Hôm nay (21/06) gần một triệu thí sinh trên cả nước sẽ có mặt tại các điểm thi để nghe phổ biến quy chế và làm thủ tục dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Hôm nay (21/06) gần một triệu thí sinh trên cả nước sẽ có mặt tại các điểm thi để nghe phổ biến quy chế và làm thủ tục dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Năm nay trên cả nước có 866.005 thí sinh. |
Theo thông tin từ bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 toàn quốc sẽ có 866.005 thí sinh dự thi tại 2.364 điểm thi với 36.382 phòng thi. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng điểm thi nhiều nhất, 114 điểm thi. Hà Nội và Thanh Hóa cùng có 112 điểm thi. Địa phương có lượng điểm thi ít nhất là tỉnh Kon Tum với 13 điểm thi.
Đối với các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tại tài liệu hướng dẫn chi tiết đối với các hội đồng thi và thí sinh vừa được công bố, ngoài những vật dụng được mang vào phòng thi như bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính và những giấy tờ tùy thân cần thiết, thí sinh còn được mang theo các loại máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.
Cụ thể, các loại máy tính như Casio FX 570 MS, FX 570 ES Plus va FX 570VN Plus, FX 500MS, FX 500 VNPlus; VinaCal 500 MS, 570 MS, 570 ES Plus, 570 ES Plus II; Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES Plus Function, VN 570 RS VN 570 ES, VN-570 ES Plus; Sharp EL 124A, EL 2505, EL 506W, EL 509WM; Canon F-788G, F-789GA.
Ngoài ra, đối với môn địa lý, thí sinh được phép mang theo quyển Atlat Địa lý Việt Nam, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hay có ghi chép nội dung gì trong đó.
Bên cạnh đó, các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không được truyền hay nhận tín hiệu từ bên ngoài cũng được cho phép đem vào phòng thi.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 21-24/6. Cụ thể, ngày 21/6 các thí sinh sẽ làm thủ tục thi và chỉnh sửa lại lần cuối các thông tin cá nhân. Ngày 22, 23 và sáng 24/6 các thí sinh sẽ tham dự kỳ thi chính thức. Với 2,5 ngày thi thực tế, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 rút ngắn hơn so với năm 2016 1,5 ngày.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Để đảm bảo công bằng nghiêm túc cho tất cả các thí sinh cần nhiều giải pháp. Thanh tra, kiểm tra là một trong các giải pháp quan trọng. Theo quy chế thì có nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát.
Quy chế quy định tối đa 7 phòng thi sẽ có 1 giám sát. Cán bộ làm giám sát sẽ có nhiệm vụ rất cụ thể: Anh ta có quyền giám sát cả việc làm của giám thị và các lực lượng khác và có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu thấy giám thị không đảm bảo đúng quy định”.
Cũng theo ông Bằng, thanh tra các sở sẽ thanh tra tất cả các điểm thi. Họ thanh tra từ điểm trưởng cho đến giám thị. Lực lượng thứ 3 là thanh tra Bộ. "Thanh tra Bộ, chúng tôi thanh tra tất cả các sở, các hội đồng thi để bảo đảm từ hội đồng thi đến điểm trưởng, đến giám thị thực hiện đúng chức trách của mình. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thi các cấp cũng thường xuyên kiểm tra công tác thi theo thẩm quyền”, ông Bằng nói.
“Để thực hiện việc thanh tra của Bộ, chúng tôi đã thành lập 10 đoàn thanh tra chia theo khu vực. Thanh tra không cần có mặt liên tục ở tất cả các điểm thi và không nhằm trực tiếp để xử lý một vài trường hợp cụ thể mà nhằm phát hiện ra những việc làm đúng và chưa đúng. Nếu đúng thì tiếp tục chỉ đạo làm, còn chưa đúng thì sẽ có những chấn chỉnh, còn nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy chế”, ông Bằng cho biết.
Theo Công Luân (Người đưa tin)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin