Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ đưa việc học tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường phổ thông.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ đưa việc học tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường phổ thông.
Nhiều ý kiến trái chiều đang được đưa ra trước đề xuất sẽ đưa việc học tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Một đề xuất đang thu hút sự chú ý của công luận. Đấy là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ đưa việc học tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường phổ thông. Đó là ngoại ngữ thứ nhất. Theo đó, bắt buộc các em sẽ phải học hai ngoại ngữ này bắt đầu từ lớp ba. Cũng theo giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc.
Năm 2006, Quy định Chương trình Giáo dục phổ thông của Bộ ban hành, cho phép học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất. Năm 2011, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo lại bổ sung quy định về việc tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học. Còn “ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy và học.
Cám ơn Bộ Giáo dục Đào tạo đã luôn quay đảo, để tìm những phương án tốt nhất đổi mới giáo dục phổ thông. Tôi nghĩ, học được ngoại ngữ nào cũng tốt cả. Nhưng cần thiết thực và cũng nên tham khảo, nghe tiếng nói thiện chí của giới trí thức và đông đảo nhân dân. Đừng bày vẽ ra quá lắm trò, mà rồi chẳng có trò nào làm được cho đến nơi đến chốn.
Tiếng Anh là thứ tiếng thông dụng nhất, hầu như cả thế giới đều dùng, chúng ta cũng đã bỏ ra đến hàng nghìn tỷ đồng làm đề án tiếng Anh tầm nhìn 2020. Bây giờ sắp đến năm 2020, nhưng thử xem chúng ta đã làm được những gì? Chẳng đâu vào đâu cả. Thôi, khỏi bàn đến học sinh phổ thông. Hãy xem lại đội ngũ được đào tạo ở trình độ Đại học. Trong số hàng nghìn em tốt nghiệp Đại học ra trường mỗi năm, em nào sử dụng được ngoại ngữ?
Anh bạn tôi, nhà báo Hoàng Anh Sướng, chủ Hiên trà Trường Xuân, hàng ngày đã tiếp rất nhiều khách quốc tế, các cháu giúp việc cho anh đều trình độ Đại học hạng ưu cả mà gặp ông Tây nào cũng chỉ “Hế lô”, “Hề lồ” là “cạn vốn”.
Đề án Tiếng Anh, ý chí phổ cập Tiếng Anh là rất đúng, rất chuẩn, chúng ta làm còn chưa đâu vào đâu. Bây giờ chúng ta lại đề xuất bắt các em phải học tiếng Trung, tiếng Nga nữa thì có nên không? Đành rằng học được tiếng nước nào cũng tốt. Nhưng cần thiết thực. Bộ cũng nên nghe tiếng nói của dân.
Tôi đồng ý với bạn Ngô Đình Phong (một người bạn của tôi): “Học tiếng gì cũng cần hợp lí, phải tính đến tác dụng sau này khi vào đời của các em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu kĩ chưa? Nếu đã kĩ thì hãy tóm tắt luận chứng kĩ thuật công bố minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nên nhớ là giáo dục được quy định bởi hạ tầng kinh tế xã hội đấy, đừng làm lộn ngược”.
Tôi cũng rất tâm đắc với bạn Hoàng Lê, một nhà Nga học thực sự. Hoàng Lê bảo: “Tôi sang Liên bang Nga du học từ 1979 đến 1985. Chúng tôi được các bà giáo Nga "tuyên truyền" rằng: 'Tiếng Ý dùng để nói với bạn bè, tiếng Pháp dùng để tâm sự với người yêu, tiếng Đức dùng để nói với quân thù, còn tiếng Nga dùng để nói với tất cả'. Nhưng rồi thời thế thay đổi, nay tôi hầu như chỉ sử dụng tiếng Anh cho công việc chuyên môn, còn tiếng Nga thì rất ít khi dùng, mặc dù đang công tác ở một cơ quan văn hóa ở trung tâm Hà Nội.
Từ thực tế bản thân, mặc dù tiếng Nga và văn hóa Nga đã thấm đẫm vào máu của tôi, nhưng vì tương lai con em chúng ta, tôi khẩn thiết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy xem xét lại cẩn trọng đề án dạy tiếng Nga và tiếng Trung như dự kiến. Hai thứ tiếng này chỉ nên dạy cho ai có nhu cầu và dạy ở các trường chuyên và ở bậc đại học. Còn dồn tất cả nhân lực và tiền bạc cho việc phổ cập bắt buộc tiếng Anh từ lớp 3 cho đến lớp 12 và cả ở bậc đại học. Tiếng Anh sẽ giúp mở toang cánh cửa để con cháu chúng ta hội nhập vào thế giới văn minh”.
Đó là tâm sự rất chân thành của một người đã từng học ở Nga, yêu mến đất nước Nga và cũng là người rất yêu, rất có trách nhiệm với đất nước của mình.
Tôi cũng yêu nước Nga vô cùng. Nhưng đến nước Nga, tôi hỏi một người dân Nga bằng tiếng Nga thì họ lại trả lời tôi bằng tiếng Anh. Thấy tôi ngớ ra thì họ lại nhìn tôi như nhìn một người thất học. Vậy đấy. Những bạn bè tôi học ở Nga năm xưa, bây giờ họ đều chuyển sang tiếng Anh cả. Ngay cả tôi bây giờ cũng đang loay hoay học Tiếng Anh dù tuổi đã xế chiều. Nhưng không thể khác. Dù tôi rất yêu nước Nga…
Trần Đăng Khoa
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin