Đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng cứ mỗi năm trước kỳ thi tốt nghiệp THPT ba tháng, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội lại ngày ngày đến trường THPT Hồng Hà & Nguyễn Khuyến (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để ôn tập môn Toán cho những học sinh có học lực yếu, kém.
Đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng cứ mỗi năm trước kỳ thi tốt nghiệp THPT ba tháng, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội lại ngày ngày đến trường THPT Hồng Hà & Nguyễn Khuyến (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để ôn tập môn Toán cho những học sinh có học lực yếu, kém.
Tấm lòng của người thầy
Thời điểm nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội bước vào đợt ôn tập và các kỳ khảo sát năng lực học sinh cho kỳ thi THPT quốc gia; cũng là lúc GS. NGND Vũ Tuấn lại "mở lớp học" tại trường THPT Hồng Hà & Nguyễn Khuyến để giảng bài cho những học sinh còn yếu, kém môn toán.
Lớp học mở tại phòng hội đồng của trường, từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều, không cố định số lượng học sinh. Cứ có ai là GS Vũ Tuấn giảng bài cho học sinh đó. Khi tôi đến, GS đang cùng 8 học trò ở các lớp học khác nhau giải một bài toán.
Nhiều học sinh được GS Vũ Tuấn giảng cho biết đã hiểu bài hơn và tự tin khi bước vào môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Mái tóc GS Vũ Tuấn đã bạc trắng, đôi mắt tinh anh, giọng nói trong và vang cho thấy sự nhiệt huyết, tận tâm của người thầy. GS Vũ Tuấn chia sẻ: “Thầy cô giáo ở trên lớp đã giảng bài đầy đủ, nhưng vẫn có những học sinh theo không kịp. Tôi có mong muốn giúp những học sinh này vượt qua khó khăn để tiếp thu bài giảng ở trên lớp tốt hơn. Đặc biệt, với môn Toán chỉ cần vướng một chút nhưng không tháo gỡ kịp thời sẽ rất khó khăn cho những bài sau. Và mục đích cuối cùng, mong các em đỗ tốt nghiệp THPT”.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hồng Hà & Nguyễn Khuyến cho biết, GS Vũ Tuấn đã thực hiện công việc này từ 6, 7 năm nay ở trường với tâm nguyện duy nhất là muốn được giúp đỡ học sinh. Thời điểm càng gần thi tốt nghiệp, ông càng đến trường nhiều hơn. Có những năm những học sinh tưởng như trượt tốt nghiệp vì môn toán nhưng qua hai tháng dìu dắt của thầy Tuấn các em đã đỗ đạt. Nhiều em không thuộc diện yếu nhưng cũng đưa bài xuống hỏi thầy Tuấn.
GS Vũ Tuấn cho rằng, các em đến với trường dân lập từ nhiều hoàn cảnh, lại có năng lực khác nhau nhưng chỉ cần chỉ rõ cho từng điểm sai, các em luôn sẵn sàng tiếp thu và có hiệu quả sau vài tuần theo học.
Học sinh Trần Hà My (Lớp 12A2) cho biết: “Em bị mất gốc môn Toán nên rất sợ học môn này. Từ hôm được thầy Tuấn giảng em đã tự làm được một số bài Toán cơ bản trên lớp. Có thể được thầy giảng cặn kẽ từng bài nên em luôn thấy dễ hiểu. Dù chậm nhưng chắc nên em chỉ mong đạt điểm tốt nghiệp môn toán”.
Được biết, mỗi ngày GS Vũ Tuấn ở trường từ 2- 5 giờ chiều. Trong khoảng thời gian đó, có từ 5- 8 học sinh được thầy giảng bài. Đó là những học sinh được thầy cô giáo trên lớp đánh giá là yếu, kém. Trải lòng về học sinh trong trường, cô Vũ Phương Liên, Thư ký Hội đồng nhà trường cho biết: “Các em học sinh rất hào hứng khi thầy Tuấn đến và đều muốn được thầy giảng bài bởi vì dễ hiểu".
GS Vũ Tuấn tâm sự: “Những năm gần đây do tuổi cao nên giờ học ở phòng hội đồng tôi chỉ giảng với số lượng ít; nhưng những năm trước đây thì phải chia lớp, gọi là lớp A0. Trong đó có những em đỗ vào trường đại học có tiếng, khi về trường đều hỏi thăm tôi. Đó là niềm vui của nghề giáo khi thấy học trò được giúp đỡ, đỗ đạt, trưởng thành”.
Trong 3 giờ đồng hồ, 8 học sinh vây quanh thầy Tuấn để hỏi. Nhiều thầy cô đánh giá sự sôi nổi này một phần bởi sự cởi mở của thầy Tuấn, phần nữa, thầy Tuấn sẽ giảng giải cặn cẽ từng bài một cho học sinh. Nếu chỗ nào chưa hiểu, các em đều hỏi thầy và tự trình bày lại bài toán. Có những hôm dù quá tiết rồi nhưng thầy Tuấn vẫn ở lại vì vẫn còn câu hỏi của học sinh.
Cốt cách của vị Giáo sư ngành toán
Sau nhiều lần đề nghị, GS Vũ Tuấn mới đồng ý để PV thực hiện bài viết này bởi “niềm vui của tôi là được giúp đỡ những học trò vượt qua khó khăn, và thấy được tiến bộ của các em qua từng giai đoạn, xa hơn nữa là sự đỗ đạt; đó là điều bình thường của mỗi nhà giáo, nhưng nếu viết lên, rất nhiều học trò của tôi lại gọi hỏi”.
Hơn 40 năm gắn bó với ĐH Sư phạm Hà Nội, GS Vũ Tuấn đã có rất nhiều học trò cũ trở thành nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trên mọi miền đất nước. Trong số ấy có những người trở thành giáo sư, tiến sĩ.
TS Cung Thế Anh, Khoa Toán- Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội viết: “GS Vũ Tuấn đã biên soạn nhiều giáo trình đại học, được Hội đồng thẩm định sách của Bộ GD - ĐT giới thiệu làm sách dùng chung cho các trường đại học sư phạm trong cả nước. Trong số đó phải kể đến hai cuốn sách nổi tiếng là: Giải tích toán học (3 tập) (viết chung với Phan Đức Thành, Ngô Xuân Sơn) và Phương trình vi phân (viết chung với Đoàn Văn Ngọc). Những cuốn sách này đã trở thành cẩm nang của giảng viên và sinh viên toán các trường đại học sư phạm trong một thời gian dài, được Nhà xuất bản Giáo dục tái bản nhiều lần và cho đến nay vẫn được coi là những giáo trình mẫu mực vì vừa cập nhật được những kiến thức hiện đại nhưng lại rất sư phạm trong cách trình bày”.
“Thầy còn là một trong những nhà toán học Việt Nam có uy tín lớn trong lĩnh vực Phương trình vi phân. Thầy đã có nhiều công bố có giá trị về lý thuyết ổn định nghiệm của phương trình vi phân. Thầy là người có công xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu về Phương trình vi phân ở khoa Toán-Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những trung tâm mạnh nhất về Phương trình vi phân - Tích phân ở Việt Nam”, TS Cung Thế Anh cho biết thêm.
Ở tuổi xưa nay hiếm rồi nhưng vẻ bình dị, cởi mở của GS Vũ Tuấn đã cho thấy rằng, nghề giáo luôn thực sự cao quý, trân trọng. Tấm gương của GS Vũ Tuấn đã nhắc nhớ đến bao thế hệ học trò, các thầy cô hôm nay rằng, giá trị của người thầy là từ những việc làm vốn có của nhà giáo. Đó là sự tận hiến, nhiệt tâm giúp học sinh tiến bộ.
Theo Báo Tin Tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin