Để phân luồng thực sự hiệu quả, ngành giáo dục không thể "đơn độc" thực hiện được. Thực tế, học sinh (HS) không chịu học nghề, không "vào luồng" còn vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Để phân luồng thực sự hiệu quả, ngành giáo dục không thể “đơn độc” thực hiện được. Thực tế, học sinh (HS) không chịu học nghề, không “vào luồng” còn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài những chính sách ưu tiên, người học nghề cần có trình độ văn hóa được công nhận như tốt nghiệp 12, cần có việc làm và thu nhập ổn định…
Giáo dục nghề nghiệp cần giải quyết đầu ra ổn định, dần thay đổi cách nhìn xã hội. |
Chủ động thu hút người học
Vừa lên trường CĐ chưa đầy 1 năm nhưng buổi khai giảng đầu tiên của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã có 250 học sinh, sinh viên. Đa số các em là học sinh sau THCS đến đăng ký nhập học.
Em Nguyễn Mộng Huyền (ở Mang Thít) chia sẻ: “Em được các thầy cô ở đây về tận trường tư vấn nên đã xin cha mẹ cho học trường này”.
Nhiều phụ huynh cũng chủ động cho con vào học trường nghề sau khi nhận thấy khả năng của con em mình. Cô Nguyễn Thị Nga (ở Long Hồ) cho biết: “Con tui tốt nghiệp THCS 1 năm rồi, trước nó đòi học nghề tui không cho, giờ nó học lớp 10 không… nổi, tui mới dẫn lên đây, coi như uổng 1 năm phổ thông”.
Trong khi đó, cô Huỳnh Ngọc Hoa (ở Trà Ôn) cũng cùng tâm trạng trên, cho biết: “Không tiếc bằng tui đâu, thằng con tui học đến lớp 11 rồi nó than học không nổi, không thích nên xin đi học nghề cơ khí ở đây.
2 năm trước, nó xin vợ chồng tui nhất quyết không cho vì nghĩ ráng 3 năm nữa cho có cái bằng tốt nghiệp phổ thông”.
Ngay trong buổi khai giảng, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã cho HS, sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Toàn- Trưởng Phòng Đào tạo cho biết: Nhà trường chú trọng đào tạo theo nhu cầu của công ty, doanh nghiệp, song song đó trường còn tư vấn tuyển sinh, phân luồng cho HS sau THCS.
Thực tế, nhiều HS ra trường có việc làm ổn định. Để giải quyết đầu ra cho các em sau tốt nghiệp, trường liên kết với hơn 47 doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện đào tạo theo địa chỉ. Do đó, HS sau khi tốt nghiệp có việc làm chiếm tỷ lệ rất cao, đồng thời có thể liên thông lên trình độ cao hơn.
Em Nguyễn Minh Thành (ở Trà Ôn) ra nghề và có việc làm ở một doanh nghiệp ở Đồng Tháp cho biết: Với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, em gần 20 tuổi đã đi làm có dư chút đỉnh gửi về cho gia đình, còn các bạn em có người mới bước sang năm 2 ĐH…”
Giải pháp của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long có thể được xem là mô hình, là bước tiến hay trong công tác phân luồng HS. Chủ động thu hút thí sinh và xem đó là nhiệm vụ chính trong công tác đào tạo nghề, cung ứng nguồn lao động đã qua đào tạo cho xã hội. Không chỉ nhà trường phát triển mà còn giúp cho đề án phân luồng, cơ cấu nguồn lao động được hiệu quả hơn…
Cùng góp sức phân luồng
Sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên là một bước tiến triển khi Bộ GD- ĐT, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cùng nắm tay tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, phân luồng, giúp cho công tác đào tạo nghề và giáo dục văn hóa được tốt hơn. Hiện tại tỉnh Vĩnh Long cũng đã có văn bản xác nhập các trung tâm này lại với nhau.
Theo dự báo, nhu cầu lao động đến năm 2020 của tỉnh là 667.600 người. Trong đó, nhu cầu lao động qua đào tạo là 330.800 người, gồm: 59,21% qua đào tạo ngắn hạn, sơ cấp; 19,16% qua đào tạo trung cấp, CĐ nghề; 6,37% qua đào tạo CĐ và 15,26% qua đào tạo từ bậc ĐH trở lên. |
Theo thầy Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp Thường xuyên (Sở GD- ĐT), ngoài thống nhất 2 trung tâm, năm học 2016- 2017, tỉnh sẽ triển khai Nghị định 86 của Chính phủ về việc miễn đóng học phí đối với HS học nghề. Đồng thời Thông tư 55 quy định liên thông cũng được nới lỏng là điều kiện để đề án phân luồng chạy nước rút về đích.
Song song đó, việc siết chỉ tiêu đầu vào cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến phân luồng. Nếu không siết chỉ tiêu các trường phổ thông, để con số vào lớp 10 hệ này luôn trên 80% thì chuyện phân luồng sẽ rất khó thực hiện thành công.
Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết: HS sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề đã có chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa trung cấp nghề. Với chứng nhận này, các em có thể đi học liên thông lên CĐ hoặc thi CĐ, ĐH.
Tuy nhiên, tháo gỡ khó khăn của học sinh nghề về trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã mở lớp dạy bổ túc văn hóa vào buổi tối. Nếu muốn, các em có thể học và dự thi tốt nghiệp THPT.
Thực tế, cơ cấu lao động cần nhiều thành phần và các công ty, doanh nghiệp cũng cần nhiều lao động lành nghề. Ông Huỳnh Dân Tâm- Giám đốc DNTN Tâm Hữu Tín (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết, với nhiều doanh nghiệp, lựa chọn nhân lực có bằng cấp ĐH rất dễ, nhưng tìm một công nhân lành nghề lại rất khó.
Một cử nhân ĐH được trả lương chỉ 3- 4 triệu đồng/tháng khi mới ra trường, nhưng với một công nhân kỹ thuật lành nghề, con số này phải là 6- 8 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Kim Hường- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cũng chia sẻ: An Giang cũng còn khó khăn trong công tác phân luồng.
Tuy nhiên, Trường CĐ Nghề ở đây có liên kết với doanh nghiệp để đào tạo HS, sinh viên. Các công ty và trường ký kết hợp tác để đào tạo nhân lực, phía công ty sẽ trực tiếp dạy kỹ năng, nhà trường dạy lý thuyết theo yêu cầu của công ty, sau khi học viên tốt nghiệp công ty sẽ nhận 90% trong số đó.
Tại hội nghị tổng kết giáo dục chuyên nghiệp năm học 2015- 2016, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, cần phải cập nhật chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp và tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm tranh thủ các nguồn lực đầu tư, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước để nâng cao chất lượng đào tạo các trình độ phù hợp với khu vực và quốc tế.
Thứ trưởng cũng cho rằng, hiện nay, khi xây dựng khung trình độ quốc gia, nên bàn lại cơ cấu hệ thống, để làm sao hệ thống trung cấp chuyên nghiệp phát triển và đào tạo đúng lực lượng lao động có kỹ năng theo nhu cầu sử dụng lao động. Khi đó, tên bằng cấp không mang nhiều nội hàm về ý nghĩa giá trị…
Thiết nghĩ, việc phân luồng rất cần được tư vấn kỹ, sâu cho cả phụ huynh và HS. Bởi ở lứa tuổi 15, các em rất khó chọn hướng đi đúng đắn cho mình.
Hơn thế nữa, HS, sinh viên học nghề cần được đảm bảo văn hóa để liên thông hoặc thi vào ĐH, CĐ sau này. Đồng thời, đào tạo lao động có kỹ năng nghề, có việc làm chính là uy tín, thương hiệu của trường nghề và cũng là cách tốt nhất để hút HS...
Thầy Nguyễn Ngọc Khương: Cần có trung tâm dự báo nguồn nhân lực để kịp thời dự báo, là cơ sở để người học tìm hiểu nhu cầu việc làm. Đó không còn là số liệu chung chung mà cụ thể từng ngành nghề, từng con số cụ thể. Từ đó tạo cơ sở vững chắc để người học an tâm, theo đúng chủ trương, tinh thần của đề án phân luồng… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY- CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin