Ôn nước rút cho môn Ngữ văn- Vật lý

11:06, 30/06/2016

Lưu ý gì để môn Ngữ văn và Vật lý đạt phong độ cao nhất? Thật ra, môn nào cũng cần kỹ năng làm bài.

Lưu ý gì để môn Ngữ văn và Vật lý đạt phong độ cao nhất? Thật ra, môn nào cũng cần kỹ năng làm bài.

Cô Đinh Thị Quỳnh Nga- giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm: Đọc kỹ đề, xác định đúng dạng bài

Trước ngày thi, học sinh cần xem lại kiến thức phần đọc hiểu và lưu ý các từ nhận dạng: những, các, chính, chủ yếu. “Những”, “các” là 2 ý; “chính”, “chủ yếu” là 1 ý.Môn Ngữ văn cần đọc kỹ đề, sau đó là xác định đúng dạng bài, viết bài theo dạng đề đã xác định theo đúng định hướng, luận điểm. Ngoài ra, các em cần phân bố thời gian làm bài phù hợp: đọc hiểu 25- 30 phút, nghị luận xã hội 60 phút và nghị luận văn học 80 phút, còn lại 10 phút để xem lại bài.

Phần nghị luận xã hội, nếu đề cho câu nói của ai đó rồi yêu cầu nêu ý kiến là dạng nghị luận về tư tưởng, đạo lý. Nếu đề bài là một vấn đề xã hội và cho học sinh nêu suy nghĩ là nghị luận xã hội đời sống. Dựa trên nhận dạng đó, học sinh sẽ làm bài theo đúng yêu cầu của
dạng bài.

Học sinh hệ thống lại các luận điểm, học phần tác giả, phong cách tác giả, tác phẩm hoàn cảnh xuất xứ của bài để lấy trọn điểm phần mở bài. Phần thân bài, phải làm rõ vấn đề, thân bài có nhiều đoạn văn và mỗi đoạn có những ý riêng, ý phải sáng.

Nhìn chung, hiện nay đề Ngữ văn yêu cầu học sinh vững kỹ năng, xác định đúng dạng bài và làm bài đúng theo yêu cầu của dạng đó. Kế đến là những sáng tạo, phần nội dung và lỗi chính tả.

Thầy Lê Quốc Phi- Tổ trưởng Tổ Vật Lý- Công nghệ: Nắm chắc để phân phối thời gian và kỹ năng làm bài môn Vật lý

Hiện là giáo viên kiêm tổ trưởng tổ Vật lý- Công nghệ của trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời là giáo viên dạy luyện thi của Trung tâm Luyện thi ĐH Minh Trí (TP Vĩnh Long), với nhiều năm công tác, thầy Lê Quốc Phi có những chia sẻ để các em có thể làm bài tốt môn này trong kỳ thi tới.

I/ Về nội dung ôn tập:

Vì nội dung đề thi có tính phân hóa rất cao nên các em phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học kỹ lý thuyết và các công thức căn bản, gồm các chủ đề sau: Chương Dao đông cơ Chương Sóng cơ; Chương Dao động điện từ; Chương Dòng điện xoay chiều; Chương Sóng ánh sáng; Chương Lượng tử ánh sáng; Chương Hạt nhân nguyên tử;…

II/ Về phân phối thời gian và kỹ năng làm bài:

Vì thời gian làm bài là 90 phút và 15 phút phát đề trước (tổng cộng là 105 phút) nên chúng ta hãy làm theo các bước sau:

Bước 1: Làm các câu mức 1, mức 2 (khoảng 30 câu đầu của đề). Đây là các câu cơ bản, dễ lấy điểm trọn. Các em nên đọc chậm, kỹ câu hỏi và các đáp án, chú ý các từ phủ định của câu hỏi (sai, không đúng, không chính xác). Làm chính xác từng câu, tô luôn vào phiếu trả lời và dò lại cẩn thận.

Nếu tốt có thể lấy 6 điểm tuyệt đối (Thời gian làm bài phần này khoảng 15- 30 phút thì hợp lý, tuy nhiên nếu chỉ xét tốt nghiệp thì làm 60 phút cũng được nhưng phải đảm bảo chính xác phần này thì mới chuyển sang bước 2)

Bước 2: Đọc kỹ đề và chọn làm từng câu mức 3 (khoảng 10 câu trong 20 câu còn lại). Phần này “thông thường là các câu của chương sóng ánh sáng, lượng tử, hạt nhân, còn lại của các chương dao động cơ, sóng cơ, dòng điện xoay chiều và dao động điện từ thì có từ 1 đến 2 câu mỗi chương”.

Đây là giai đoạn quan trọng để nâng cao điểm số nên chúng ta phải đọc kỹ đề bài; viết công thức để vận dụng chính xác và kiểm tra máy tính khi bấm (chế độ đo góc 0, rad, nhập thiếu số, thiếu dấu ngoặc..). Câu nào mà chúng ta thấy chưa thể giải quyết được thì chuyển sang làm câu khác. Sau khi thực hiện tốt giai đoạn này thì chúng ta chuyển sang chọn từng câu mức 4 còn lại để khẳng định bản thân.

Bước 3: Khi còn khoảng 5- 10 phút nữa hết giờ thì chúng ta phải chọn trả lời các câu còn sót lại, chú ý “không bỏ câu nào”.

Nếu tự tin vào kết quả các câu đã làm thì dùng đáp án các câu trên làm cơ sở để phán đoán đáp án các câu còn lại, tăng xác suất đúng (các mã đề được trộn bằng phần mềm nên số đáp án A, B, C, D gần bằng nhau) hoặc có thể chính việc tập trung cao tư duy suy luận lúc này sẽ giúp chúng ta phán đoán đúng.

Chúc các em bình tĩnh, tự tin  làm tốt bài thi THPT quốc gia năm 2016.

HUYỀN- DUY (Thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh