Ngay khi chương trình năm học 2015- 2016 kết thúc thì một "thực đơn" mới của hè đã mở ra cho các em học sinh thành phố. Lịch học, lịch chơi thế nào để hè vừa là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn vừa là lúc để ôn kiến thức năm qua.
Học Tiếng Anh ở Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long. |
Ngay khi chương trình năm học 2015- 2016 kết thúc thì một “thực đơn” mới của hè đã mở ra cho các em học sinh thành phố. Lịch học, lịch chơi thế nào để hè vừa là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn vừa là lúc để ôn kiến thức năm qua.
Cùng con đi học
Chưa được 20 giờ, cổng Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long đã có đông phụ huynh đến đón con. Phía đối diện văn phòng trung tâm, hàng chục phụ huynh đã chờ sẵn tự bao giờ trên các dãy ghế, có người còn mang theo võng để nằm chờ con.
Khuôn mặt mệt mỏi, anh Trần Hoàng Minh (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) đang chờ con gái là Trần Hoàng Thảo Ngân (13 tuổi). Anh cho biết: “Con tôi học ở đây đã 5 năm rồi, mỗi tuần học 3 buổi thứ ba, thứ năm và thứ bảy”.
Bé Ngân học Tiếng Anh nâng cao, song song chương trình học thường ngày. Hè thì anh Minh cho con học nhiều hơn như phụ đạo một số môn khác. Anh Minh khoe: “Con gái không chỉ nhiều năm liền đều là học sinh giỏi, mà cũng đã học võ nữa”.
Ngồi cạnh anh Minh, anh Nguyễn Thanh Nhàn (xã Thạnh Quới- Long Hồ) cũng trông đến hết giờ. Anh Nhàn là nhân viên Công ty Điện lực Vĩnh Long. “Đi làm về, ăn cơm xong là tôi chở con ra đây liền mới kịp”- anh Nhàn nói.
Con trai anh Nhàn là Nguyễn Lê Hoàng Phúc, chuẩn bị vào lớp 5. Nói chuyện học hè, anh Nhàn cười: “Tôi cũng không nhớ nỗi lịch học của con đâu. Học 3 môn: Văn, Toán, Anh văn, tổng cộng 9 buổi/ tuần. Tôi cũng định cho cháu đi học võ”. Theo anh Nhàn thì việc cho con đi học hè ngoài tác dụng cho năm tới học tốt hơn còn hạn chế việc con “lơ mơ chơi những trò không tốt”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Yến (TP Vĩnh Long) đang tìm những lớp học thêm cho con, nhưng băn khoăn “lớp nào cũng đông học sinh, có lớp đến 30 em thì làm sao học có hiệu quả”. Chị Yến tìm những nhóm khoảng 10 học sinh cho con mình, chấp nhận tiền học phí có cao hơn.
Với 4 môn: Toán, Lý, Hóa, Anh văn, chị phải đóng tiền học thêm cho con hơn 2 triệu đồng/tháng, gần bằng nửa tháng lương của chị. Nhưng theo chị: “Có nhằm gì với con người ta đâu, cháu tôi nè vừa học thêm các môn học còn học vẽ, học đàn, học bơi”. Đi học nhiều, học sinh đã mệt mà cha mẹ đưa rước còn mệt nhọc hơn nhiều, bởi vừa phải đợi chờ đưa rước trong khi vẫn đảm bảo công việc thường nhật.
Thực đơn hè cho con
Khuôn mặt trẻ con còn đờ đẫn sau tiết học thêm, bé Trang lí nhí trả lời “con cũng không biết nữa” khi chúng tôi hỏi bé nghỉ hè từ khi nào. Nói xong bé chạy nhanh ra cổng cho mẹ chở về. Nhiều bạn nhỏ khác cũng như Trang không biết hè là gì. Vì hè cũng là một sự khởi đầu mới của việc học.
Biết cân bằng giữa học và chơi là cách hay để không đánh mất tuổi thơ của trẻ. Chị Nguyễn Ngọc Thu- mẹ em Cao Gia Khanh (Tam Bình)- chia sẻ: “Bạn của con tôi học thêm rất nhiều, tôi cũng muốn con mình bằng con người ta nhưng tôi có cách dạy của mình”.
Chị Thu là giáo viên, chị tự dạy Tiếng Anh cho con đều đặn mỗi ngày. Chị mua sách giáo khoa mới về cho con tự tìm hiểu. Ngoài ra, chị cho con đi học thêm một môn Toán “môn này, không dạy nỗi ”- chị Thu cười. Nhìn chung, mỗi ngày Gia Khanh học khoảng 2-3 giờ, thứ bảy và chủ nhật vẫn được nghỉ ngơi bình thường.
Đang ngồi câu cá bên bờ đê ấp Ngãi Hòa (xã Hòa Bình- Trà Ôn), bé Trần Văn Bảo Khang- học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Hòa Bình D- hí hửng khoe: “Mới câu chưa đầy 1 tiếng mà con được 9 con cá rô rồi nhé”.
Những con cá rô bằng 2-3 ngón tay nhảy rột rẹt trong xô, một con nữa mới cắn câu Khang sành điệu gỡ cá và mắc mồi, nói thêm: “Từ lúc biết chữ thì con cũng biết đi câu cá, móc cua, bắt ốc,… nhiều lần kiếm đủ đồ ăn cho cả nhà”.
Chị Đinh Thị Hồng Ánh (xã Hòa Bình- Trà Ôn) đang chuẩn bị dạy con trai Tấn Phát- mới xong chương trình lớp 1- học bơi. Chị Ánh cười: “Con nít vùng sông nước mà không biết bơi sao được”.
Chị cũng như nhiều gia đình khác trong xã không cho con học hè. Tuy nhiên, chị dạy cho con một số kỹ năng như bơi lội, bơi ghe,… và phụ mẹ một số việc vặt trong nhà như nấu cơm, rửa chén. Chị Ánh nói thêm: “Tôi có biểu nhỏ chị nó kèm em viết và làm toán mỗi ngày một chút, để không thôi qua hè nó quên mặt chữ luôn à”.
Một “thực đơn” hè nhẹ nhàng, vừa sức và phù hợp với sở thích của trẻ là điều rất cần thiết. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong dịp này.
|
Bà Lê Nguyễn Lan Anh- Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long chia sẻ: “Đối với tiếng Anh trẻ em, cha mẹ nên cho các bé đã hoàn thành chương trình lớp 1 mới bắt đầu học ngôn ngữ mới, bé sẽ dễ tiếp thu và không bị rối ngôn ngữ. Muốn học tốt môn này, trẻ phải được đi học đều với tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng, học mà chơi”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin