỏi. Đặc biệt Minh Tân 12 năm liền là học sinh giỏi. Năm lớp 12, điểm trung bình học tập của Tân là 9,5.
Thật ngạc nhiên khi Tân cho chúng tôi xem kết quả học tập THPT, em học giỏi đều, các môn xã hội còn cao điểm hơn cả tự nhiên.
Tân cười: “Em chọn thi tự nhiên vì thích ngành chăn nuôi của Trường ĐH Nông Lâm”. Điểm thi THPT quốc gia 3 môn khối B của Tân là Toán 8,4 điểm; Hóa 8,0 điểm và Sinh 8,5 điểm.
Càng khó khăn hơn, khi con trai hay tin đậu ĐH, cũng là lúc chị Châu mất việc làm. Trước đây, chị làm công nhân cho công ty đông lạnh ở Phường 5.
Nay công ty phá sản, chị đến hội phụ nữ tỉnh đăng ký học may miễn phí để xin việc khác. Chị Châu lo lắng: “Tôi hơn 40 rồi, xin việc công ty khác, không biết họ có nhận không. Không ai nhận thì tôi đi chạy bàn quán cơm, ai mướn gì mần nấy”.
Là lớp trưởng, là học sinh giỏi cấp tỉnh hiếm hoi của Trường THCS- THPT Trưng Vương, lại là thành viên CLB trống kèn TP Vĩnh Long, nên Tân hoạt bát và trông chững chạc hơn những bạn cùng tuổi.
Chị Châu nhìn con trai cười: “Đốm đi học xa nhà, tôi chỉ lo thiếu tiền nuôi con, còn khoản tự lập thì khỏi phải lo từ chuyện dọn dẹp, nấu ăn Đốm rành hết.
Hồi Đốm học lớp 10, tôi cũng đi làm xa, Đốm lo quán xuyến hết việc trong nhà”. Nỗi lo lớn nhất của Minh Tân là việc làm thêm để góp phần lo cho việc học.
Tân cho biết em đang tìm việc làm thêm nhưng vì trường ở quận Thủ Đức hơi xa trung tâm thành phố nên chưa tìm được việc.
“Em biết việc học của mình rất mỏng, mỏng như một sợi tơ nhưng vì muốn tương lai của mẹ, của em và của cả gia đình em tươi sáng hơn. Em sẽ cố gắng làm dày thêm sợi tơ đó”- Tân nhìn xa xăm.
Chuyện của những cô bé mồ côi
Huỳnh Lê Xuân Nghi là sinh viên nhận được học bổng đặc biệt “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi Trẻ năm 2017. |
Có cha mẹ là một niềm hạnh phúc mà chỉ những ai mất đi niềm hạnh phúc ấy mới biết nó quý đến chừng nào.
Đó là những gì mà em Huỳnh Lê Xuân Nghi- tân sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sài Gòn- muốn nhắn nhủ với các bạn còn đủ cha mẹ.
Xuân Nghi ở thị trấn Vũng Liêm, mồ côi cha lúc mới hơn 2 tuổi và đến năm học lớp 2 thì mẹ em cũng qua đời.
Nước mắt rơi dài khi Nghi nhắc đến nỗi đau của 10 năm trước: “Ba mẹ em đều chết do tai nạn giao thông. Lúc ba mất, em gái vừa tròn 1 tháng tuổi”- Nghi nói thêm- “Lúc ba mất, em không biết gì nhưng khi mẹ mất thì em rất hụt hẫng, rất buồn”.
Từ khi cha mất, Nghi cùng mẹ và em gái về nương nhờ nhà ngoại, được ngoại và dì Hai chở che. Rồi bà ngoại mất do tuổi già, dì Hai mất vì bạo bệnh.
2 chị em sống cùng dì Út và ông ngoại hơn 88 tuổi. Nghi lo lắng: “Dì Út cũng đã 50, cả gia đình em sống nhờ vào quán cà phê của dì”.
Ngoài giờ học, chị em Nghi phụ dì trông quán. 12 năm học là 12 năm Nghi đạt học sinh giỏi, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Nghi xét tuyển khối D1 với số điểm là 25,75.
Nguyễn Thị Hồng Tươi muốn học ngành công tác xã hội để chăm lo cho trẻ mồ côi. |
Là một cô bé mồ côi cha, Nguyễn Thị Hồng Tươi (Ấp 10, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) đang là sinh viên ngành công tác xã hội của Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh và đi học xa nhà nhưng không nguôi nỗi lo cho mẹ.
“Mẹ em bị bệnh thận. Nhà nghèo không đất canh tác, hừng đông mẹ đi chợ xã bán khô, trưa về cắt cỏ bò, tối cùng mấy chị em làm hộp quẹt”- Tươi nói trong nước mắt.
Thương mẹ vất vả, đã có những lúc Tươi định thôi không học nữa, đi làm công nhân phụ mẹ, nhưng nỗi lo “quanh quẩn mãi với cái nghèo” cứ đeo đẳng Tươi. Em biết mình phải cố gắng hết sức để thay đổi số phận của mình, của mẹ và lo cho em gái sau này.
Tươi khoe: “Em mới xin được chân chạy bàn quán cơm gần trường, tan học là em ra đó làm đến khi dọn quán. Mỗi tháng cô chủ hứa trả 2 triệu đồng”.
Quán cơm dọn đã gần 23 giờ, Tươi về nhà trọ và để tiết kiệm tiền em còn nhận làm vệ sinh nhà trọ để giảm tiền thuê 500.000đ mỗi tháng.
Hồng Tươi cười tươi như cái tên của mình: “Em dọn vệ sinh nhà trọ có khi đến hơn 24 giờ. Cực nhưng em có sức khỏe, giảm được gánh nặng cho mẹ, em vui lắm!”.
Đó là những hoàn cảnh trong rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, đang cố gắng vươn lên nuôi dưỡng ước mơ của mình qua con chữ. Chúng tôi tin rằng, bằng ý chí nghị lực, các em sẽ vượt qua mọi khó khăn và thành công sẽ đến.
Võ Minh Tân- sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long (Ấp 8, xã Mỹ Lộc- Tam Bình) Gia đình thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất. Gia đình 4 người sống trong căn nhà lá dột nát. Cha em trong lúc đi làm bị tai nạn giao thông gãy xương bánh chè phải phẫu thuật bắt inox. Tân cho biết: “Nay đã đến ngày phẫu thuật lấy inox ra nhưng tiền mượn được đã dành cho em đóng học phí. Vì vậy, hiện tại chân của cha em không co lại được nên đi lại rất khó khăn. Mẹ em thì bị khối u não đã phẫu thuật, không làm việc nặng được. Ngoài giờ học, 2 anh em Võ Minh Tân đi phơi lúa mướn cùng mẹ”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin