Có thể nói, học sinh thời nay không còn mặn mà với môn Lịch sử. Bằng chứng kỳ thi THPT năm 2014- 2015 (quốc gia), ở nhiều hội đồng thi, chỉ có lèo tèo vài thí sinh dự thi môn Lịch sử. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thật đáng buồn này.
Có thể nói, học sinh thời nay không còn mặn mà với môn Lịch sử. Bằng chứng kỳ thi THPT năm 2014- 2015 (quốc gia), ở nhiều hội đồng thi, chỉ có lèo tèo vài thí sinh dự thi môn Lịch sử. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thật đáng buồn này.
Do yếu chuyên môn sư phạm của giáo viên, lỗi hệ thống giáo dục, gia đình ít quan tâm đến việc học của con,… Trong đó có một phần của công tác tuyên truyền.
Nhớ thời thập niên 90 của thế kỷ XX, lứa tuổi học trò khi đó rất say mê đọc sách, yêu lịch sử. Là người công tác trong ngành sư phạm thời đó, lại giảng dạy ở mảng xã hội, tôi rất hài lòng khi học trò của mình nhớ từng sự kiện, nhân vật, địa danh... của lịch sử nước nhà.
Trong những giờ trao đổi ngoại khóa, các em say mê nghe thầy kể chuyện ngày xưa, luôn tỏ ra là người thông thái môn Lịch sử, cái gì cũng biết tường tận. Vấn đề nào các em không hiểu, không rõ thì hỏi ngay.
Có nhiều sự kiện lịch sử tôi không nhớ rõ ngày tháng nhưng các em thì lại thuộc lòng vanh vách. Đó là nhờ lúc ấy, công tác tuyên truyền rất tốt.
Ngày đó, số lượng sách in về lịch sử được xuất bản rất nhiều trên thị trường, nhất là lịch sử nước nhà. Học sinh có thể tìm mua cho mình một quyển sách mới xuất bản hoặc sách cũ để đọc, tham khảo, bổ trợ cho việc học.
Dù rằng lúc ấy, lối trình bày của sách rất đơn giản, chất lượng giấy không tốt, minh họa nhạt nhẽo nhưng vẫn lôi cuốn học sinh vì nội dung cũng như tính xác thực.
Còn bây giờ, do Internet bùng nổ, học sinh mải mê vào game, mạng xã hội nên không còn tha thiết mua sách đọc. Sách in hiện nay chỉ chú trọng vào tiểu thuyết ngôn tình, “hiện tượng” hoặc theo đơn đặt hàng của cá nhân (tự bỏ tiền túi ra làm).
Vì vậy mà nhiều đầu sách lịch sử trong thư viện trường học không được cập nhật liên tục, số lượng sách trưng bày không tăng lên. Bởi học sinh bây giờ ít đến thư viện ngồi hàng giờ say mê đọc những quyển sách lịch sử hoặc mượn về nhà xem. Chỉ khi cần thiết lắm các em mới đến tìm tài liệu. Còn ngày thường thư viện vắng đến nỗi cô thủ thư còn chán ngán với công việc của mình.
Hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất hiện nay để học sinh yêu thích môn Lịch sử phải nói đến các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là báo hình (đài truyền hình).
Nhưng do bị kinh tế chi phối, làm chương trình theo phương thức xã hội hóa, lơ là kiểm duyệt nội dung, chạy theo thị hiếu nghe nhìn mới, mà một số đài truyền hình rời xa công tác tuyên truyền giáo dục, định hướng dư luận. Rất nhiều gameshow, talkshow, truyền hình tương tác, cuộc thi giải trí kém chất lượng chiếu xuyên suốt như nấm mọc sau mưa.
Nói chi các đài truyền hình địa phương, ngay cả đài quốc gia như VTV cũng bị cuốn vào vòng xoáy thị trường, cẩu thả trong các chương trình có liên quan đến văn hóa, lịch sử. Như vào ngày 19/2/2016, trong chương trình S- Việt Nam phát sóng trên kênh VTV1 có chủ đề “Đầu năm vãn cảnh đình Hàng Kênh”.
Nam MC người nước ngoài hỏi nữ MC Việt Nam (bằng tiếng Việt): “Đố em biết vị tướng nào của Việt Nam đã đánh thắng quân Nguyên Mông 3 lần và đã có trận chiến lẫy lừng trên sông Bạch Đằng?”
Nữ MC không ngần ngại trả lời: “Chắc chắn đó là Ngô Quyền rồi, điều này thì người Việt Nam nào cũng biết”.
Ai xem qua chương trình này cũng lắc đầu ngao ngán vì sự cẩu thả với lịch sử nước nhà của nhà đài và cả việc bực bội vì sự “vơ đũa cả nắm” của cô MC. Ai từng ngồi trên ghế nhà trường đều biết vị tướng Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, trong khi vua tôi nhà Trần mới 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược (các năm 1258, 1285, 1288).
Hay tại Trường THPT Hiệp Bình (quận Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh), khi treo băng rôn chào mừng ngày 8/3/2016, đã ghi: “Chào mừng kỷ niệm 106 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và 176 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng”.
Lẽ ra môi trường giáo dục thì nên rõ, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra vào mùa xuân năm Canh Tý 40CN, tức đến nay là 1976 năm. Nếu không chắc, tốt hơn chỉ ghi lễ kỷ niệm. Còn hơn không rõ mà cố ghi chi tiết thì rất nguy hiểm.
Để học sinh yêu thích môn Lịch sử, ngoài kỹ năng sư phạm của giáo viên, sự uốn nắn của gia đình thì công tác tuyên truyền của truyền thông cũng hết sức quan trọng.
Vì vậy cần có nhiều chương trình lịch sử, văn hóa để thu hút, lôi cuốn học sinh như: gameshow, phóng sự- ký sự, phim tài liệu, phim truyện, talkshow,… Nhưng phải lưu ý, những gì thuộc về lịch sử thì cần phải chuẩn và có chút pha trộn nghệ thuật (cho trẻ đam mê) thì tuyên truyền mới hiệu quả.
ĐẶNG TRUNG CÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin