Cân bằng giữa học và chơi

04:12, 28/12/2016

Chuyện học và chơi tưởng như đối nghịch nhau nhưng thực ra luôn song hành tuổi trẻ. Nhiều sinh viên (SV) nói rằng "Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ/ Chơi không học đánh mất tương lai". Có thật thế không?

Chuyện học và chơi tưởng như đối nghịch nhau nhưng thực ra luôn song hành tuổi trẻ. Nhiều sinh viên (SV) nói rằng “Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ/ Chơi không học đánh mất tương lai”. Có thật thế không?

Học để có kiến thức và chơi “có chọn lọc” để thêm vốn sống là rất cần thiết.

Chơi mà học, học mà chơi để vừa tăng kiến thức vừa thêm kỹ năng.
Chơi mà học, học mà chơi để vừa tăng kiến thức vừa thêm kỹ năng.

Học hay chơi?

“Đi học không phải trả bài, được lựa chọn lịch học, môn học, thời gian học,... nói chung là sướng như học ĐH”- bạn Nguyễn Thị Phương Trang- SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long vui vẻ nói.

Tuy nhiên, thời gian sung sướng ấy sẽ qua rất nhanh vì còn bao nhiêu chuyện phải lo ở giữa và cuối học kỳ. Đợi “nước đến chân mới nhảy” thì “e là không kịp” và kết quả cũng không như ý được.

Những hoạt động vui nhộn, mới mẻ ở trường ĐH đã cuốn hút Trang tham gia không mệt mỏi, từ hoạt động Đoàn, hội SV, thanh niên tình nguyện đến các CLB âm nhạc,... đã chiếm hết thời gian rảnh rỗi của Trang.

“Trong khi đó, mình lại quên rằng học tín chỉ cần tự nghiên cứu nhiều, nếu học theo giáo trình thì không đủ kiến thức”- Trang cho biết.

Sắp xếp thời gian cho việc học và chơi sao cho hài hòa không chỉ là vấn đề của Trang mà còn của nhiều bạn trẻ khác, khi bắt đầu sống xa gia đình. Đối với bạn Nguyễn Phúc Vinh- SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long thì: “Bỗng dưng không ai quản thúc mình, bỗng dưng tự chủ thời gian,… thành ra không được chăm học như xưa”.

Vinh thành lập một nhóm bạn riêng đi từ sáng đến chiều. “Một buổi đi học, một buổi đi chơi game”- Vinh tự “rút kinh nghiệm” và nói thêm: “Bây giờ học năm 3 rồi, sắp đi thực tập lần 2 rồi mới thấm thía”.

Vinh “thấm” vì bạn tuy học khá nhưng khi đi thực tập chuyến đầu tiên vào năm thứ 2 thì bạn phát hiện ra mình “dùng từ không giống ai”, Vinh ví dụ như “lầy, vi diệu, trẻ trâu,…”.

Và “ do chỉ giao tiếp với một nhóm bạn nên khi vào công ty, cách tôi nói chuyện hình như không phù hợp chỗ làm việc, tôi thực tập chỉ được 8 điểm trong khi rất nhiều bạn được 10 điểm”- Vinh tiếc rẻ nói.

Làm sao để cân bằng?

Đoàn trường, hội SV luôn là nơi đào tạo kỹ năng mềm cho SV, nhưng các bạn cũng phải có tinh thần tự nguyện và phải tham gia có chọn lọc.

Nói như SV Hà Xuân Thanh- Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, người từng được cú đúp “SV 5 tốt” và “Sao tháng Giêng” cấp Trung ương thì “tham gia phong trào phải có chọn lọc những gì thích hợp với mình và những gì mình có thể làm tốt”.

Đối với Nguyễn Quốc An- SV năm 3 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long việc học, việc chơi An luôn nỗ lực hết mình. Là SV đạt giải nhất tài năng SV năm 2016, do Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Long tổ chức với màn nhảy hip hop ấn tượng, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi biết An là SV xuất sắc trong năm học qua.

An cho biết: “Cũng có lúc mệt mỏi với việc học và đam mê, lúc đó, tôi tập trung cho việc học trước rồi dồn sức cho đam mê của mình sau”. Và hơn hết An luôn có những ước mơ, hoài bão. An nói: “Tôi ước mơ thật nhiều và luôn cố gắng thực hiện những điều mơ ước đó”.

Sau năm học thứ nhất mãi lo chạy theo các phong trào, Trang được SV loại khá. Năm học thứ 2, Trang đang rút kinh nghiệm dành cho thời gian học nhiều hơn.

Căn phòng của Trang đầy các khẩu hiệu “SV giỏi, cố lên”, “không được nản”,… Trang giải thích: “Lúc đem bài ra xem thì em hay buồn ngủ lắm nên phải làm vậy để tự động viên mình”.

Nguyễn Thùy Vân- SV ngữ văn, Trường ĐH Cửu Long tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng nhưng vẫn luôn là SV giỏi.

Theo Vân, sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý sẽ giúp mình thực hiện công việc dễ dàng, chất lượng hơn. Đối với chiến dịch tình nguyện hè, Vân cho rằng: “Thay vì làm anh hùng trong games, bạn có thể đi để trải nghiệm và góp sức mình cho những con đường, ngôi nhà, sẽ vui và hữu ích hơn nhiều”.

Môi trường ĐH đòi hỏi SV có cách học mới chủ động và sáng tạo hơn. Học là điều kiện cần để nâng cao kiến thức, còn chơi bằng cách tham gia các phong trào, các hoạt động văn nghệ thể thao yêu thích, công việc xã hội,… là điều kiện đủ để bước vào đời.

Theo anh Đặng Hải Đăng- Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long thì SV nên phân định rõ thời gian chơi và học, sắp xếp sao cho hợp lý. Do các bạn học theo tín chỉ nên sẽ chủ động lịch học của mình, thời gian rảnh các bạn nên tham gia hoạt động ngoài cộng đồng, không nên lạm dụng mạng xã hội nhiều quá! Ở Vĩnh Long có rất nhiều CLB dành cho SV, các bạn nên chọn CLB phù hợp để tham gia.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh