Vừa học chữ vừa thêm nghề

02:10, 06/10/2016

Học sinh vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)- Giáo dục thường xuyên (GDTX) không chỉ được học văn hóa như học sinh THPT mà còn được kết hợp học nghề. Chương trình học văn hóa cũng nhẹ nhàng và phù hợp hơn. Vậy tại sao học sinh không đi lối đi riêng phù hợp cho mình?

Học sinh vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)- Giáo dục thường xuyên (GDTX) không chỉ được học văn hóa như học sinh THPT mà còn được kết hợp học nghề. Chương trình học văn hóa cũng nhẹ nhàng và phù hợp hơn. Vậy tại sao học sinh không đi lối đi riêng phù hợp cho mình?

Nếu học văn hóa kết hợp học nghề, khi 18 tuổi học sinh sẽ có trình độ trung cấp nghề và tốt nghiệp THPT. Trong ảnh: Các em học sinh sau THCS vào học nghề ở Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.
Nếu học văn hóa kết hợp học nghề, khi 18 tuổi học sinh sẽ có trình độ trung cấp nghề và tốt nghiệp THPT. Trong ảnh: Các em học sinh sau THCS vào học nghề ở Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.

Có văn hóa, có nghề

Khi Trung tâm GDTX trong tỉnh Vĩnh Long đã sáp nhập với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm thành Trung tâm GDNN- GDTX, nghĩa là học sinh bậc GDTX sẽ vừa được học văn hóa, vừa được học nghề.

Hơn thế nữa, theo Nghị định của Chính phủ, các em cũng không phải đóng học phí cho việc học nghề.

Ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng GDNN- GDTX, Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho rằng: “Chúng tôi rất hy vọng vào cách làm này, mong rằng sau thời gian thực hiện, học sinh và phụ huynh sẽ hiểu được lợi ích của việc học ở đây”.

Các trung tâm GDNN- GDTX đều được trang bị đầy đủ các phòng thực hành, phòng chức năng đảm bảo cho học sinh có điều kiện tốt.

Thầy Trần Hữu Nguyên- Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX Trà Ôn cho biết: “Hiện trung tâm có 95 học sinh, học một buổi/ngày. Chiều 27/9 vừa qua, chúng tôi mới phối hợp với Trường CĐ Nghề khai giảng lớp học nghề cho các em, có đến 66 học sinh đăng ký học.

Các học sinh này đăng ký học 2 nghề là sửa chữa lắp ráp máy vi tính và công nghệ ô tô. Thầy Nguyễn Thắng Cảnh- Phó Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX Trà Ôn cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi tổ chức họp cha mẹ học sinh thì mọi người đồng thuận rất cao, ai cũng mong con mình vừa có nghề vừa có văn hóa”.

Nằm trong khuôn viên mát mẻ của thị trấn Cái Nhum, Trung tâm GDNN- GDTX Mang Thít có cơ sở khang trang và đầy đủ giáo viên giảng dạy.

Thầy Trần Kim Tiền vui vẻ: “Ngày 29/9 khai giảng lớp điện công nghiệp do Trường CĐ Nghề Vĩnh Long dạy cho các học sinh ở đây. Lần đầu tiên các em được học nghề và văn hóa gần nhà và không tốn học phí”.

Thầy Tiền giải thích: “Trước đây, nhiều người không đủ khả năng”. Được cha mẹ động viên, học sinh Lê Đức An- lớp 10 Trung tâm GDNN- GDTX Mang Thít- mạnh dạn đăng ký học nghề.

An cho biết: “Hôm bữa họp phụ huynh về việc học nghề, cha mẹ em đều đi làm trên thành phố nên bác em đi thay. Bác về bàn với cha mẹ và ai cũng ủng hộ em học nghề. Mẹ em nói có cái nghề cho giỏi là sống được”.

Còn lắm khó khăn

Nhưng hiện nay trăn trở của giáo viên GDNN- GDTX là tỷ lệ huy động học sinh chưa cao và rất buồn vì “đi đến tận nhà mà các em vẫn không vào học”.

Thầy Nguyễn Thắng Cảnh nói: “Đầu năm học là chúng tôi đến từng nhà để vận động học sinh đến lớp. Có cha mẹ đã hứa rồi mà đến ngày nhập học cũng không thấy học sinh đâu”.

Thầy Trần Hữu Nguyên vẫn thường trăn trở: “Thu hút được các em vào GDNN- GDTX không phải để chúng tôi có học sinh, cũng không phải để lấy chỉ tiêu mà vì tương lai của các em. Bây giờ nhiều công ty, doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông đã đòi bằng tốt nghiệp lớp 12. Các em ra đời đi làm sớm sẽ chịu nhiều thiệt thòi và thất nghiệp trong tương lai là khó tránh khỏi”.

Một nỗi khổ khác của GDTX là cha mẹ ít quan tâm đến các em và hay phó mặc cho trung tâm. Nhiều người còn xem con mình là hư hỏng rồi mới vào GDTX…

Ở Trung tâm GDNN- GDTX Trà Ôn, họp phụ huynh định kỳ chỉ có khoảng 1/3 số phụ huynh tham dự và kỳ họp phụ huynh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2016 thì chỉ có 5/18 người dự.

Thầy Nguyên nói: “Tôi làm nhà giáo mấy chục năm rồi, dạy nhiều lớp học trò, tôi hiểu học sinh GDTX cũng có nhiều em ngoan, chịu học nhưng chỉ hơi chậm tiếp thu, có em vì hoàn cảnh gia đình mà học yếu,…”

Thầy Nguyên nhấn mạnh: “Tôi mong phụ huynh quan tâm đến con nhiều hơn. Các em hơi yếu khi học văn hóa nhưng vẫn có thể trở thành những người thợ giỏi nghề”.

Trung tâm GDNN- GDTX Trà Ôn thì thêm khó khăn là thiếu giáo viên. Thầy Nguyễn Thắng Cảnh cho biết: “Chúng tôi còn thiếu đến 4 giáo viên, phải thỉnh giảng, mà để mời giáo viên THPT về đây dạy cũng toàn năn nỉ”.

Bởi lẽ, giáo viên THPT về dạy GDTX phải xây dựng chương trình riêng cho các em, việc dạy học cũng sẽ vất vả hơn bởi học sinh khó tiếp thu. Song song đó, dù dạy vượt giờ chuẩn nhưng mức lương vẫn bằng với những tiết dạy bình thường.

Tin rằng, dù còn lắm khó khăn nhưng việc dạy chữ kết hợp dạy nghề sẽ thu hút được học sinh đến với các trung tâm. Bởi vì nhu cầu về chất lượng lao động trong xã hội ngày càng được nâng cao và giỏi nghề thì sẽ thành công.

 

Thuận lợi cho học sinh khi theo học ở các Trung tâm GDNN- GDTX

- Chương trình học văn hóa nhẹ nhàng với 7 môn học chủ yếu: Toán, Ngữ văn, Sinh học, Vật lý, Hóa học, Địa lý, Lịch sử.

- Được học văn hóa kết hợp học nghề và học nghề không phải đóng học phí. Thời gian học nghề vào các buổi chiều trong tuần. Nếu học sinh học nghề từ lớp 10 thì đến đầu lớp 12 sẽ hoàn thành chương trình trung cấp nghề. Do đó, các em có thể yên tâm có thời gian ôn tập để thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

- Trường CĐ Nghề Vĩnh Long cho biết, sẽ giới thiệu việc làm cho các em học sinh hoàn thành chương trình học của trường.

 

  • ™Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh