Sáng ngày 23/3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard, đã có buổi gặp gỡ với sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Tại đây, nhiều vấn đề về giáo dục và nghiên cứu đã được đặt ra.
Giáo sư Drew Gilpin Faust thuyết trình tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (ảnh Khương Quỳnh) |
Sáng ngày 23/3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard, đã có buổi gặp gỡ với sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Tại đây, nhiều vấn đề về giáo dục và nghiên cứu đã được đặt ra.
“Tôi đến Việt Nam với tư cách một nhà sử học”
Giáo sư Drew Gilpin Faust cho biết, bà đến với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM trong tư cách một nhà nghiên cứu sử học. Trong khi đó, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM là một trong những đại học hàng đầu của Việt Nam nghiên cứu về sử học rất bài bản.
Giáo sư Drew Gilpin Faust nhắc đến cuộc chiến tranh Việt Nam – Hoa Kỳ. “Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách gọi của các bạn và chiến tranh Việt Nam theo cách gọi của chúng tôi đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi – những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970. Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng, Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh giống như nhiều người Mỹ đã từng đến đây. Tôi thì vẫn mong một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp về vẻ đẹp, lịch sử và sự sống động, triển vọng của nó”.
Giáo sư Faust đã kể về những ngày bà xuống đường biểu tình như bao người Mỹ khác để phản đối chiến tranh Việt Nam: “Chẳng những ra đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam, mà tôi còn luôn tranh cãi với mẹ, không tiếp nhận ý kiến của bà rằng, chính trị là một việc của đàn ông. Rất tiếc là mẹ tôi đã mất trong những năm 1960 và không thể chứng kiến được những việc tôi làm khiến người ta đau đầu như thế nào” – Giáo sư Faust hài hước kể lại.
Sau này, khi chiến tranh đã kết thúc, bà cũng đã dành rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu về cuộc chiến này: “Lý do thôi thúc tôi thăm đất nước Việt Nam là vì tôi dành một mối quan tâm đặc biệt với đất nước các bạn, không chỉ để qua tìm hiểu về cuộc chiến tranh. Tôi vô cùng vui mừng khi có cơ hội qua Việt Nam, để chứng kiến sự năng động và phát triển ngoạn mục của Việt Nam trong thời gian gần đây. Tôi chắc chắn sau này vẫn muốn tìm hiểu thêm về mọi mặt của đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ hiện nay, rất nhiều người Mỹ cũng quan tâm đến Việt Nam, cụ thể như những người bạn của tôi”.
“Sẽ không có sự khác biệt giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Mỹ”
Trong buổi làm việc với Trường, đoàn đại biểu của Đại học Harvard đã bàn các cơ hội hợp tác trong tương lai cho các học giả của Đại học Harvard đang nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến Việt Nam. GS Faust hi vọng sau này, hai trường sẽ có nhiều hoạt động nghiên cứu chung.
Hiện nay, tại Đại học Harvard có 16 sinh viên có Quốc tịch Việt Nam đang học tập và nghiên cứu: “Tôi rất vui mừng nếu sau này số lượng sinh viên Việt Nam tại Harvard tăng lên. Tôi rất mong các học sinh, sinh viên Việt Nam muốn du học sẽ nghĩ đến Harvard. Những sinh viên Việt Nam được nhập học tại Harvard ở cấp Đại học sẽ được xem xét cấp học bổng với các điều kiện tương tự như sinh viên Mỹ, không có sự khác biệt giữa du học sinh nước ngoài như Việt Nam và sinh viên của Mỹ” – GS Faust khẳng định.
Hiện nay, các học giả của Đại học Harvard đang có rất nhiều những nghiên cứu liên quan đến Việt Nam: “Tôi với tư cách là hiệu trưởng không dám nói dự án nào quan trọng hơn dự án nào. Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng tôi, một trong những dự án nghiên cứu khá khả thi mà các học giả Harvard nghiên cứu hiện nay là sự phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”.
Liên quan đến những đề tài nghiên cứu của Đại học Hardvard về Việt Nam, TS Võ Văn Sen – Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã đề nghị với hiệu trưởng của Đại học Hardvard để nghiên cứu tập trung vào sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững nhìn từ góc độ nhân văn. Không thể coi nhẹ góc độ nhân văn được. Thứ hai là hướng phát triển của Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa. Giáo sư Drew Gilpin Faust đã hứa sẽ xem xét ý tưởng này, vì các học giả của Hardvard đã nghiên cứu nhiều về vấn đề này”.
Giáo sư Drew Gilpin Faust là Hiệu trưởng thứ 28 của Đại học Harvard. Bà là Giáo sư sử học danh hiệu Lincoln của Trường Khoa học và Nhân văn thuộc Đại học Harvard. Trên cương vị là Hiệu trưởng của Harvard, Giáo sư Faust đã mở rộng hỗ trợ tài chính, giúp sinh viên ở mọi hoàn cảnh kinh tế khác nhau theo học tại trường Harvard Colledge (là bậc đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng) và đẩy mạnh việc nhận tài trợ từ chính phủ liên bang cho nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Drew Gilpin Faust còn là một sử gia nghiên cứu về cuộc nội chiến về miền Nam Hoa Kỳ. Bà là tác giả của 6 đầu sách, bao gồm “Mothers of Invention: Women of the Slaveholding South in the American Civil War” do nhà xuất bản Đại học North Carolina Press phát hành năm 1996. Với tác phẩm này, bà đã đạt giải thưởng Francis Parkman vào năm 1997.
Theo Lao Động
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin