Cho măng non đón nắng

09:06, 03/06/2016

Băng qua những con đường làng quanh co của ấp Ngãi Hòa, Hiệp Hòa (xã Hòa Bình- Trà Ôn) khi những trận mưa kéo dài vừa dứt, chúng tôi cảm nhận được những vất vả của học sinh vùng bưng còn "lấm lem bùn đất" đến trường.

Băng qua những con đường làng quanh co của ấp Ngãi Hòa, Hiệp Hòa (xã Hòa Bình- Trà Ôn) khi những trận mưa kéo dài vừa dứt, chúng tôi cảm nhận được những vất vả của học sinh vùng bưng còn “lấm lem bùn đất” đến trường. Để thấy yêu hơn những “búp măng non” sống trong gian khó nhưng vẫn vươn lên thẳng tắp đón ánh mặt trời.

Chị Chính và hai con ấm áp bên căn nhà nhân ái.
Chị Chính và hai con ấm áp bên căn nhà nhân ái.

Ước mơ làm họa sĩ của cô bé mồ côi

Bí thư Xã Đoàn Hòa Bình Phùng Thị Ánh Xuân dẫn chúng tôi lội bì bõm qua con đường đê trơn trợt để đến nhà em Nguyễn Diễm Thúy- học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hòa Bình D.

Ngôi nhà cấp 4 sạch sẽ, còn treo tấm biển “nhà nhân ái” do Hội Từ thiện cà phê Suối Mơ (TP Vĩnh Long) tặng năm 2013. Trong căn nhà trống trải, dường như chỉ có chiếc ti vi, cái bàn học “coi được” chút cũng do hội từ thiện tặng. Chị Đinh Thị Hồng Ánh cùng 3 con là Diễm Thúy, Thu Trúc và Minh Phát đang loay hoay bên thau cua đồng vừa mới bắt.

Trang trọng nhất là chiếc bàn thờ cha bé Thúy mất cách đây 2 năm. “Trước đó thì ảnh bị tâm thần 13 năm”- chị Ánh nói về chồng mình. Bí thư Xã Đoàn thì nhớ lại: “Có lần anh ấy châm xăng đốt đầu chị Ánh rồi tự châm xăng đốt mình, đánh đập các con,… Tội nhất vẫn là Diễm Thúy và Minh Phát, cha bị tâm thần khi tụi nó mới sinh ra, đã không có được tình thương còn bị đánh đập”.

Rất nhiều lần Bí thư Xã Đoàn và chính quyền xã đến can ngăn, nhưng chị Ánh với các con thà chịu đau chứ không nỡ để chồng đi bệnh viện tâm thần.

Không có ruộng đất, cuộc sống của chị em Thúy phụ thuộc vào tiền lột hột điều của mẹ và cùng mò cua, bắt ốc kiếm thêm. Trúc lắc lắc thau cua, tiếc rẻ: “Nhiêu đây cua khoảng nửa ký hà, giá có 15.000 đ/kg. Mấy bữa nắng, em bán được 30.000 đ/kg lận”.

Mỗi ngày phải lội bộ gần 1km đến trường, trong đó phân nửa là đường đất rất khó đi. Nhưng với Thúy thì “con và em thấy gần xịu hà”. Thu Trúc năm nay đã học lớp 10 Trường THCS- THPT Hòa Bình, đường đi học gần 2km nhưng em phải đi bộ đến trường.

Trúc, Thúy và Phát lớn lên trong sự thiếu thốn cả tinh thần và vật chất. Các em không biết ăn quà vặt, uống sữa hay đòi mẹ cái áo mới nhưng thành tích học tập thì đều từ loại khá trở lên. Riêng Diễm Thúy nhiều năm liền là học sinh xuất sắc. Thúy bẽn lẽn cười: “Con ước sau này là họa sĩ, vẽ thật nhiều tranh đẹp kiếm tiền nuôi mẹ”.

“Nghỉ học để nuôi mẹ, nuôi em”

Nhà của em Võ Thị Tuyết Ni- học sinh lớp 8 Trường THCS- THPT Hòa Bình ở ấp Hiệp Hòa, sâu hơn ấp Ngãi Hòa độ 2km, có đoạn đường đất trơn trợt rất khó đi. Đến nơi thì Tuyết Ni đi chợ chưa về, mẹ Ni- chị Nguyễn Thị Chính- đang ngồi trên võng, nghe tiếng người lạ chị lên tiếng hỏi rồi mời ngồi.

Chị Chính bị mù cách đây 4 năm, sau một cơn bạo bệnh. “Cũng từ lúc nó mù, chồng nó bỏ đi biệt tăm biệt tích luôn, để lại 2 đứa con. Nhỏ lớn này lúc đó lớp 4, thằng nhỏ 3 tuổi”- chị Nguyễn Thị Tư- chị ruột chị Chính- nói.

Bé Kiệt- con trai út chị mới đi câu cá về liền ghé hôn mẹ “chụt” một cái, lễ phép chào khách. Chị Chính rưng rưng: “Mới học lớp 1 mà con đã đòi nghỉ học để đi làm mướn nuôi mẹ!”

Chị Chính nhớ lúc bỗng dưng mù lòa, chồng bỏ đi biền biệt “chỉ muốn chết thôi” nhưng “tôi đây không giúp ích gì nhưng vẫn phải sống để an ủi con, nó bị cha bỏ rơi đã khổ lắm rồi”.

Tuyết Ni đi chợ về, dáng người dong dỏng, da ngăm đen vì nắng. Nhà không có đất, nhờ dì và cậu giúp đỡ một phần, Tuyết Ni ngoài đi học còn trông em, đi mò cua bắt ốc bán, chăm sóc mẹ. Ni cười hiền: “Con không sợ cực, không sợ bạn cười chỉ mong mẹ sống khỏe với con”.

Rồi sự giúp đỡ của Hội Từ thiện cà phê Suối Mơ và các nhà hảo tâm đến với gia đình Ni như một phép mầu, giúp em có gạo ăn, có tiền đi học.

Ni nói nhỏ: “Con buồn vì năm học này không được loại giỏi, để mẹ và cậu Tuấn buồn”. Chị Chính nói: “Nếu không được các nhà hảo tâm giúp đỡ, con tôi chắc không đi học được. Mới năm rồi thôi, chị em nó đứa nào cũng đòi nghỉ học để lo cho mẹ”.

Ước mơ của Kiệt và Ni là có việc làm ổn định lo cho mẹ. Các em hạ giọng: “Con nhớ ba lắm, dù ba có thế nào… con vẫn thương ba”.

Anh Nguyễn Minh Tuấn- Hội trưởng Hội Từ thiện cà phê Suối Mơ (TP Vĩnh Long) cho biết: Hội đang nhận đỡ đầu cho 24 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long, biết vươn lên vượt khó học tốt. Mỗi em sẽ nhận được tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/năm, đến khi các em 18 tuổi.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh