Hướng đi nào cho học chữ kết hợp học nghề?

05:10, 25/10/2017

Học văn hóa kết hợp với học trung cấp (TC) để học viên hệ giáo dục thường xuyên sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, có thêm một bằng TC là mô hình hay. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện chương trình, vẫn còn nhiều khó khăn để duy trì sĩ số lớp học, thu hút học viên.

Học văn hóa kết hợp với học trung cấp (TC) để học viên hệ giáo dục thường xuyên sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, có thêm một bằng TC là mô hình hay. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện chương trình, vẫn còn nhiều khó khăn để duy trì sĩ số lớp học, thu hút học viên.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Mang Thít có 31 học viên trong năm học 2016- 2017.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Mang Thít có 31 học viên trong năm học 2016- 2017.

Mô hình hay nhưng chưa phát triển mạnh

Theo ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên- Sở GD- ĐT Vĩnh Long, các lớp học TC dành cho học viên thường xuyên thời gian qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề.

Trình độ tuyển sinh phù hợp với yêu cầu người học. Học viên có tiếp thu được một lượng kiến thức nhất định, tuy nhiên việc duy trì sĩ số chưa đảm bảo, ý thức học tập chưa cao.

Trong năm học qua, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các trường THPT có hệ giáo dục thường xuyên đã kết hợp với các trường CĐ mở 20 lớp, đào tạo 10 nghề.

Tổng số học viên đăng ký vừa học văn hóa kết hợp học TC nghề là 625 người. Đối tượng học văn hóa kết hợp học TC là học viên giáo dục thường xuyên, khối lớp 10 và 11.

Tuy nhiên, việc duy trì sĩ số chưa đảm bảo, cuối năm học 2016- 2017 có đến 210 học viên bỏ học TC nghề, tỷ lệ hơn 33%. Một số lớp bỏ học trên 50%.

Ông Nguyễn Ngọc Khương cho rằng: Bước đầu 20 lớp với trên 600 học viên là khả quan.

Tuy nhiên, việc duy trì sĩ số là rất đáng quan tâm, vì đến cuối năm học thì chỉ còn 415 học viên, giảm đến 210 học viên. Một số trường duy trì sĩ số tốt như Phan Văn Hòa, Vĩnh Xuân, Bình Tân.

Các trường CĐ phối hợp cũng rất đồng tình với đề án này. Ths. Nguyễn Quang Sang- Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Vĩnh Long- xem mô hình là một cánh cửa khác cho các trường CĐ tuyển sinh:

“Tôi hoàn toàn đồng ý với đề án này, chúng ta phải triển khai và cho học viên thấy hiệu quả của mô hình, vì các em có thêm một thuận lợi là học TC không phải đóng học phí”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long- quan tâm việc xây dựng chương trình sao cho phù hợp với năng lực các em.

Vì sáng học phổ thông đã học chữ rồi nếu chiều học lý thuyết, các em dễ chán và bỏ học. Tuy nhiên, giảm học lý thuyết nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chuẩn kiến thức kỹ năng. Bà cũng băn khoăn:

“Những ngành có triển vọng việc làm nhiều nhưng các em không học, như thủy sản chẳng hạn- các doanh nghiệp có nhu cầu nhiều, mỗi năm đều có đơn đặt hàng nhưng trường chúng tôi không tuyển sinh được.

Ngành điều dưỡng có nhu cầu xuất khẩu lao động rất nhiều nhưng chỉ mở được 1 lớp lại không đảm bảo về sĩ số”.

Thu hút học viên bằng lợi ích thực sự

Thu hút học viên bằng chính những lợi ích mà mô hình mang lại cho các em, mô hình thực hiện có hiệu quả thì học viên càng đông và ngược lại.

Xác định yếu tố này, Sở GD- ĐT, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tập trung nâng cao chất lượng giờ học, việc làm cho học viên sau khi ra trường, đảm bảo cho các em thời gian học văn hóa tốt.

Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng: Xây dựng chương trình cho học viên cần chú ý phối hợp chặt chẽ và logic với chương trình phổ thông. Ví dụ như các em chưa rành hình học thì không thể đọc bản vẽ được.

Về mở ngành, các lớp dạy nghề kỹ thuật khả năng tìm việc cao thì lại khó mở lớp.

“Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã có sẵn cơ sở vật chất tương đối, có thể phối hợp với các trường CĐ để dạy TC nghề cho học viên”- ông Võ Văn Tám gợi ý.

Theo ông Đặng Văn Phúc Tâm- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Long Hồ, muốn thực hiện mô hình tốt phải làm tốt phân luồng học sinh sau THCS.

Ông cho biết thêm sau khi khảo sát ý kiến phụ huynh: “Nhu cầu phụ huynh hiện nay muốn con em học phải ít nhất có bằng tốt nghiệp THPT, do đó, dù học nghề gì cũng phải đảm bảo cho các em có thời gian học văn hóa”.

Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- cho rằng trong thời gian tới, cần đẩy mạnh việc đào tạo văn hóa kết hợp học TC nghề cho học viên.

Chọn lựa giáo viên phù hợp, đưa hoạt động, hành động không hàn lâm để thu hút các em, nghiên về thực hành để hấp dẫn học sinh.

Bằng cách mở các ngành học phù hợp; chất lượng đào tạo thuyết phục; triển vọng việc làm trong tương lai; cơ hội liên thông lên CĐ, ĐH và làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Đặc biệt là chú trọng công tác tuyên truyền cho học viên, phụ huynh hiểu được ưu điểm của việc học văn hóa kết hợp học TC.

Thiết nghĩ, bên cạnh tiếp tục làm công tác tư vấn sâu cho phụ huynh, học sinh; tìm đầu ra ổn định cho học viên sau khi học TC thì việc đầu tư tiết dạy sinh động, nhẹ nhàng, hấp dẫn phù hợp đối tượng học viên thường xuyên cần được quan tâm.

Thêm vào đó, công tác phân luồng cần thực hiện tốt hơn nữa. Học viên và phụ huynh cũng nên có những nhìn nhận đúng, chọn ngành nghề phù hợp với con em mình.

Tại Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh, việc mở lớp học TC nghề buổi chiều được tất cả học sinh lớp 10 tham gia và đi học đều đặn. Cô Hiệu trưởng Huỳnh Thị Vân Hà cho biết: “Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long có đến phối hợp mở lớp cho học sinh vào buổi chiều. Đối với trường chúng tôi là phù hợp vì không đóng học phí. Thêm vào đó, các em ở nội trú nên dễ quản lý”. Cô Hà cũng băn khoăn về vấn đề thất nghiệp của học sinh: “Chúng tôi chọn ngành marketing và công nghệ thông tin vì cho rằng đây là những kỹ năng cần thiết cho học sinh dù sau này có làm ngành nghề gì”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh