Thực hiện Đề án "Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi" là lộ trình xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, những năm trước đây, việc thực hiện đề án này còn nhiều khó khăn, theo Sở GD- ĐT Vĩnh Long, khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí.
Thực hiện Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi” là lộ trình xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, những năm trước đây, việc thực hiện đề án này còn nhiều khó khăn, theo Sở GD- ĐT Vĩnh Long, khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ hơn 168 tỷ đồng từ Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, đến nay Vĩnh Long đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Đoàn thanh tra của Bộ GD- ĐT tham quan một phòng học mới do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ kinh phí xây dựng tại xã Trung Thành (Vũng Liêm). |
Từ những ngày “cái gì cũng thiếu”
Cơ sở vật chất thiếu, giáo viên thiếu, phòng học thiếu, nhiều trường mầm non trong tỉnh phải học nhờ, học tạm, học ghép lớp hay chia sẻ giáo viên từ các lớp học 3, 4 tuổi lên dạy 5 tuổi.
Một phần do tâm lý phụ huynh vùng sâu và điều kiện kinh tế khó khăn nên khó tổ chức cho trẻ học 2 buổi/ngày, giáo viên cũng thiếu,... Từ khi bắt đầu thực hiện phổ cập GDMN, Vĩnh Long như nằm ở điểm thấp nhất.
Huyện Bình Tân từng gặp khó khăn về đất đai khi 7 xã không có quỹ đất. Trong khi đó, huyện Vũng Liêm có địa bàn rộng với 20 xã- thị trấn và bắt đầu xây chuẩn từ “thiếu đủ thứ”.
Theo bà Nguyễn Thị Kha- Trưởng Phòng GD- ĐT huyện Vũng Liêm: “Cơ sở vật chất đầu tư cho GDMN khi đó cái gì cũng thiếu: thiếu phòng học, đồ dùng, đồ chơi,… và đến cuối năm 2012 thì Vũng Liêm mới có 1 xã- thị trấn đạt chuẩn đề án này”.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho rằng: Trong phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi thì tiêu chuẩn khó đạt nhất là tiêu chuẩn về trẻ em học 2 buổi/ngày.
Do thiếu phòng học, bếp ăn, phòng y tế và trang thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện chương trình GDMN mới,… nên trẻ không được học bán trú hoặc 2 buổi/ngày theo quy định.
Đến năm 2015, công tác đầu tư cơ sở vật chất được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về phòng học (còn thiếu 158 phòng).
Còn 95 lớp với 2.456 trẻ 5 tuổi học 1 buổi do thiếu phòng học. Về trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học, mặc dù đã đầu tư nhiều hơn nhưng vẫn chưa đảm bảo đáp ứng theo quy định tại Thông tư 02/2010/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT.
Đến xã hội hóa giáo dục
Xác định khó khăn lớn nhất của tỉnh là kinh phí, Sở GD- ĐT đã tìm nguồn xã hội hóa để thực hiện đề án này. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết: Lúc đó, chúng tôi vận động và được lãnh đạo Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long vui vẻ đồng ý.
Và, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã đầu tư xây 158 phòng học mới, kể cả trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo đúng chương trình GDMN cho trẻ 5 tuổi ở Vĩnh Long.
Để có cơ sở thực hiện, tháng 10/2015, UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các công trình thuộc Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi của tỉnh Vĩnh Long.
Mục tiêu nhằm nâng cấp, mở rộng mạng lưới trường, lớp mầm non, mẫu giáo phù hợp yêu cầu và tình hình thực tế địa phương, đảm bảo đến năm học 2016- 2017, có 100% trẻ 5 tuổi được học bán trú hoặc 2 buổi/ngày. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để tỉnh hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Trẻ em cần có môi trường học tập, vui chơi thân thiện để phát triển tốt. |
Nguồn vốn hơn 168 tỷ đồng hỗ trợ của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long được đầu tư cho 42 công trình thuộc các trường mầm non, mẫu giáo ở các huyện: Bình Tân (28,2 tỷ đồng), Tam Bình (32,7 tỷ đồng), Vũng Liêm (58,7 tỷ đồng), Long Hồ (33,4 tỷ đồng), Mang Thít (15,4 tỷ đồng).
Với 33,4 tỷ đồng trích từ gói kinh phí hỗ trợ của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, huyện Long Hồ quyết tâm phối hợp sở, ngành liên quan hoàn chỉnh thiết kế, xây dựng sớm các trường, lớp, đảm bảo cho 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.
Trong khi đó, huyện Vũng Liêm được hỗ trợ nhiều nhất. Bà Nguyễn Thị Kha nói: Từ nguồn hỗ trợ của Đài Phát thanh- Truyền hình, chúng tôi đã xây dựng 57 phòng học, 13 bếp ăn, 12 phòng y tế và mua sắm đồ dùng, đồ chơi,...
Giám đốc Sở GD- ĐT Nguyễn Thị Quyên Thanh, cho biết: “Để thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, tỉnh Vĩnh Long cần nguồn kinh phí hơn 420 tỷ đồng. Trong đó, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã hỗ trợ hơn 168 tỷ đồng để Vĩnh Long hoàn thành đề án này”.
Nói về định hướng tới, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho rằng, phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ để thực hiện được tốt hơn, hoàn thiện hơn đề án này.
|
Ông Nguyễn Bá Minh- Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD- ĐT đánh giá cao nỗ lực của Vĩnh Long trong việc thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Trong đó, Vĩnh Long đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. |
- Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin