Kỳ 2: Chán học Lịch sử, do đâu?

07:05, 12/05/2016

Nhìn vào số liệu đăng ký dự thi môn Lịch sử những năm gần đây, nhiều giáo viên dạy môn này đều không khỏi đượm buồn. "Không trách học trò được, các em mệt mỏi quá rồi với đủ thứ môn…"- Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Mười- giáo viên hơn 30 năm dạy môn Lịch sử của Trường THPT Lưu Văn Liệt chia sẻ.

>> Kỳ 1: Môn Lịch sử đang... bị “lạnh lùng”

Nhìn vào số liệu đăng ký dự thi môn Lịch sử những năm gần đây, nhiều giáo viên dạy môn này đều không khỏi đượm buồn. “Không trách học trò được, các em mệt mỏi quá rồi với đủ thứ môn…”- Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Mười- giáo viên hơn 30 năm dạy môn Lịch sử của Trường THPT Lưu Văn Liệt chia sẻ.

Làm sao để học sinh yêu môn Lịch sử? Đây là câu hỏi đầy băn khoăn, trăn trở về lớp trẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai dẫn đoàn học sinh tham quan Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Đây là một cách giáo dục truyền thống cho học sinh như đề án “Dạy chữ kết hợp dạy người”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai dẫn đoàn học sinh tham quan Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Đây là một cách giáo dục truyền thống cho học sinh như đề án “Dạy chữ kết hợp dạy người”.

Ít cơ hội vào đời

Đối với những giáo viên dạy môn Lịch sử và những người yêu thích môn học này thì việc học sinh “thờ ơ” với môn học không đơn giản là buồn mà còn có xót xa.

Đối với học sinh, môn học này vừa dài dòng, khó hiểu, khó thuộc. Hơn thế nữa, môn Lịch sử không còn đóng vai trò quan trọng trong thi cử, cơ hội nghề nghiệp thì việc các em không chọn môn này là… tất yếu.

Những năm gần đây, việc áp dụng tổ hợp môn mới giúp môn Lịch sử không còn nằm gọn trong khối C mà có thể ở một tổ hợp môn khác. Điển hình như Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long có thêm tổ hợp môn mới Ngữ văn, Toán, Lịch sử. Tuy vậy, số học sinh chọn môn này để thi ĐH cũng không tăng.

Thầy Nguyễn Văn Mười, cười buồn: “Năm nay, trường không có học sinh nào chọn môn Lịch sử thi tốt nghiệp hết em à!” Dù nhiều học trò rất thích thầy Mười, rất “khoái” học tiết của thầy vì cách dạy sinh động, hấp dẫn.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Bá Khương- Trường THPT Phan Văn Hòa chia sẻ, mỗi năm, số lượng học sinh chọn thi môn Lịch sử giảm dần. Các em và thậm chí gia đình nhận ra học môn này vừa cực, vừa khó mà cơ hội kiếm điểm cao thì ít. Hơn nữa, cơ hội nghề nghiệp không đủ sức hút như các khối ngành kinh tế.

“Có em học rất yếu các môn tự nhiên nhưng nhất quyết không chọn các môn học bài như Lịch sử để kiếm điểm. Các em cho rằng nếu rớt ĐH thì còn CĐ, ngành kỹ thuật, kinh tế vẫn hơn”.

Với nhiều giáo viên, dạy các em hết kiến thức trong sách giáo khoa rất khó bởi chương trình nhiều, nặng mà thời lượng không đủ. Buộc giáo viên phải làm mọi cách để đảm bảo đủ nội dung chương trình, dù các em có tiếp nhận tốt hay không.

Cô Võ Thị Thủy- Trường THPT Vĩnh Xuân thì cho rằng: Môn Lịch sử không thu hút được học sinh bởi kiến thức quá nhiều, kênh chữ và kênh hình đối lập nhau và không có thời gian cho ngoại khóa.

“Là một giáo viên môn Lịch sử, học trò chọn môn này để thi quá ít cũng khiến cho mình buồn, kéo theo đó là nhiều trăn trở. Làm cách nào để thu hút các em, để các em đam mê và chọn môn này để thi, chọn nghề nghiệp không chỉ là trách nhiệm của giáo viên mà còn xã hội, định hướng của Bộ GD- ĐT…”- cô nói.

Khó học và khó kiếm điểm

Học sử như tìm kiếm về cội nguồn, hiểu rõ về đất nước, con người. Ở nhiều quốc gia, việc học sử là bắt buộc và được xếp trên các môn học khác. Nhiều thầy cô giáo cũng tự đi tìm nguyên nhân và đưa ra nhiều ý kiến để thu hút học sinh đam mê môn học này.

Hầu hết học sinh đều cho môn Lịch sử là môn học thuộc lòng, kiến thức nhiều cho nên khó để tiếp thu. Một học sinh ở THPT Bình Minh cho rằng: Lịch sử đang rời xa học sinh, vì cứ buộc học sinh thuộc lòng một kiến thức quá lớn.

Trong khi đó, học sinh phải học rất nhiều môn và chương trình học rất nặng nề. Một học sinh khác ở THPT Phan Văn Hòa ghét môn học này vì “học Lịch sử Việt Nam và thế giới xen kẽ rất khó tổng kết, giống như học để đối phó”.

Một số học sinh lại cho rằng, cách dạy của giáo viên còn rập khuôn, máy móc; nhiều giáo viên chỉ dạy sao cho đủ chương trình chứ không tạo được sự hấp dẫn trong tiết học.

Một học sinh nắn nót ghi trong phiếu: “Em nghĩ học Lịch sử trước hết để học sinh hiểu được sự hy sinh của ông cha, hiểu lịch sử và yêu lịch sử chứ không phải học thật là nhiều để rồi không nhớ nỗi mà đâm chán môn Lịch sử”.

Khi chọn thi môn Lịch sử những học sinh thích môn học này còn đắn đo vì khó kiếm điểm cao. Nhiều học sinh có ý kiến khác: “Em thấy đề mở khó kiếm điểm quá. Ý kiến của em làm sao giống y như ý kiến đáp án được. May mắn vấn đề gì thầy cô có nói qua thì còn tự tin, nếu không thì coi như mất điểm”.

Quan điểm, lập trường mỗi người không giống nhau- nhất là những vấn đề xã hội, do đó, khi đáp án quá chi tiết sẽ làm khổ học sinh. Đã khó học còn khó kiếm điểm thì làm sao học sinh không quay lưng với môn Lịch sử?

Nói như thầy Đinh Hồng Khanh- giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Bình Minh thì “Chương trình môn Lịch sử lặp đi, lặp lại nhiều lần những kiến thức như bài Châu Phi chẳng hạn. Đó là chưa tính chương trình đổi mới càng nặng nề hơn. Tôi hiểu vì sao học sinh chán môn này…”

Đó không chỉ là nỗi đau nhói lòng thầy dạy môn Lịch sử mà còn là nỗi đau chung của những con người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn tự bao đời nay.

 

Theo thống kê của Sở GD- ĐT Vĩnh Long, trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 có 1.199 học sinh chọn thi môn Lịch sử, thấp nhất trong tất cả các môn. Trong đó, có 3 đơn vị không có học sinh nào chọn môn này, một số đơn vị không có thí sinh đăng ký môn Lịch sử để xét tốt nghiệp.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh