Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý"- bởi lẽ người thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cho trò cách làm người. Gặp những "Viên phấn vàng năm 2016"
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”- bởi lẽ người thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cho trò cách làm người. Gặp những “Viên phấn vàng năm 2016”- những nhà giáo tiêu biểu của tỉnh, chúng tôi càng yêu kính hơn những người “đưa đò” luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”…
Đối với cô Kim Hoàng, đến với ngành sư phạm mầm non như một cái duyên vì rất yêu trẻ con. |
Người dạy yêu thương
Nét mặt ngây thơ, nụ cười giòn và nhiều đôi tay bé xíu tranh nhau ôm cô Nguyễn Thị Kim Hoàng- giáo viên lớp Lá 3. Cô Kim Hoàng (30 tuổi) cũng là giáo viên trẻ vừa được nhận danh hiệu Viên phấn vàng năm 2016.
Cô Trần Thị Cẩm Nhung- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Xuân (Trà Ôn), cho biết: “Kim Hoàng không chỉ là cô giáo trẻ yêu nghề, dạy giỏi mà còn mạnh về phong trào văn nghệ, thể dục thể thao”.
Còn cô Kim Hoàng thì vui vẻ cho biết: “Tôi đến với ngành sư phạm vì truyền thống gia đình và chọn bậc mầm non như một cái duyên vì rất yêu trẻ con”.
Đối với cô Hoàng, không gì vui hơn khi được nhìn các bé lớn lên và phát triển toàn diện. Cô Hoàng nói: “Trăn trở nhất là khi chăm sóc các bé chậm phát triển, bé khuyết tật,… làm sao để bé bắt kịp bạn bè, làm sao để bé hòa nhập cộng đồng”.
Hàng ngày, cô thường dùng hơn 12 giờ cho các công việc của trường, 6 giờ sáng đến trường nhận cháu, khoảng 17 giờ 30 các bé được đón về xong thì cô Hoàng làm đồ dùng giảng dạy.
Hôm nào không làm đồ dùng, cô giáo trẻ lại tập thể thao, văn nghệ. Cô Hoàng cầm một dụng cụ dạy học lên khoe: “Đây là dĩa cúc quay nhé!”- món đồ chơi giống như thật do cô Hoàng dùng khăn giấy, bột mì… làm thành.
Cô Hoàng nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là dạy học trò thành con ngoan, giữ cho bé khỏe mạnh, an toàn và sáng tạo đồ dùng, đồ chơi để góp phần tạo nên những con người sáng tạo sau này…”
Làm “nghề đưa đò” từ năm 1989, cô Đinh Thị Thanh Thúy- giáo viên Trường THCS Ngãi Tứ (Tam Bình) gắn bó bằng tình yêu học trò.
Cô cười, nhớ lại những kỷ niệm năm 1990: “Khi đó cô Đặng Huỳnh Mai- sau này là Thứ trưởng Bộ GD- ĐT vềghé thăm trường, thấy chúng tôi đang kéo lưới kiếm cá, cô Mai đã mua tặng cho cái chài. Cái chài ấy là động lực như tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi bước tiếp với nghề trong những năm tháng gian khó nhất”.
Mỗi tiết học môn Ngữ văn của cô đều sống động bởi cô không chỉ dạy văn, thơ mà còn hát cho học trò nghe những bài thơ phổ nhạc.
Cô Thúy nói: “Đối với học trò, cương quá cũng không được mà nhu quá cũng không xong”. Khi tiết học căng thẳng, cô Thúy tạo không khí vui nhộn cho học trò bằng những câu chuyện dân gian, bài hát; khi học sinh sắp “oải” cô lại nghiêm túc kéo các em vào bài. Chỉ tính 5 năm học gần đây, cô Thúy đã bồi dưỡng được 21 học sinh giỏi Văn cấp tỉnh.
Sống hết mình cho đổi mới giáo dục
Năm 2016, tỉnh Vĩnh Long có 2 giáo viên được dự hội nghị nhà giáo tiêu biểu tại Hà Nội. Đó là cô Trịnh Thị Thủy- Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Xanh 1 (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) và thầy Huỳnh Văn Nam- Nhà giáo tiêu biểu, Hiệu trưởng Trường THCS Long Phước (Long Hồ).
Cô Thủy dẫn chúng tôi tham quan từng lớp học, nơi vệ sinh, nơi để các cô giáo dạy nhạc, làm đồ dùng dạy học,…
Nhờ tính cách dễ gần gũi mà cô Thủy quản lý, chia sẻ với giáo viên trong trường rất cởi mở, cùng nhau làm việc, cùng nhau phấn đấu. Nhìn nhiều bằng khen được treo trang trọng của trường, đủ thấy được sức làm việc của cô Thủy cùng cả trường.
Cô Thủy cho biết, rất vinh dự khi được tham dự hội nghị nhà giáo tiêu biểu ở Hà Nội. Nhưng không vì thế mà dừng lại hoặc tự bằng lòng với những gì mình có, ước mơ của cô là làm sao để chất lượng giáo dục của trường ngày càng đi lên hơn nữa, làm sao để phụ huynh thật sự yên tâm khi gửi con đến học.
Chia sẻ về công tác lãnh đạo, nhất là yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cô Thủy cho biết: “Hiện nay người quản lý không thể chỉ dựa vào sự năng động, nhiệt tình mà còn là ở sự sáng tạo, đổi mới, tự thay đổi tư duy phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác đoàn kết nội bộ, khen thưởng kịp thời sẽ giúp cho tập thể ngày càng đi lên, vững mạnh. Qua đó, cả tập thể cùng làm chung một nhiệm vụ là nuôi dạy, giáo dục trẻ nên người…”
Là người tâm huyết với phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong những năm qua, điều mà thầy Huỳnh Văn Nam tâm đắc nhất chính là không để cho học sinh của mình bỏ học.
Từng đi báo cáo cấp Trung ương về xây dựng phong trào, thầy Nam hiểu rõ đó là một trong những phong trào góp phần không nhỏ vào sự đổi mới, nâng cao chất lượng 2 mặt giáo dục.
Thầy Nam cho biết, những năm qua, tỷ lệ học sinh bỏ học của nhà trường luôn dưới 1%, và việc vận động học sinh đến lớp là một việc làm rất quan trọng.
“Đôi lúc thầy phải bỏ việc nhà, bớt những công việc khác để tập trung vào xây dựng được một ngôi trường thân thiện, học sinh yêu thích đến trường để học tập, để trao đổi với thầy cô, bạn bè…”
Dưới sự lãnh đạo của thầy Nam, Trường THCS Long Phước là trường đầu tiên của huyện Long Hồ đạt chuẩn cấp độ 3 kiểm định chất lượng, cùng nhiều bằng khen, danh hiệu khác.
“Khi nhận được thông tin dự hội nghị nhà giáo tiêu biểu ở Hà Nội, niềm vui sướng dâng trào như muốn rơi nước mắt. Qua đó, thầy tự hứa với bản thân mình từ nay cho đến lúc về hưu, phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm hết sức mình vì sự nghiệp trăm năm trồng người, xứng đáng là những kỹ sư tâm hồn mà xã hội tin tưởng giao phó…”
Gương sáng các thầy cô chính là những minh chứng cho hình ảnh người thầy mãi đẹp, những người thầm lặng nâng bước thành công, thành nhân của mỗi con người. Không chỉ dạy kiến thức, thầy cô còn là người dạy yêu thương!
Bài, ảnh: KHÁNH DUY- CAO HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin