Nhờ tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi và nhận Cúp vàng, Phan Thế Hoàng đã giành được học bổng tiến sĩ, mà không cần qua đào tạo thạc sĩ.
Nhờ tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi và nhận Cúp vàng, Phan Thế Hoàng đã giành được học bổng tiến sĩ, mà không cần qua đào tạo thạc sĩ.
Chàng trai đến từ Quảng Nam luôn xác định học tập là con đường phải đi ngay từ nhỏ. |
Cuối năm 2012, chàng trai đến từ Quảng Nam nhận Cúp vàng thủ khoa của Đại học Bách khoa TP HCM. Đặc biệt, người được nhận danh hiệu này sẽ được đặc cách học thẳng lên tiến sĩ, không cần qua thạc sĩ.
Sở hữu thành tích tốt nghiệp xuất sắc, song Thế Hoàng lại bỏ qua cơ hội làm việc tại nhiều công ty nổi tiếng, lựa chọn tiếp tục đi học.
Anh nộp đơn vào một số trường và được hai nơi chấp nhận cấp học bổng tiến sĩ toàn phần (Ph.D) là Nanyang Technological University (NTU, Singapore) và University of Wollongong (Australia).
Hiện tại, Thế Hoàng là nghiên cứu sinh tiến sĩ. Anh nghiên cứu cơ điện tử, cơ học vật liệu năm 3 thuộc University of Wollongong, New South Wales, Australia.
Nhận học bổng toàn phần tiến sĩ
Theo giáo viên bộ môn Kỹ thuật hàng không trực tiếp giảng dạy Thế Hoàng tại ĐH Bách Khoa TP HCM, người nhận Cúp vàng tốt nghiệp phải hội tụ đủ 5 yếu tố như điểm cao nhất khoa, không rớt môn nào trong 5 năm, ngoại ngữ tiếng Pháp Delf B1, tiếng Anh TOEIC 600 và đủ 15 ngày công tác xã hội của trường.
Ngay từ khi còn đi học, chàng trai quê Quảng Nam đã xác định rõ, học là con đường anh sẽ theo đuổi tới cùng. Vì vậy, Hoàng không chỉ chăm chỉ học tập mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội để làm bước đệm cho mục tiêu của bản thân.
“Với tư cách giáo viên bộ môn, tôi thấy Hoàng là sinh viên xuất sắc toàn diện, có tinh thần cầu tiến cao. Bên cạnh việc hoàn thành tốt những nhiệm vụ trong học tập, Hoàng còn rất tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa của trường”, cô Hiếu - giáo viên bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP HCM, nhận xét.
Tốt nghiệp xuất sắc, cơ hội đến với Thế Hoàng khi anh nhận được học bổng thẳng lên tiến sĩ từ hai trường quốc tế là Technological University (NTU, Singapore) và University of Wollongong (Australia).
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khó khăn để chàng trai Việt đưa ra quyết định khi đứng trước lựa chọn đi làm hoặc tiếp tục học.
Hoàng kể, thời gian đó, mọi người hay bàn tán rằng, tại sao mình tốt nghiệp thủ khoa mà vẫn chưa có việc làm? Đồng thời, nhiều công ty lớn như Vietjet Air mời làm việc cũng khiến anh phân vân.
Tuy nhiên, lựa chọn cuối cùng của Hoàng vẫn là con đường học tập.
“Nhớ lại ngày ấy, mình khá áp lực khi phải lựa chọn. Quyết định bỏ hết công việc tốt để 'săn' học bổng tiến sĩ khá mạo hiểm. Nhưng mình vẫn cố gắng nắm bắt cơ hội được học tiếp”, tiến sĩ trẻ chia sẻ.
Xác lập được mục tiêu, chàng trai sinh năm 1989 nộp đơn xin học bổng tại nhiều trường và nhanh chóng nhận được phản hồi.
"Hoàng hòa đồng, vui vẻ nhưng quyết đoán, thẳng thắn. Đó là người bạn luôn có tinh thần cầu tiến trong học tập cũng như cuộc sống" - Lê Xuân Khánh, bạn học cùng Hoàng từ nhỏ, cho biết.
Chàng trai Quảng Nam kể, thời điểm anh "săn" học bổng khá khó khăn nhưng đáng nhớ. Anh phải tự tìm, liên hệ với giáo sư nước ngoài, rồi nghiên cứu đề tài và báo cho phía nhà trường.
Đến khi được giáo sư chấp nhận đề tài, Thế Hoàng lại trải qua một giờ đồng hồ phỏng vấn online với nhiều người, sau đó mới có kết quả cuối cùng về việc được nhận học bổng hay không?
Trong quá trình phỏng vấn, các giáo sư người nước ngoài chủ yếu hỏi về kiến thức chuyên ngành đã được học và đánh giá kỹ năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ của bạn. "Do đó, tự tin, lưu loát là những yếu tố rất quan trọng khi tham gia vòng này" - Hoàng lưu ý.
Sau 5 tháng hoàn tất thủ tục cần thiết, tháng 8/2013, chàng thủ khoa lên đường sang Australia bắt đầu công việc nghiên cứu sinh tiến sĩ của mình.
Học tiến sĩ là chạy đua với chính mình
Kể lại quãng thời gian khó khăn, Thế Hoàng cho hay: “Có những giây phút làm nghiên cứu áp lực nhưng mình chưa bao giờ hối hận vì quyết định của bản thân”.
Bắt đầu nghiên cứu sinh tiến sĩ, bỏ qua trình tự đào tạo thạc sĩ, Thế Hoàng bởi vậy gặp không ít thử thách, vất vả.
“Quá trình học thạc sĩ sẽ cung cấp những kỹ năng và định hướng nghiên cứu cần thiết trước khi lên tiến sĩ. Vì mình không qua giai đoạn này nên ban đầu phải vừa tự học các kỹ năng cơ bản nhất phục vụ cho nghiên cứu vừa chạy theo đề tài đặt ra”, chàng tiến sĩ tâm sự.
Vì lý do này, trong đợt bảo vệ đề cương năm nhất Ph.D, 8X chỉ dám ngủ 3 tiếng mỗi ngày, ăn đồ ăn nhanh hoặc mỳ tôm suốt một tuần trước khi “lâm trận”.
Anh Nguyễn Ngọc Lương - một nghiên cứu sinh làm việc cùng Thế Hoàng - chia sẻ: “Tôi thường gọi Hoàng là 'an active boy'. Với công việc của nghiên cứu sinh sau đại học, thời gian rảnh là một thứ gì đó khá xa xỉ. Tuy nhiên, Hoàng có thể thu xếp để tích cực tham gia các hoạt động của hội sinh Việt Nam tại Wollongong.
Chúng tôi vẫn ví Hoàng như kênh thông tin tin cậy mà nhiều bậc phụ huynh liên lạc, trao đổi trước khi quyết định cho con đi du học Australia. Tôi sẽ dùng hai tính từ để miêu tả con người Hoàng, đó là nhiệt tình và thành thực”.
Theo chàng trai Quảng Nam, công việc nghiên cứu sinh tiến sĩ là tự mình nghiên cứu với sự hướng dẫn của giáo sư. Sản phẩm làm ra là những bài báo khoa học và cuối cùng là luận văn tốt nghiệp.
“Điều kiện nghiên cứu tuyệt vời nhưng đôi khi mình cũng có nhiều áp lực, căng thẳng. Thực tế, Ph.D không phải để mang đi so sánh với những sinh viên khác như lúc còn học đại học, mà là cuộc chạy đua với chính mình”, 8X chia sẻ.
Đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ muốn làm Ph.D, chàng tiến sĩ tương lai cho hay, việc cần thiết là chuẩn bị càng sớm càng tốt, đặc biệt là tiếng Anh.
Nếu muốn du học ở Mỹ, Singapore nên luyện TOELF. Còn đối với Anh, Australia nên theo đuổi IELTS. Đó là chìa khóa để các bạn trẻ Việt Nam đi ra nước ngoài học tập.
Trong tương lai, Thế Hoàng vẫn chưa quyết định cụ thể việc ở lại hay về Việt Nam. “Tuy nhiên, mình thấy điều đó không quan trọng bằng việc mình làm được gì cho dù bất cứ ở đâu”, chàng trai sinh năm 1989 bày tỏ
Theo Zing.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin