Đừng buộc con chọn ngành theo ý của ba mẹ!

02:07, 13/07/2016

Sau kỳ thi THPT quốc gia, các "sĩ tử" đang hồi hộp trông ngóng điểm số để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH.

Sau kỳ thi THPT quốc gia, các “sĩ tử” đang hồi hộp trông ngóng điểm số để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH.

Song, không ít “sĩ tử” hoang mang trước thời khắc quan trọng- chọn ngành học, chọn trường ĐH, vì nhiều bậc cha mẹ không quan tâm con thích học gì, phù hợp ngành nào mà vẫn tiếp tục ép con học những ngành nghề mà… ba mẹ chọn. Tình huống này không chỉ dập tắt đam mê, khát vọng tương lai mà còn đẩy con vào ngõ cụt…

Vừa thi xong môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia, em T.M. (TP Hồ Chí Minh) tâm sự với tôi:

“Em muốn vào ĐH Khoa học- Xã hội và Nhân văn học ngành ngôn ngữ lắm luôn. Em thích tiếp xúc với ngôn ngữ, với sách. Em muốn sau này em làm công việc biên tập sách hay dịch thuật, những nghề liên quan đến ngôn ngữ. Em không phải là con người của kinh tế. Thi xong rồi em càng khẳng định em chỉ thích học các môn xã hội”.

Thế nhưng ba mẹ M. làm doanh nghiệp nên ngay từ học cấp 3 đã muốn em học nghiêng về các môn tự nhiên để thi vào ngành ngân hàng hay kinh tế. M. học giỏi đều các môn, đặc biệt với môn Văn, em đạt giải nhất học sinh giỏi môn Văn cấp thành phố. M. tâm sự: “Em được thi khối D vì trường ngân hàng có xét tuyển khối này.

Em làm bài thi tốt lắm chị. Toán em làm được, môn Văn em viết rất thoải mái. Em đã trình bày nguyện vọng thích học ngôn ngữ mà ba mẹ chưa đồng ý. Giờ ai hỏi em học ngành gì em chưa kịp nói thì ba mẹ trả lời thay em là ngân hàng rồi. Em buồn lắm. Nếu học ngành em thích thì chắc ba mẹ giận em luôn. Còn nếu em học ngành ba mẹ muốn thì nghĩ tới 4 năm tiếp xúc với số liệu em đã mất cảm xúc học hành. Em sẽ không còn là em nữa”.

Ba mẹ luôn có lý do, ba mẹ làm cũng chỉ vì con, vì tương lai con. Song, có khi nào ba mẹ nghĩ rằng đã đem mong muốn của mình lấn át đi cái mong ước, năng lực thật sự của con?

Thực tế, không ít bạn sinh viên đã tiếc quãng thời gian ngồi trên ghế giảng đường chỉ vì chiều theo ý ba mẹ chứ không dám chọn ngành theo đam mê và sở thích. Hậu quả rõ nhất là các em chán học, mất phương hướng, không được là chính mình, không có ước mơ riêng và được thỏa sức theo đuổi ước mơ đó.

Chị N.Q. hiện đang làm biên tập viên bản tin quốc tế một tờ báo ở TP Hồ Chí Minh kể, 10 năm trước chị đồng ý thi ngành công nghệ Hóa của ĐH Bách khoa theo nguyện vọng của ba mẹ thay vì thi báo chí. Sau một năm học, chị nhận ra mình không thể tìm được hứng thú với ngành đang theo học và quyết định bỏ ngang. Chị thẳng thắn có cuộc đối thoại với ba mẹ.

“Có nước mắt, có giận hờn nhưng tôi tha thiết xin ba mẹ cho tôi tự chọn nghề tôi yêu thích, tự quyết định tương lai của mình”- chị Q. tâm sự.

Hàng năm, có hàng trăm sinh viên bỏ học ngang vì khi ngồi vào ghế giảng đường ĐH mới thấy ngành mình chọn không giống như đã hình dung. Chỉ vì chọn nghề theo cảm tính- nghề hot- dễ đậu- dễ xin việc và nương theo ý ba mẹ, không ít sinh viên hối hận khi nhắm mắt “học đại”.

Mỗi người đều có sở trường, sở đoản, tính cách, năng lực và sở thích khác nhau vì thế nghề này mang lại sự nghiệp cho người này nhưng chưa chắc đã mang đến thành công cho người kia.

Học ngành không yêu thích, không phù hợp khiến nhiều bạn trẻ khó có cơ hội thành công. Người hiểu rõ năng lực, sở thích nhất chính là con. Ba mẹ nên bằng sự quan sát để xem định hướng của mình cho con sau này phù hợp với ngành nghề nào, nhằm giúp con có tâm lý thoải mái quyết định ngành học.

Làm sao để được học ngành nghề yêu thích, để con cảm thấy thoải mái, phát huy được năng lực, con có cảm xúc học tập, để con tự học và trang bị thêm những kỹ năng mềm. Con sẽ trưởng thành, sẽ thành công bằng chính năng lực của con và ba mẹ nên tôn trọng con.

 

Theo Thạc sĩ Lê Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh), “cuộc chiến” chọn nghề, hướng nghiệp giữa cha mẹ và con cái luôn gay gắt, căng thẳng. Và những giấc mơ nghề nghiệp bị lạc hướng, bị nhào nặn theo ý cha mẹ đã đẩy không ít số phận tuổi trẻ vào ngõ cụt, thậm chí phải trả giá rất đắt để làm lại từ đầu.

™SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh