Địa lý không chủ quan, Hóa học bình tĩnh làm bài

07:07, 01/07/2016

Ngày 3/7/2016, thí sinh sẽ thi 2 môn Địa lý và Hóa học. Đây là 2 môn tự chọn được nhiều thí sinh chọn thi. Nếu môn Địa lý được nhiều bạn chọn vì dễ "ăn điểm" thì môn Hóa học được chọn lựa vì gắn với nhiều ngành thi. 

Ngày 3/7/2016, thí sinh sẽ thi 2 môn Địa lý và Hóa học. Đây là 2 môn tự chọn được nhiều thí sinh chọn thi. Nếu môn Địa lý được nhiều bạn chọn vì dễ “ăn điểm” thì môn Hóa học được chọn lựa vì gắn với nhiều ngành thi. Theo các thầy cô, thí sinh không nên chủ quan cũng không được thiếu tự tin khi thi 2 môn này.

Cô Đặng Thị Phương Tâm- Tổ trưởng Tổ Địa lý Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cô Đặng Thị Phương Tâm
Cô Đặng Thị Phương Tâm

Các dụng cụ cần thiết phải kiểm tra khi đi thi môn Địa “không được quên” là atlat, máy tính, thước, compa. Mỗi câu hỏi nhớ đọc kỹ và gạch dưới những từ cần chú ý. Cần ghi ý chính ngoài nháp để khi làm bài không bị quên. Xem lại 3 bài địa lý dân cư. Chú ý các vấn đề thời sự như xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, ô nhiễm môi trường, biển đảo.

Đối với những câu hỏi nào thấy khó hoặc quên ý, các em có thể tìm nội dung liên quan nằm trong atlat để xem lại. Nếu thí sinh muốn tìm điểm 8 trở lên, nhất định phải học thuộc bài và vận dụng tốt.

Cô Tâm lưu ý: “Thời gian làm bài là 180 phút, các em từ từ làm bài, cẩn thận, suy nghĩ kỹ, nếu không đọc kỹ đề sẽ bị lạc đề”. Bài làm môn Địa lý phải vận dụng kiến thức vì nhiều câu hỏi không nằm hoàn toàn trong một mục hay một bài.

Thầy Đinh Hoàng Ân- Giáo viên dạy Hóa học Trường THPT Lưu Văn Liệt

Thầy Đinh Hoàng Ân.
Thầy Đinh Hoàng Ân.

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa có 50 câu, mỗi câu 4 phương án A-B-C-D và số câu hỏi lý thuyết trong đề nhiều hơn số câu hỏi bài tập. Đề sẽ không đánh đố nhiều như các đề thí sinh ôn tập. Mỗi câu làm đúng được 0,2 điểm.

Câu khó nhất đề cũng bằng điểm câu dễ nhất và điểm lý thuyết và bài tập ngang nhau. Chính vì vậy, các em đặc biệt lưu ý: câu dễ làm trước để ăn chắc điểm; phải đọc kỹ đề, viết đúng công thức của các chất và các phương trình phản ứng.

Các em phải phân tích nhanh vấn đề, làm đề cương và nắm chắc các lý thuyết tổng quát, các thuyết và định luật: Thuyết nguyên tử- phân tử, thuyết electron, lý thuyết về liên kết hóa học, lý thuyết về phản ứng hóa học, thuyết điện li, thuyết cấu tạo hợp chất hữu cơ… Định luật bảo toàn khối lượng, định luật Avogadro, định luật tuần hoàn các nguyên tố hóa…

Ngoài ra, cần phải nắm vững và thành thạo các phương pháp giải nhanh như: áp dụng định luật bảo toàn (bảo toàn khối lượng, bảo toàn electron, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn điện tích…), phương pháp đường chéo, phương pháp dùng tăng giảm khối lượng…

Các em cần lưu ý, các bài toán dù khó nhưng cũng chỉ được giải trong khoảng thời gian 2-3 phút nên phải tìm cách giải ngắn. Cũng có một số bài toán có thể dùng các công thức tính nhanh. Các em có thể dùng các công thức đó để tiết kiệm thời gian.

Cần ôn lại một số công thức quan trọng. Chú ý đọc kỹ tên các chất hữu cơ và công thức cấu tạo của nó ở SGK.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh