Thi học sinh giỏi quốc gia: Chưa được như kỳ vọng...

07:02, 24/02/2016

Có nhiều ý kiến cho rằng trong những năm tiếp theo, cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng và số lượng giải trong một sân chơi mang tính toàn quốc này…

Tỉnh Vĩnh Long đạt 7 giải trong kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc gia năm 2016- đây là kết quả chưa được như kỳ vọng ban đầu.

Qua đó, có nhiều ý kiến cho rằng trong những năm tiếp theo, cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng và số lượng giải trong một sân chơi mang tính toàn quốc này…

Cần có những giải pháp cụ thể, tạo “cú hích” để nâng cao chất lượng và số lượng giải trong những năm tiếp theo (ảnh minh họa).
Cần có những giải pháp cụ thể, tạo “cú hích” để nâng cao chất lượng và số lượng giải trong những năm tiếp theo (ảnh minh họa).

Chưa được như kỳ vọng

Trong những ngày đầu thành lập đội dự tuyển, rồi thi chọn đội tuyển chính thức cho kỳ thi HS giỏi toàn quốc năm 2016, ngành giáo dục tỉnh đã kỳ vọng vào con số 15 giải, tăng 2 giải so với năm 2015.

Tuy nhiên, kết quả số lượng giải chỉ dừng lại ở con số 7. Trong đó, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có 4 giải (có 1 giải nhì môn Tiếng Anh). Kết quả chưa đạt như kỳ vọng ban đầu.

Trong kỳ thi HS giỏi năm 2015, tỉnh đạt 13 giải, gồm 2 giải ba và 11 giải khuyến khích. So với cụm thi đua 6 ĐBSCL, xét về số lượng giải, Vĩnh Long chỉ đứng sau tỉnh Đồng Tháp với 16 giải; thì trong năm 2016, Vĩnh Long đứng thứ 7 sau Bến Tre (9 giải), Cà Mau (9 giải), Kiên Giang (9 giải), Sóc Trăng (10 giải), Tiền Giang (10 giải), Đồng Tháp (19 giải), TP Cần Thơ (24 giải).

Theo đánh giá của hiệu trưởng một trường THPT, ngoại trừ một số tỉnh có số lượng giải tăng cao như TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng thì các tỉnh còn lại đều sụt giảm số lượng giải. Điều đó cho thấy chất lượng của kỳ thi ngày càng được nâng cao, đòi hỏi HS phải thật giỏi và có tinh thần “máu lửa” ôn tập ngay từ khi mới thành lập đội tuyển.

Theo báo cáo của Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm về số lượng giải HS giỏi toàn quốc, năm học 2012- 2013 đạt 5 giải, năm học 2013- 2014 đạt 9 giải, năm học 2014- 2015 đạt 10 giải, năm học 2015- 2016 chỉ đạt 4 giải.

Còn toàn tỉnh năm học 2013- 2014 đạt 11 giải, năm học 2014- 2015 đạt 13 giải, năm học 2015- 2016 chỉ đạt 7 giải. Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả này cần được nghiêm túc nhìn lại, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng giải quyết phù hợp, cụ thể hơn.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phước- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, hiện nay ít nhiều tồn tại tâm lý HS không muốn vào đội tuyển và chưa quyết tâm cho kỳ thi HS giỏi quốc gia.

Một số em có tâm lý là “thà” học chính khóa để tập trung kiến thức thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển ĐH. Đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến kết quả chung của kỳ thi HS giỏi quốc gia giảm sút.

Cần “cú hích” cho kỳ thi

Đa phần các ý kiến từ những thầy cô có kinh nghiệm, những người đang làm công tác quản lý giáo dục cho rằng, từ kết quả thực tế này cần nhìn nhận lại và đưa ra hướng đi cụ thể trong những kỳ thi tới.

Theo thầy Nguyễn Hồng Phước, trước hết cần khuyến khích tối đa tinh thần học tập của các em trong đội tuyển, biến tinh thần đó thành “máu lửa” để các em quyết tâm giành giải. Muốn như vậy, cần có sự vinh danh, khen thưởng kịp thời để tạo một động lực chung cho các em HS những năm tiếp theo.

Trong khi đó, một vài ý kiến cho rằng, hiện nay quy chế tổ chức và hoạt động trường THPT chuyên của Bộ GD- ĐT, quy định trường chuyên có quyền phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ trường chuyên;

phát triển hoạt động hợp tác giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục... Có nghĩa là trường chuyên có quyền được mời các chuyên gia về để bồi dưỡng cho giáo viên, học sinh.

Từ đây có thể thấy, mời chuyên gia về giảng dạy cũng là một điều kiện để các em làm quen với những kiến thức cao và chuyên sâu hơn, cơ hội đạt giải cũng có thể sẽ nhiều hơn.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần có sự quan tâm từ các cấp, ngành và xã hội bởi cần có một khoản chi phí nhất định. Với giải pháp mời chuyên gia về giảng dạy, cụ thể trong kỳ thi HS giỏi năm 2016, một số tỉnh lân cận Vĩnh Long có mời chuyên gia thì số lượng giải đã tăng so với các năm trước.

Còn thầy Lê Quang Phương- Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD- ĐT) mong muốn trong những kỳ thi tới, cần có những giải pháp để tinh thần của HS trong đội tuyển phải “máu lửa”, quyết tâm thi để đạt giải. Song song đó, cũng cần sự động viên tinh thần quyết liệt từ phía phụ huynh...

Mong muốn có thêm nhiều HS đạt giải các kỳ thi HS giỏi quốc gia không phải là đi theo “bệnh thành tích” mà chính là đi sâu vào việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà cũng như cho đất nước.

 

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phước- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, cần có sự vinh danh, khen thưởng các em đạt giải kịp thời. Từ đó sẽ tạo thêm động lực, tinh thần và nghị lực cho các em tham gia kỳ thi HS giỏi những năm sau...
 

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh