Mùa tuyển sinh 2017 sắp bắt đầu, ngay sau khi Bộ GD- ĐT chốt các quy chế thì các cơ quan, tổ chức, trường ĐH, CĐ tiến hành tư vấn tuyển sinh.
Mùa tuyển sinh 2017 sắp bắt đầu, ngay sau khi Bộ GD- ĐT chốt các quy chế thì các cơ quan, tổ chức, trường ĐH, CĐ tiến hành tư vấn tuyển sinh.
Thí sinh đã biết gì về những quy chế mới của kỳ thi năm nay, cách lựa chọn ngành nghề, chọn trường, nộp hồ sơ,… Khi mà các em có cơ hội xét tuyển thoải mái thì bao nhiêu nguyện vọng là đủ?
Nghiên cứu kỹ thông tin của trường, ngành để có sự lựa chọn phù hợp. |
Những điểm mới cần lưu ý
Tổ chức thi 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH). Môn Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Theo TS. Lê Thị Thanh Mai- Trưởng Phòng Công tác học sinh sinh viên, Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì ưu điểm của trắc nghiệm khách quan là thí sinh lười học bài nhưng hiểu bài là có thể làm tốt phần thi. Tuy nhiên “nếu các em chủ quan, kết quả thi có thể rất thấp”- bà Lê Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Điều nhiều thí sinh quan tâm nhất là tổ hợp bài thi KHTN và KHXH sẽ thi như thế nào. TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết các môn trong tổ hợp có thời gian thi là 50 phút, tổng thời gian cho tổ hợp 3 môn là 150 phút. Trong đó, có 3 đề thi riêng và thí sinh sẽ làm các đề thi liên tiếp nhau.
Mỗi đề thi có một mã số và điều thí sinh cần quan tâm là mã số các đề có trùng nhau không. Bà ví dụ: “Trong tổ hợp KHTN, mỗi thí sinh có mã số đề thi riêng, có 3 môn Lý, Hóa và Sinh thì mã số đề thi ở 3 môn này phải giống nhau. Thí sinh cần kiểm tra mã số đề trước khi làm bài thi”.
Kỳ thi được tổ chức trong 2,5 ngày tạo thuận lợi cho thí sinh. Thời gian thi chính thức từ 22- 24/6, chiều 21/6 thí sinh đến hội đồng để nghe phổ biến quy chế thi. Trong quy chế cho phép và khuyến khích học sinh ngoài thi các bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) thì có thể đăng ký thi cả 2 bài thi tự chọn.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12, với các câu hỏi ở mức độ cơ bản để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc đăng ký dự thi sẽ do các sở GD- ĐT tổ chức triển khai tại các trường THPT/trung tâm GDTX và tại các địa điểm khác do sở quy định.
Mỗi tỉnh- thành trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi THPT quốc gia với các điểm thi được đặt ở các trường hoặc liên trường THPT ở các huyện- thị tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi. Tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo giáo viên.
Chọn hướng đi cho mình
Có khoảng 200 học sinh tham gia buổi tư vấn tuyển sinh do Tỉnh Đoàn Vĩnh Long phối hợp với Báo Giáo dục TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khi người dẫn chương trình hỏi “có bao nhiêu học sinh đã chọn được ngành nghề cho mình?” thì khoảng 50% học sinh giơ tay.
Có thể nói, việc chọn ngành, chọn trường đối với các em không dễ dàng và rất cần sự tư vấn. Những chuyên gia tư vấn đều cho rằng: Đây là thời điểm thí sinh xác định hướng đi cho mình. Bởi lẽ, đến khi có kết quả thi các em thường rơi vào tình trạng rối rắm giữa các ngành, trường,…
Th.s Phạm Doãn Nguyên- Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP Hồ Chí Minh cho rằng: Mỗi người chúng ta có tố chất khác nhau để phù hợp với những ngành nghề nhất định và các em cần tránh chọn ngành theo bạn bè.
Vậy, làm thế nào để nhận diện và khám phá bản thân? Trước hết, thí sinh có thể làm trắc nghiệm tâm lý chọn ngành nghề.
Sau đó, tham chiếu với 5 đối tượng khác nhau như bạn bè, thầy cô, cha mẹ,… để hỏi xem ngành đó có phù hợp với mình hay không? Hoặc cụ thể hơn, thí sinh có thể thử làm công việc đó. Hỏi thăm những người đang làm công việc đó xem yêu cầu công việc có phù hợp với mình không?
Đặc biệt, điểm khác biệt khi đăng ký dự thi năm nay là thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi.
Để có thể đăng ký xét tuyển đúng, thí sinh cần tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD- ĐT và trang thông tin điện tử của các trường.
Thí sinh được đăng ký không hạn chế số ngành, số trường và các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới.
“Vậy thì bao nhiêu nguyện vọng là vừa?”- học sinh Võ Thanh Tùng- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi ban tư vấn. TS. Lê Thị Thanh Mai cho rằng: Thoải mái nguyện vọng có thể là 5 hoặc 10, hoặc hơn nữa nhưng các em nên lưu ý có thể càng nhiều càng rối và càng chứng tỏ bản thân chưa có quyết định chín chắn.
Trước khi đăng ký nguyện vọng, các em phải chọn ngành yêu thích và các ngành gần đó. Sau đó, các em chọn trường, ngành và xếp thứ tự ưu tiên. Thí sinh nên dựa trên điểm chuẩn các trường năm 2016 để có sự chọn lựa phù hợp với năng lực.
Xác định năng lực bản thân, tình hình kinh tế gia đình để chọn ngành nghề phù hợp là điều thí sinh cần quan tâm. Hơn thế nữa, phụ huynh và thí sinh cần hiểu rõ quy chế, cách xét tuyển,… để đảm bảo lợi ích của mình khi tham gia xét tuyển.
Tư vấn hướng nghiệp năm 2017 cho khoảng 3.000 học sinh Từ ngày 7- 11/2/2017, được sự cho phép của Sở GD- ĐT Vĩnh Long, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long phối hợp với Báo Giáo dục TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT trong tỉnh với chủ đề “Đúng ngành nghề, sáng tương lai”. Chương trình được thực hiện ở 14 trường THPT trong tỉnh Vĩnh Long, mỗi trường có ít nhất 200 học sinh lớp 11 và 12 tham gia. Các em sẽ được các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ ở TP Hồ Chí Minh tư vấn về những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017, cách chọn trường, chọn ngành nghề. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin