Đừng để "thua thiệt" vì yếu tiếng Anh

03:11, 17/11/2016

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, tiếng Anh là một hành trang quan trọng để các bạn trẻ tự tin bước vào đời và tìm kiếm cho mình những vị trí làm việc tốt nhất. Nhưng trên thực tế nhiều bạn trẻ đã phải từ bỏ việc làm mình yêu thích hoặc chấp nhập làm công việc khác chỉ vì yếu ngoại ngữ. 

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, tiếng Anh là một hành trang quan trọng để các bạn trẻ tự tin bước vào đời và tìm kiếm cho mình những vị trí làm việc tốt nhất. Nhưng trên thực tế nhiều bạn trẻ đã phải từ bỏ việc làm mình yêu thích hoặc chấp nhập làm công việc khác chỉ vì yếu ngoại ngữ.

Việc yếu kém về tiếng Anh đôi khi còn khiến các bạn thiếu tự tin, thậm chí tự ti khi phải đối mặt với những tình huống đặc biệt.

Trau đổi, học tập kiến thức chuyên từ bạn bè quốc tế là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện nay. (trong ảnh: một lớp tập huấn nghiệp vụ từ người thầy ngoại quốc)
Trau đổi, học tập kiến thức chuyên từ bạn bè quốc tế là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện nay. (trong ảnh: một lớp tập huấn nghiệp vụ từ người thầy ngoại quốc)

Tiếng Anh- hành trang thiết yếu để thành công

Thực tế cho thấy, hiện nay để thành công, ngoài trau dồi kỹ năng chuyên môn, bạn trẻ cũng cần chú trọng rèn luyện và nâng cao khả năng ngoại ngữ của bản thân.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống thì nhiều người, nhất là bạn trẻ đều khẳng định rằng “tiếng Anh là một trong những yếu tố dẫn đến thành công”.

Nhưng khi được hỏi bạn có tự tin về khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của mình không thì rất nhiều tiếng “không” được đáp lại.

Bạn N.T.T cho rằng: “Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, giỏi tiếng Anh sẽ giúp ích nhiều cho công việc và học tập. Em thấy các bạn trẻ hiện đang rất chú ý đến việc học thêm tiếng Anh nhưng vì nhiều lý do tỉ lệ bỏ cuộc cũng rất nhiều.

Nhận thấy được nhiều lợi ích từ ngoại ngữ mang lại nhiều bạn trẻ hào hứng: “Bây giờ không biết tiếng Anh khổ lắm, đi đâu gặp người nước ngoài hỏi thăm mà không biết đường trả lời thì “quê một cục”- Nguyễn Anh Duy (sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật) cho biết”.

Còn với Nguyễn Thị Thùy An (nhân viên một công ty ở TP Vĩnh Long) cho rằng: “Hiện nay, làm việc gì cũng cần tiếng Anh, xem tài liệu, cập nhật tin tức kinh tế thế giới, làm việc với người nước ngoài hay đơn giản là đi du lịch thì cũng cần tiếng anh kha khá để giao tiếp với người ta”.

Một nhà tuyển dụng nhận định: “Ngoài chuyên môn thì kĩ năng giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp bằng ngoại ngữ là một tiêu chí quan trọng để tuyển dụng hiện nay. Một số nhà tuyển dụng còn yêu cầu các ứng viên có trình độ ngoại ngữ tốt, tiếng Anh phải nghe, nói, đọc, viết thành thạo”.

1001 lý do để…yếu ngoại ngữ

Học giỏi, chuyên môn tốt nhưng vẫn chật vật tìm kiếm việc làm hoặc rơi vào cảnh thất nghiệp kéo dài là thực tế hiện nay của không ít cử nhân, nhất là những người có vốn liếng tiếng Anh hạn chế.

Rất nhiều người biết được thực tế trên và muốn cải thiện mình để có cơ hội tìm kiếm một việc làm ổn định. Nhưng khi bắt đầu vào con đường chinh phục “ngôn ngữ thứ hai” này thì lại sớm bỏ cuộc vì nhiều lý do.

Không có thời gian là một trong những lý do được nhiều người đưa ra khi không học hoặc bỏ dở giữa chừng việc nâng cao tình độ tiếng Anh. Anh P.Đ.Q bộc bạch: “Đi làm suốt cả ngày, tối về thì 2 đứa nhỏ đeo cứng ngắt muốn học cũng khó”.

Cũng vì không có thời gian mà chị Minh Nguyệt (Phường 2, TP Vĩnh Long) đành “lỗi hẹn” với đam mê ngoại ngữ của mình: “Công việc của mình thời gian không ổn định nên rất khó sắp xếp để đến học tại các trung tâm, mình cũng từng đăng ký học trực tuyến nhưng cảm thấy không hiệu quả nên đành gác lại sau”.

Các bạn trẻ trong một câu lạc bộ nói tiếng Anh (ảnh: nhân vật cung cấp)
Các bạn trẻ trong một câu lạc bộ nói tiếng Anh (ảnh: nhân vật cung cấp)

Ngại lớn tuổi khó tiếp thu là tâm lý chung của nhiều người nhất là những người từ độ tuổi 30 trở lên. Anh T.V.T (Long Hồ) tâm sự: “Hồi đó vì yêu cầu bắt buộc về trình độ Anh văn khi xin việc nên tôi đăng kí đi học lấy tín chỉ B tại một trung tâm.

Ngày đầu tiên bước vô lớp cứ tưởng là đi lộn vì thấy con con nít chút chút không hà. Hỏi ra mới biết đó là những “bạn chung lớp” của mình…thiệt là mắc cỡ”.

Bạn T.T.K.T thật thà “em biết tiếng Anh là quan trọng nhưng chẳng hiểu sao dù rất cố gắng nhưng khi học đầu lại quên đuôi, học mãi mà không tiến bộ gì. Phát âm bị sai hoài nên thường bị chê cười, nản quá nên nghỉ luôn”.

Còn với Lê Thị Mỹ Dung (Trà Ôn, Vĩnh Long) thì “vốn liếng tiếng Anh học ở quê tưởng đâu cũng tạm ai dè lên đại học lại thấy mình chẳng bằng ai, phải học lại từ đầu. Vừa tốn tiền, vừa mất công lại vừa tủi thân vì yếu kém so với bạn bè”.

Trong thời đại hội nhập, những sinh viên với vốn tiếng Anh tốt có thể chủ động tìm kiếm thông tin bổ ích từ các website, diễn đàn nước ngoài để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân và chia sẻ với bạn bè.

Chính vì thế mà bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, bạn trẻ cũng cần rèn luyện và nâng cao khả năng ngoại ngữ. Bởi đây chính là hành trang giúp khẳng định bản thân và giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Vừa qua, Tổ chức giáo dục quốc tế EF Việt Nam đã công bố bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ EF EPI (EF English Proficiency Index) ở 72 quốc gia. Việt Nam xếp thứ 31 trên tổng số 72 quốc gia và thuộc nhóm trung bình về mức độ thông thạo tiếng Anh.

Kết quả này được thực hiện trên toàn cầu với gần 1 triệu người trưởng thành gồm học sinh, sinh viên, người đi làm. Ở châu Á, Việt Nam xếp thứ 7 sau các nước Singapore, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hồng Kông.

Năm nay, xếp đầu bảng xếp hạng với mức độ thông thạo tiếng Anh rất cao là các nước Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Singapore, Luxembourg.

Bài, ảnh: TUYẾT NGỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh