Trong lịch sử khoa giáo Việt Nam hiện đại có khoảng 50 trường hợp, 50 "cặp" mà cả hai bố con đều là giáo sư hoặc cả hai vợ chồng đều là giáo sư...
Trong lịch sử khoa giáo Việt Nam hiện đại có khoảng 50 trường hợp, 50 “cặp” mà cả hai bố con đều là giáo sư hoặc cả hai vợ chồng đều là giáo sư...
Năm nay, có 703 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS). Trong đó có 65 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 638 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.
Điều đặc biệt là trong số các tân GS thì GS trẻ nhất thuộc về PGS. TS Trần Đình Thắng, 41 tuổi, ngành Hóa học, trường Đại học Vinh, thuộc khu vực miền Trung khó khăn, có nhiều thành tích khoa học và đào tạo xuất sắc với 75 bài báo quốc tế SCI, SCIE và tham gia ban biên tập hai tạp chí quốc tế có uy tín.
Đối với lĩnh vực Khoa học xã hội nhân văn (KHXH-NV): Tân GS Sử học Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội) có 10 công bố quốc tế, trong đó có 4 ISI và Scopus.
TS Trần Xuân Bách đạt tiêu chuẩn chức danh PGS trẻ nhất năm 2016 |
PGS trẻ nhất thuộc về TS. Trần Xuân Bách, 32 tuổi, ngành Y học, trường Đại học Y Hà Nội, có 50 bài báo quốc tế SCI, SCIE, SSCI và Scopus, chỉ số H = 22 (ở Mỹ: H = 12 → PGS, H = 18 → GS); tham gia ban biên tập hai tạp chí quốc tế có uy tín. H = 22 có nghĩa là tân PGS Trần Xuân Bách có 22 bài báo quốc tế chất lượng cao và mỗi bài trong số đó được trích dẫn 22 lần trở lên.
Năm nay, có một ứng viên xét đặc cách GS là TS Đào Văn Lập, trường Đại học Công nghệ Swinburne, Australia, ngành Vật lý, với nhiều công trình và hoạt động khoa học xuất sắc: 110 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.
Những cặp, gia đình may mắn và hạnh phúc nhất
Trong đợt công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS năm nay, có những cặp vợ chồng, gia đình đều đạt được học hàm.
Đối với Giáo dục đại học:
+ Chồng là tân GS Trần Quốc Thành và vợ là tân PGS Dương Hải Hưng người dân tộc Nùng. Cả hai đều thuộc ngành Tâm lý học và cùng là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
+ Hai anh em ruột đều là tân PGS. Đó là PGS Nguyễn Đăng Hào và em gái là Nguyễn Thị Minh Hà. Cả hai đều thuộc ngành Kinh tế và giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế.
Ngành Kỹ thuật-Công nghệ: Chồng là tân PGS Nguyễn Hoàng Giang, ngành Xây dựng, trường ĐH Xây dựng và vợ là tân PGS Vũ Thu Trang, ngành Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Ngành Y học-Nông nghiệp-Thú y:
+ Chồng là tân PGS Thái Minh Sâm và vợ là PGS Lê Anh Thư. Cả hai đều là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
+ Tân PGS Nguyễn Thanh Hải ngành Nông nghiệp, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, là con của NGƯT Nguyễn Văn Thanh và NGƯT Bùi Thị Tho, cả hai đều được bổ nhiệm PGS năm 2007 ngành Thú y.
Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước (HĐCDGSNN) Trần Văn Nhung cho biết, cho đến nay, trong lịch sử khoa giáo Việt Nam hiện đại có khoảng 50 trường hợp, 50 “cặp” mà cả hai bố con đều là GS hoặc cả hai vợ chồng đều là GS hoặc cả hai anh em ruột đều là GS …
Năm nay là năm đầu tiên HĐCDGSNN có thống kê số lượng các công bố quốc tế ISI, Scopus của 28 HĐCDGSNN/liên ngành. Kết quả là có 703 tân GS, PGS năm nay công bố 24.446 bài báo khoa học, trong đó có 278 ứng viên công bố 2.413 bài báo ISI, Scopus (bằng 9,87% ˂ 10%).
Có 2 trên 28 Hội đồng ngành (HĐN), 100% ứng viên GS và PGS đều có bài báo ISI, Scopus: Cơ học và Vật lý. Có 10 HĐN, 100% ứng viên GS có bài báo ISI, Scopus về các lĩnh vực: Chăn nuôi-Thú y-Thủy sản; Cơ học; Điện-Điện tử-Tự động hóa; Hóa học- công nghệ thực phẩm; KHTĐ-Mỏ; Luyện kim; Nông nghiệp-Lâm nghiệp; Sinh học; Sử học-Khảo cổ học-Dân tộc học và Vật lý.
Có 4 HĐN, 100% ứng viên PGS có bài báo ISI, Scopus về các lĩnh vực: Cơ học; Công nghệ thông tin; Toán học và Vật lý.
HĐN có số bài báo ISI, Scopus nhiều nhất là: Vật lý có 537 bài và Hóa học-công nghệ thực phẩm là 509 bài. Có 2 trên 28 HĐN không có công bố quốc tế.
Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, tuổi trung bình khi được phong/bổ nhiệm của GS Việt Nam từ năm 1980 đến 2016 là 57,13 và của PGS là 50,14, Như vậy là già hơn các GS, PGS ở các nước phát triển. Trong lịch sử nước ta, khi được phong/bổ nhiệm, GS ở trong nước trẻ nhất là 37 tuổi và PGS là 29.
Trong số 65 GS có 59 nam (chiếm 90,77%), 6 nữ (chiếm 9,23%), 73,85% là giảng viên trong các trường đại học và học viện. Trong 638 PGS có 449 nam (chiếm 70,38%), 189 nữ (chiếm 29,53%), 6 người dân tộc thiểu số, 79,62% là giảng viên trong các trường đại học và học viện.
Đáng mừng là con số GS, PGS nữ tăng dần hàng năm nhưng chậm. Năm nay, nữ GS chưa bằng 1/10 tổng số, nữ PGS bằng 1/3, trong khi nữ chiếm hơn một nửa dân số.
Năm nay, trong tổng số 703 GS và PGS, Hà Nội chiếm 66,43%, TP HCM 13,80%, các tỉnh thành khác 19,77%. Hà Nội đang cố gắng “chia dần” bớt GS, PGS cho cả nước, nhưng khá chậm.
Theo Tổng thư ký HĐCDGSNN Trần Văn Nhung, Việt Nam cần học tập cách luân chuyển cán bộ khoa học của các nước để tăng số GS, PGS trẻ cho vùng sâu, vùng xa và các địa bàn khó khăn như kinh nghiệm của CHLB Nga./.
Theo Bích Lan/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin