Chọn những ngành nông nghiệp, tại sao không?

09:04, 05/04/2017

Những ngành phục vụ cho nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, nông học, thú y,…có đầu ra khá rộng, nhất là đối với một vùng đất có thế mạnh nông nghiệp như tỉnh Vĩnh Long và ĐBSCL. Hơn thế nữa, nhiều bạn trẻ còn chọn học các ngành này để khởi nghiệp.

 

Học các ngành nông nghiệp cần được tham quan, thực hành nhiều. Trong ảnh: Sinh viên tham quan cơ sở sản xuất cua giống.
Học các ngành nông nghiệp cần được tham quan, thực hành nhiều. Trong ảnh: Sinh viên tham quan cơ sở sản xuất cua giống.

 

Những ngành phục vụ cho nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, nông học, thú y,…có đầu ra khá rộng, nhất là đối với một vùng đất có thế mạnh nông nghiệp như tỉnh Vĩnh Long và ĐBSCL. Hơn thế nữa, nhiều bạn trẻ còn chọn học các ngành này để khởi nghiệp.

Ngành để khởi nghiệp

Học các ngành nông nghiệp- trong đó sẽ học các kỹ năng rất gần gũi trong cuộc sống nông thôn, sinh viên nào áp dụng được việc học vào đời sống sẽ khởi nghiệp thành công.

Tại sao chúng ta lại đặt câu hỏi ngành này, ngành kia có việc làm hay không mà không tự tạo việc làm cho mình? Thầy Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu Trần Mạnh Hùng nói về câu chuyện tư vấn tuyển sinh với một học sinh 5 năm trước đây.

Em hỏi “nhà em có 2 vuông tôm, em nên học ngành gì” thì thầy Hùng đã tư vấn cho em học ngành nuôi trồng thủy sản, và hiện nay sinh viên này đã ra trường hỗ trợ gia đình phát triển 2 vuông tôm rất tốt.

Ở xã Phú Lộc (Tam Bình) có anh Nguyễn Thanh Nhàn, nổi tiếng với trang trại heo gần 500 con và một cửa hàng thuốc thú y. Học xong ngành thú y ở một trường CĐ, anh Nhàn đi làm thêm 2 năm và sau đó về quê chăn nuôi.

Anh Nhàn cho biết: “Tôi vừa nuôi heo nái vừa nuôi heo thịt nên không lo tiền mua heo giống. Ngoài ra, còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi”. Với kiến thức học được từ nhà trường và kinh nghiệm bản thân, anh Nhàn đã thành công.

Dựa vào chuyện làm ăn của gia đình, nhiều bạn chọn học nông nghiệp để giúp kinh tế gia đình phát triển hơn. Anh Nguyễn Quốc Thái tốt nghiệp ĐH Cần Thơ ngành khoa học cây trồng và hiện đang giúp gia đình bán vật tư nông nghiệp. Anh Thái cho biết: “Tôi đi học ngành này để hiểu về cây trồng vì nhà tôi bán phân, thuốc mà. Tôi phải hiểu để tư vấn cho bà con nông dân đúng cách, sử dụng có hiệu quả thì cửa hàng của tôi mới bán đắt chứ”.

Còn rất nhiều những người chọn học ngành nông nghiệp để khởi nghiệp như anh Hà- kỹ sư nông học về quê Tam Bình trồng cam và thắng lớn, hay trại nấm của sinh viên Nguyễn Thị Tuyết Toang, Cô Thành Đạt,…

Cần tố chất gì cho khối ngành này?

Mỗi ngành nghề có những yêu cầu khác nhau, tuy nhiên điều kiện tiên quyết vẫn là bạn có yêu thích ngành nghề này hay không? Làm sao để xác định được mình có thích không? Hãy đặt ra cho mình những câu hỏi liên quan và nghĩ xem mình có thể gắn với công việc đó suốt đời không?

Khối ngành nông nghiệp không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, một số trường hợp như tuyển nhân viên kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thì nam vẫn được ưu tiên hơn.

Đối với ngành bác sĩ thú y, rất cần có trách nhiệm cao và sự thận trọng trong công việc. Có một học sinh ở Trà Ôn đã hỏi Ban tư vấn “em sợ đi chích thuốc, có học ngành thú y được không?” Thực tế, có nhiều người học ngành thú y nhưng khi ra trường cũng không cần phải tự tay chích thuốc.

Tuy nhiên, trong quá trình học khoảng 5 năm cho chuyên ngành này, sinh viên sẽ tiếp xúc nhiều với máu động vật, chích thuốc, mổ heo gà, đỡ heo đẻ,… vì đây là công việc của bác sĩ thú y.

Đại diện Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn đặt chân vào ngành này, bác sĩ thú y nói riêng và người làm trong lĩnh vực thú y nói chung phải yêu động vật, chấp nhận vất vả.

Hiện nay, có rất nhiều trường có tuyển sinh các khối ngành nông nghiệp. Học sinh nên dựa trên chương trình đào tạo, cơ sở vật chất để thực hành, điểm chuẩn để chọn trường phù hợp.

Có rất nhiều hướng khởi nghiệp khác nhau của những sinh viên khối ngành nông nghiệp. Để học được ngành này, bạn phải là người yêu nghề, không ngại khó, không ngại khổ và muốn làm giàu từ mảnh đất quê hương mình.

 

Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh có điểm chuẩn năm 2016 cho các ngành nông nghiệp từ 18- 22 điểm. Trường ĐH Cần Thơ có điểm chuẩn các ngành nông nghiệp 2016 dao động từ 15- 20,25 điểm.

 

Trong đó, thấp điểm nhất là ngành nuôi trồng thủy sản và cao nhất là ngành thú y. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng có các ngành thú y, công nghệ thực phẩm, điểm chuẩn là 15. ĐH Cửu Long cũng có các ngành: công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, nông học.

 

Ngoài ra, học sinh có thể chọn học nông nghiệp ở các trường CĐ, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long với ngành: dịch vụ thú y, nuôi trồng thủy sản, quản lý đất đai, công nghệ thực phẩm, chế biến lương thực.

 

  • ™Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh