Để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có tay nghề là vấn đề luôn được quan tâm, đầu tư.
Để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có tay nghề là vấn đề luôn được quan tâm, đầu tư. Ở một khía cạnh khác, đào tạo nghề (ở bậc trung cấp đến ĐH…) cũng là một ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế địa phương.
Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ cũng như sự kết hợp dạy văn hóa với dạy nghề, thực hiện đề án phân luồng học sinh sau THCS cũng nhằm mục đích trên.
Đào tạo lao động là ngành dịch vụ cần được đầu tư, coi trọng. |
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Vĩnh Long hiện có 3 trường ĐH và 5 trường CĐ với ngành nghề đa dạng, cơ sở vật chất khá hiện đại, giảng viên không ngừng nâng cao trình độ để phục vụ tốt công tác giảng dạy.
Việc đào tạo nguồn nhân lực là một trong những chương trình mục tiêu của tỉnh Vĩnh Long trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhiều lần nhắc nhở các trường ĐH, CĐ phải “luôn đề cao chất lượng đội ngũ để đào tạo ra nguồn nhân lực thật sự có chất lượng”.
Theo số liệu thống kê sơ bộ năm 2013, số sinh viên ĐH, CĐ là 2.058.922 người, số tốt nghiệp là 405.900 người; số học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp là 421.705 người. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn bộ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 17,9%, trong đó ở thành thị là 33,7%, gấp 3 lần tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 11,2; tỷ lệ nhân lực được đào tạo trình độ cao (từ đại học trở lên) trong tổng số lao động qua đào tạo ngày càng tăng (năm 2010 là 5,7%, năm 2012 là 6,4%, sơ bộ năm 2013 là 6,9%). |
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu lao động có tay nghề sang Nhật Bản, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long luôn quan tâm đầu tư cho đội ngũ giảng viên lẫn cơ sở vật chất.
TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng trường cho biết: “Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên và xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại là 2 nhiệm vụ trọng tâm của trường”. Ông cũng cho biết nhu cầu doanh nghiệp sử dụng lao động có tay nghề hiện nay rất cao, nhiều công ty đến trường trực tiếp tuyển dụng; trong đó, các ngành kỹ thuật hút nhân lực nhất.
Ngoài đào tạo trình độ chuyên môn, để đáp ứng hội nhập nhân lực cần phải có ngoại ngữ và nhiều kỹ năng khác. Vì vậy, Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, Trường ĐH Cửu Long, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long đều có những CLB Tiếng Anh và nhiều sân chơi cho sinh viên về ngoại ngữ.
Ths. Nguyễn Cao Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: “Tiếng Anh là yếu tố quan trọng để hội nhập và phát triển. Chúng tôi luôn chú trọng đào tạo Anh văn cho sinh viên”. Mới đây, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của sinh viên, giảng viên trong ngoài trường, ĐH Cửu Long đã cho xuất bản tạp chí khoa học đầu tiên.
Lao động có tay nghề
Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng xong đề án phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học giáo dục nghề nghiệp. Năm học 2015- 2016, tỷ lệ học sinh vào THPT là 80,58%; giáo dục thường xuyên là 6,5%; giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề là 3,1%; vào luồng khác là 9,8%.
Ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên thuộc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho rằng: “Nếu thực hiện tốt đề án phân luồng sẽ rất hay. Sở đang chuẩn bị triển khai đề án dạy chữ kết hợp dạy nghề, học sinh ở trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ được dạy song song nghề và văn hóa. Sau khi hoàn thành chương trình thường xuyên, các em sẽ có chứng chỉ nghề để trực tiếp tham gia lao động thì còn gì bằng”.
Tại Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long, nhiều năm nay, các công ty, doanh nghiệp đến trực tiếp tuyển lao động và có khi cung không đủ cầu. Ông Nguyễn Thanh Toàn- Trưởng Phòng Đào tạo của trường khẳng định: Các ngành cơ khí, hàn, điện lạnh, sửa chữa ôtô đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và đặt hàng. Mới đây, một công ty ở Cần Thơ cần 90 lao động các ngành này, nhưng hầu hết các em đã ra trường có việc làm nên trường không cung cấp đủ được.
Đào tạo nhân lực là một ngành dịch vụ rất cần được chú trọng. Bởi lao động có tay nghề sẽ luôn là nhu cầu ngày càng cao của các địa phương và doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là nguồn lao động chất lượng cao cho thời kỳ hội nhập sâu về kinh tế cũng như thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP). Đặc biệt, ngành dịch vụ này phát triển cũng sẽ góp phần quan trọng cho tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa.
(Theo Niên giám thống kê năm 2013 của Tổng cục Thống kê) Trong hội nghị tổng kết phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011- 2015, đại biểu đã đề ra một số chỉ tiêu phát triển đào tạo và dạy nghề của vùng ĐBSCL đến năm 2020: Giữ ổn định mạng lưới trường trung cấp chuyên nghiệp khoảng 80 trường, phấn đấu thu hút khoảng 15% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp; Giai đoạn 2016- 2020, bình quân mỗi năm dạy nghề cho khoảng 300.000 người, trong đó trình độ trung cấp, CĐ chiếm 12-15%; Đến năm 2020, toàn vùng có 50 trường ĐH, CĐ, đạt tỷ lệ 210 sinh viên/1 vạn dân; đảm bảo đa số sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo của vùng đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật của các đơn vị sử dụng lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 55%. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin