Đổi mới cách dạy và học

06:07, 25/07/2016

Mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai từ năm học 2012- 2013 với Trường Tiểu học Tân Lược B. Đến nay, mô hình này vẫn được tiếp tục nhân rộng, qua đó, cách dạy và học cũng đổi mới, hiệu quả hơn…

 

HS tham gia lớp học VNEN có chất lượng giáo dục thực chất với nhiều kỹ năng được phát huy. Ảnh minh họa
HS tham gia lớp học VNEN có chất lượng giáo dục thực chất với nhiều kỹ năng được phát huy. Ảnh minh họa

Mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai từ năm học 2012- 2013 với Trường Tiểu học Tân Lược B. Đến nay, mô hình này vẫn được tiếp tục nhân rộng, qua đó, cách dạy và học cũng đổi mới, hiệu quả hơn…

Chuyển tải cách học mới

Theo Sở GD- ĐT, dự án Mô hình VNEN hiện được triển khai với 6 trường tiểu học (1 trường dự án và 5 trường nhân rộng); 29 lớp/858 học sinh (HS) từ lớp 2 đến lớp 5. Ngoài ra, còn có 3 lớp 6 tại Trường THCS Tân Lược 79 HS.

Các phòng học dạy theo mô hình VNEN được bố trí giống như phòng học bộ môn, thư viện linh động với đồ dùng dạy và học sẵn có để học sinh tham khảo, cùng với các góc đồ dùng học tập, góc cộng đồng, góc trưng bày sản phẩm,...

HS được học trong môi trường học tập thân thiện, thoải mái, không bị gò bó, luôn được gần gũi với bạn bè, với thầy cô, được sự giúp đỡ của bạn học trong lớp...

Lớp học do HS tự quản và được tổ chức theo các hình thức như: làm việc theo cặp, làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm, trong đó hình thức học theo nhóm là chủ yếu.

Cũng theo Sở GD- ĐT, chất lượng học tập của HS có chuyển biến tích cực, rõ nét như: mạnh dạn, tự tin, tự giác trong học tập cũng như trong sinh hoạt vui chơi, các môn học được đánh giá nhẹ nhàng, không gây sức ép tâm lý, các em học yếu được hỗ trợ, giúp đỡ của bạn trong nhóm có sự tiến bộ.

Cán bộ quản lý, giáo viên tham gia thử nghiệm các trường lớp VNEN được học hỏi, bồi dưỡng thêm về chuyên môn nghiệp vụ; được trao đổi học tập kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật dạy học, về tổ chức, quản lý lớp học; biết cách phối hợp với cha mẹ HS và cộng đồng; cách đánh giá lớp học theo mô hình VNEN.

Theo thầy Lê Văn Triệu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lược B, mô hình VNEN được triển khai đã làm thay đổi cả về cách dạy, cách học của giáo viên và HS. Sách ở các môn chính là sách mới với chương trình dành riêng cho mô hình VNEN, giáo viên không cần soạn giáo án mà dựa vào sách để dạy, cách chuyển tải bài học từ đó cũng rất mới.

HS dựa vào sách mà làm việc cá nhân, nhóm hay cả lớp. Ban đầu áp dụng mô hình này rất khó trong khâu tổ chức nhóm học, đối với HS đọc yếu cũng cần rèn luyện thêm rất nhiều để các em có thể hiểu được nội dung bài học…

Thay đổi tư duy người dạy

Theo thầy Lê Văn Triệu, ngay từ khi triển khai mô hình này, cái khó nhất vẫn là chuyển cách dạy truyền thống sang cách dạy mới, ở đây là vai trò của người giáo viên.

“Người giáo viên không còn dạy theo kiểu bảng đen chữ trắng nữa mà chỉ còn là tổ chức lớp học. Và cách tổ chức lớp học cho hiệu quả là trách nhiệm của mỗi giáo viên. Ở đó, người giáo viên cần phải có kinh nghiệm, kiến thức và có tâm với nghề”.

Cô Trương Ngọc Lắng- giáo viên Trường Tiểu học Tân Lược B cho biết, cái mới của mô hình là giáo viên đánh giá năng lực của các em thông qua các kỹ năng, đánh giá nhận xét hoàn thành bài học thay vì cho điểm như trước.

Ngay từ đầu năm học 2015- 2016- năm đầu tiên triển khai mô hình VNEN bậc THCS tại trường THCS Tân Lược, nhà trường đã cử tất cả giáo viên phụ trách các lớp theo mô hình đã được cử đi tập huấn trực tiếp từ Bộ GD- ĐT tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Từ đó, việc triển khai cũng thuận lợi và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía giáo viên.

Cô Võ Thị Cẩm Tú- giáo viên Trường THCS Tân Lược cho rằng đối với mô hình này, nếu giáo viên làm tốt vai trò, vận dụng tất cả các phương pháp giáo dục cùng với nhận thức tốt của HS sẽ càng giúp cho mô hình trở nên hiệu quả, đúng với mong muốn.

Ý kiến một giáo viên khác cho rằng, muốn mô hình trường học VNEN phát huy hiệu quả cao nhất cần phát huy và thay đổi tư duy dạy học của giáo viên.

Đó là lấy HS làm trung tâm, nội dung học tập gắn bó chặt chẽ với đời sống hàng ngày, linh hoạt đối với từng HS, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và xã hội để góp phần hình thành nhân cách, ý thức tập thể cho các em…

Xem lại các tiết mục trong đêm chung kết Giọng hát Việt Nhí

Mô hình VNEN vừa kế thừa mô hình học truyền thống vừa kết hợp với sự đổi mới về mục tiêu đào tạo. Một bài học được thiết kế bao gồm những hoạt động như: hoạt động cơ bản, thực hành và ứng dụng. Tùy từng môn học mà tài liệu sẽ có sự thiết kế phù hợp với hoạt động cá nhân, cặp đôi và nhóm HS.

Quan sát lớp học VNEN, vai trò của từng thành viên, đặc biệt là nhóm trưởng rất quan trọng trong lúc làm bài. Các em có quyền bàn luận, nói nhỏ, nói to, miễn sao là bài tập được hoàn thành.

™Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh