Ban Giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm về các khoản thu không đúng quy định và phụ huynh có quyền từ chối nộp những khoản thu tự nguyện.
Ban Giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm về các khoản thu không đúng quy định và phụ huynh có quyền từ chối nộp những khoản thu tự nguyện.
Xã hội hóa trong giáo dục là một chủ trương nhằm huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân để đầu tư cho hoạt động giáo dục. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, chủ trương này đang bị nhiều trường lợi dụng để đặt ra những khoản thu vô lý, núp dưới danh nghĩa “tự nguyện” do Ban đại diện cha mẹ học sinh phát động ủng hộ nhà trường, gây bức xúc đối với phụ huynh và cả xã hội.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Ban Giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm về các khoản thu không đúng quy định và phụ huynh có quyền từ chối nộp những khoản thu tự nguyện.
Phụ huynh có quyền từ chối nộp những khoản thu tự nguyện. (Ảnh minh họa). |
PV: Thưa ông, tại những trường có dấu hiệu lạm thu thì Ban Giám hiệu đều đổ lỗi cho Ban đại diện cha mẹ học sinh, bởi những khoản thu đó mang danh nghĩa “tự nguyện”. Vậy, theo quy định thì Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu những khoản gì và phụ huynh học sinh có quyền từ chối những khoản thu tự nguyện này hay không?
Ông Trần Tú Khánh: Vấn đề mà các cơ sở giáo dục đổ lỗi cho đại diện hội cha mẹ học sinh thu theo quỹ hội thì về vấn đề này, Bộ đã có Thông tư 55, quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của hội cha mẹ học sinh và các khoản thu được thu và các khoản thu không được phép thu.
Nhưng trong quá trình triển khai, nếu những người đứng đầu cơ sở giáo dục quán triệt nghiêm, thì việc thu đối với các quỹ hội và có sự báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường thì những hiện tượng này không thể xảy ra. Qua đây cũng thấy được rằng, các đại diện Hội cha mẹ học sinh và Hội phụ huynh cũng cần hiểu thông tư 55 quy định như thế nào.
Còn ngoài các khoản mà không thuộc quỹ hội theo quy định tại Thông tư 55 thì tất cả các phụ huynh đều có quyền từ chối không đóng. Trong thời gian vừa qua thì có vận dụng để thu ví dụ như học tiếng Anh có yếu tố nước ngoài. Nếu phụ huynh nào không bằng lòng với các khoản thu như thế thì có thể không đóng và không tham gia.
PV: Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh cho rằng là bị ép buộc phải đóng những khoản thu tự nguyện. Ông có nhận định về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Tú Khánh: Thực ra kêu gọi xã hội hóa thì vấn đề là cách làm. Ở đây là người có điều kiện hỗ trợ và gánh vác cho những người không có điều kiện, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa, công nhân các khu công nghiệp. Nếu như ta triển khai xã hội hóa mà cào bằng, chia đều và áp đặt thì không phù hợp.
Còn nói là không đóng các khoản hỗ trợ thì con em mình thiệt thòi là do tâm lý của phụ huynh. Thực tế thì các nhà trường cũng không có chính sách và không đối xử với học sinh và con em mình như nhận định của phụ huynh học sinh, vì đối với cơ sở vật chất là chung. Tôi cũng là phụ huynh tôi biết có những cách làm mang hiệu quả rất cao. Đó là kêu gọi, mang tính chất là tự nguyện, còn nếu áp đặt thì nhận được những phản đối.
PV: Vậy để hạn chế tình trạng lạm thu đầu năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hoạt động thanh tra, kiểm tra như thế nào và chế tài xử lý tình trạng lạm thu đã đủ sức răn đe các trường vi phạm hay chưa?
Ông Trần Tú Khánh: Thực ra công tác thanh kiểm tra thì Bộ vào đầu năm học đều có văn bản hướng dẫn công tác thanh tra. Đối với các Phòng thanh tra của các Sở Giáo dục- Đào tạo xây dựng kế hoạch thanh tra để trình lãnh đạo Sở để ban hành kế hoạch thanh tra. Thanh tra Bộ không thể biết hết tất cả các địa phương trên cả nước, trách nhiệm này thuộc về các địa phương trên cả nước và Sở Giáo dục - Đào tạo phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra.
Về vấn đề xử lý, theo phân cấp thì địa phương sẽ trực tiếp xử lý các cơ sở sai sót theo đúng quy định và phân cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo không trực tiếp xử lý những người để xảy ra tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục. Về vấn đề này Bộ cũng sẽ có kiến nghị các địa phương rà soát những người đứng đầu các cơ sở giáo dục - đào tạo để xảy ra tình trạng lạm thu để có những chấn chỉnh kịp thời và có những xử lý phù hợp.
PV: Từ thực tế tình trạng lạm thu ở một số trường hiện nay, cùng với hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để hạn chế được tình trạng lạm thu trong các nhà trường?
Ông Trần Tú Khánh: Thứ nhất người đứng đầu cơ sở giáo dục phải quán triệt và nghiêm túc thực hiện việc này. Đại diện hội cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh phải là người đấu tranh và đặc biệt là phải am hiểu các quy định của Thông tư 55 đối với hội cha mẹ học sinh để biết được là nghĩa vụ mình phải đóng cái gì và đóng theo hình thức, nguyên tắc như thế nào. Còn các khoản thu ngoài thì không thể mượn danh hội cha mẹ học sinh và phụ huynh để mà thu như thực tế đã diễn ra.
Trách nhiệm để xảy ra lạm thu, có phiếu thu, có công bố là phải thu thì trách nhiệm người đứng đầu phải là Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục. Còn để xảy ra tình trạng lạm thu thông qua quỹ hội mà không có công khai, minh bạch hoặc không có chứng từ thu chi rõ ràng thì đại diện hội cha mẹ học sinh phải chịu trách nhiệm.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin