Học sinh (HS) tiểu học đi học thêm không còn là hình ảnh hiếm thấy hiện nay, mặc dù đã có quy định cấm dạy thêm. Do đó, cũng cần nhìn nhận việc dạy và học thêm hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề để bàn…
Học sinh (HS) tiểu học đi học thêm không còn là hình ảnh hiếm thấy hiện nay, mặc dù đã có quy định cấm dạy thêm. Do đó, cũng cần nhìn nhận việc dạy và học thêm hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề để bàn…
Cần để trẻ phát triển theo đúng độ tuổi, đừng chạy theo thành tích mà ép trẻ học thêm. Trong ảnh: Học sinh trong thư viện Trường Tiểu học Thanh Đức B. |
Mong muốn giảm áp lực cho trẻ
Với mong muốn giảm áp lực cho HS tiểu học, khi mà độ tuổi của các em vẫn đang cần được quan tâm, học tập và vui chơi phù hợp với lứa tuổi, Bộ GD- ĐT đã ban hành Thông tư 17 quy định việc dạy thêm, học thêm.
Trong đó, có nêu không được dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp như bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Bộ GD- ĐT cũng yêu cầu giám đốc các sở GD- ĐT quán triệt đến từng giáo viên các quy định về dạy thêm, học thêm và nội dung đổi mới đánh giá HS tiểu học để mọi người hiểu rõ và làm đúng quy định. Bộ cũng nhấn mạnh, đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày thì chỉ hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà;
khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày thì chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa…
Mới đây, Bộ GD- ĐT cũng yêu cầu có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong việc tổ chức các hoạt động hè cho HS, tổ chức dạy học trước chương trình, dạy thêm, học thêm trái quy định.
Có thể thấy, nhiều quy định của Bộ GD- ĐT với mục đích chỉ để cho các em HS tiểu học giảm áp lực về học tập, điểm số. Từ đó các em có thể phát huy những thế mạnh trong độ tuổi của mình.
Cần giảm tải chương trình
Dù đã có quy định cấm dạy thêm cho HS tiểu học nhưng trong thực tế, việc dạy và học vẫn còn là nhu cầu của nhiều phụ huynh. Anh Nguyễn Văn H.- một phụ huynh ở TX Bình Minh- cho biết, nhu cầu cho con đi học thêm là có thật bởi “cho con đi học thêm ở nhà cô giáo còn để nhờ cô trông giùm”, nhờ đó mà cha mẹ như tôi yên tâm làm việc.
“Việc cho con nhỏ đi học thêm hiện nay không phải là hiếm và có khá nhiều người cho con đi học, ngay cả trong những ngày hè. Bởi học thêm sẽ giúp cho con nắm vững những kiến thức trong năm học mới”- anh H. cho biết.
Việc Bộ GD- ĐT cấm dạy thêm đối với HS tiểu học tuy có mục đích rõ ràng nhưng thực tế, vẫn chưa thể giảm hết áp lực cho các em. Một phụ huynh xin giấu tên ở TP Vĩnh Long chia sẻ, tuy là nói đã có quy định, nhưng thực tế tình trạng dạy thêm và học thêm vẫn còn. Có nhiều lý do để phụ huynh cho con đi học thêm, một trong những lý do chính là sợ con học kém và… sợ bị “làm khó”.
Trong khi đó, về chương trình học, theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Long Hồ, chương trình đã giảm tải rất nhiều. Các em học buổi sáng có thể được ôn tập, học lại những kiến thức vào buổi chiều. Em nào chỉ học một buổi thì bài tập về nhà cũng tương đương kiến thức như học 2 buổi ở trường.
Do đó, để không có việc phụ huynh phải chạy đi tìm chỗ cho con học thêm, nhiều ý kiến cho rằng chương trình chính khóa nên đầu tư mạnh về chất lượng. Đồng thời cần giảm tải hơn nữa, tăng cường các tiết học ngoại khóa để các em không áp lực, dẫn đến việc HS phải đi học thêm mới có thể trang bị đủ kiến thức…
Thầy Võ Thành Long- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Đức B (Long Hồ)- cho biết, hiện nay tình trạng dạy thêm của giáo viên đã giảm đi rất nhiều và hầu hết đều “không dám dạy”. Trong những ngày hè, phụ huynh cho con đi học thêm cũng chỉ để củng cố lại kiến thức.
Tuy nhiên, thầy Long cũng cho biết, tình trạng dạy thêm còn tiếp diễn do tâm lý của phụ huynh là sợ con mình không theo kịp bạn bè, hoặc sợ bị “đì”. Riêng về thầy cô giáo dạy thêm (rất ít) cũng chỉ để kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống...
Thầy Long chia sẻ, ở độ tuổi tiểu học, các em đang tuổi khám phá, cần học những kiến thức phù hợp. Đừng ép con học quá nhiều vì dễ dẫn đến căng thẳng, dễ mắc các bệnh tâm lý. Vì vậy, giải quyết cái gốc để chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm không chỉ là từ phía ngành giáo dục mà ở bậc tiểu học, còn phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ của phụ huynh.
|
Nhiều ý kiến cho rằng tư tưởng thích ganh đua, khoe mẽ, nhiễm bệnh thành tích qua điểm số, danh hiệu… vẫn còn cố hữu trong nhiều bậc phụ huynh. Do đó, để chấm dứt việc học thêm, cần phải thay đổi cách nhìn nhận của phụ huynh. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin