Bằng những giải pháp cụ thể và vận dụng xã hội hóa giáo dục, Vĩnh Long đã chính thức được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Qua đó, ngành giáo dục tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Bằng những giải pháp cụ thể và vận dụng xã hội hóa giáo dục, Vĩnh Long đã chính thức được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Qua đó, ngành giáo dục tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Cần tăng cường nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trong thời gian tới. Trong ảnh: Sản phẩm tham gia hội thi đồ dùng dạy học cấp tỉnh bậc mầm non. |
Vận dụng giải pháp và xã hội hóa giáo dục
Trong khi thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, ngoài việc thiếu giáo viên để đảm bảo tỷ lệ 2 giáo viên/lớp theo quy định thì nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí khiến việc thực hiện đề án đã khó càng thêm khó.
Tuy nhiên, theo Sở GD- ĐT, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, vận động cộng đồng cùng chăm lo cho giáo dục mầm non, việc đầu tư kinh phí xây dựng, bổ sung trang thiết bị cho giáo dục mầm non được quan tâm ngày càng nhiều, là điều kiện để tỉnh hoàn thành đề án.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT, để thực hiện đề án này cần kinh phí hơn 420 tỷ đồng. Trong đó, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ 168 tỷ đồng. Đây là điều kiện để Vĩnh Long hoàn thành đề án.
Tính đến hết tháng 7/2016, tỉnh đã có 107/109 xã- phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; có 100% xã- phường- thị trấn đạt chuẩn và đã được Bộ GD- ĐT công nhận hoàn thành đề án.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, nhận thức về giáo dục mầm non được nâng lên, nhân dân, các bậc cha mẹ tin tưởng, luôn tạo điều kiện cho con em đến trường, tích cực tham gia vào các hoạt động của nhà trường.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động, thực hiện xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh và có hiệu quả thiết thực, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng để giáo dục mầm non phát triển ổn định và bền vững.
Song song với việc hoàn thành đề án phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, Vĩnh Long cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đúng độ tuổi. Hiện nay, phổ cập giáo dục tiểu học của tỉnh đã đạt mức độ 2, tiếp tục duy trì kết quả đạt được.
Hiện toàn tỉnh có 33/109 đơn vị đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 2, có 76/109 đơn vị đạt mức độ 3. Có 24/109 đơn vị đạt phổ cập THCS mức độ 1; 53/109 đơn vị đạt mức độ 2 và 32/109 đơn vị đạt mức độ 3.
Theo Sở GD- ĐT, từ nguồn xã hội hóa giáo dục đã giúp cho tỉnh hoàn thành và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.
Tổng số tiền đã huy động cho phổ cập là gần 49 tỷ đồng, từ đó đã hỗ trợ về học bổng, tập sách, xe đạp, đồng phục, chương trình thắp sáng niềm tin, thiết bị phục vụ dạy học, xây dựng thư viện,…
Tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập
Đầu tư về cơ sở vật chất và vận dụng các nguồn xã hội hóa đã góp phần cho tỉnh hoàn thành đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. |
Năm 2017, ngành giáo dục Vĩnh Long tiếp tục tăng cường các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng phổ cập giáo dục.
Theo Sở GD- ĐT, trong năm 2017, mục tiêu sẽ có 108/109 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (tăng 1 đơn vị); có 86/109 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tăng 10 đơn vị); có 48/109 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (tăng 16 đơn vị).
Đồng thời, sẽ có 42/109 đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ, có 1 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, 1 huyện xóa mù chữ đạt mức độ 3.
Để đạt được các mục tiêu đó, ngành giáo dục xác định cần củng cố công tác chỉ đạo và tuyên truyền về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tăng cường huy động đối tượng phổ cập ra lớp; nâng cao chất lượng phổ cập, xóa mù chữ. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục…
Theo ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, ngành giáo dục cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém.
Qua đó, ngành giáo dục cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền; làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tập trung huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án, chương trình tài trợ của các tổ chức phi chính phủ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xây dựng chính sách hợp lý đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Đồng thời thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tài chính…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cũng lưu ý đến các tổ chức Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội Cha mẹ học sinh,… cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, góp phần cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin