Thu hút học sinh vào thư viện

05:01, 13/01/2016

Thư viện trong trường học không chỉ là nơi để học sinh (HS) giải trí tinh thần với các loại sách, mà còn là nguồn tài liệu vô tận trong việc nghiên cứu, phục vụ các môn học. Để thu hút HS vào thư viện, cần tạo cho các em tinh thần chủ động, tự đọc…

Thư viện trong trường học không chỉ là nơi để học sinh (HS) giải trí tinh thần với các loại sách, mà còn là nguồn tài liệu vô tận trong việc nghiên cứu, phục vụ các môn học. Để thu hút HS vào thư viện, cần tạo cho các em tinh thần chủ động, tự đọc…

Ở các trường tiểu học có thư viện đạt chuẩn, số lượt học sinh vào đọc tăng từng ngày.
Ở các trường tiểu học có thư viện đạt chuẩn, số lượt học sinh vào đọc tăng từng ngày.

Thư viện đạt chuẩn hút học sinh

Tháng 9/2015, tập thể thầy trò Trường Tiểu học Thanh Đức B (Long Hồ) vui mừng khi thư viện của trường được công nhận thư viện đạt chuẩn. Đây là thư viện thân thiện điển hình so với các trường tiểu học khác trên địa bàn huyện Long Hồ do Tổ chức Rom To Read tài trợ.

Theo thầy Trần Công Tường- Phó hiệu trưởng, sau khi có thư viện đạt chuẩn, nhà trường cũng cử cán bộ phụ trách đi tập huấn. Từ đó, tổ chức ngày hội đọc sách trong nhà trường, môi trường đọc của các em HS thân thiện hơn. Thu hút ngày càng nhiều HS vào thư viện để đọc.

Cũng theo thầy Trần Công Tường, ngoài thời gian các em tự vào thư viện, mỗi tháng đều có 2 tiết học thư viện theo quy định. Do đó, dần khuyến khích tinh thần đọc cho các em hơn. Hơn nữa, mô hình thư viện thân thiện có nhiều nội dung đọc, phù hợp với từng lứa tuổi đã giúp các em đam mê đọc sách hơn.

Trong khi đó, thư viện của Trường Tiểu học Lộc Hòa A (Long Hồ) được công nhận đạt chuẩn từ năm 2013. Cơ sở vật chất thư viện được đảm bảo đã hỗ trợ rất lớn trong việc giảng dạy và học tập. Thư viện có rất nhiều đầu sách, có nhiều sách chuyên sâu dành cho giáo viên, sách tham khảo dành cho HS.

Theo cán bộ quản lý thư viện của trường- thầy Trần Duy Bình thì thư viện được đầu tư đúng chuẩn đã thu hút HS tự giác vào thư viện. Mỗi giờ ra chơi, có rất nhiều lượt HS vào thư viện. Ngoài ra, việc phân công HS trực thư viện, nội quy phòng đọc,… đã định hướng tinh thần yêu quý sách của HS. “Vào thư viện không chỉ để các em nâng cao kiến thức mà còn phát huy năng khiếu vẽ, viết văn cảm nghĩ về một vấn đề nào đó,… Cùng với các tiết học thư viện, sự linh động từ giáo viên trong mỗi tiết học đã góp phần nâng cao tư duy, “tinh thần tự nguyện đọc” của các em”.

Còn tại Trường THCS Hiếu Phụng (Vũng Liêm), có mô hình thư viện “Container” do Quỹ Darius (Thụy Sĩ) phối hợp Công ty TNHH Maersk Việt Nam tài trợ với tổng giá trị tài trợ là 250 triệu đồng. Thư viện được trang bị hơn 1.000 đầu sách, 6 máy tính xách tay, được trang bị máy điều hòa và trang trí đẹp mắt. Trong những ngày đầu triển khai, đã thu hút rất nhiều HS đến đọc.

Xây dựng văn hóa đọc cho HS

Mới đây, Bộ GD- ĐT tổ chức hội thảo “Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng”, trong đó, nêu lên con số trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm.

Trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), một số liệu được đưa ra cũng rất đáng suy nghĩ là tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên đọc chiếm áp đảo tới 44%, còn đọc thường xuyên là 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm 8- 10% dân số.

Tuy thư viện đạt chuẩn là một yếu tố lớn để thu hút HS vào đọc, song theo nhiều ý kiến, cần tạo thêm nhiều điều kiện, khuyến khích và tạo thói quen cho HS đọc sách, nhất là ngay từ lứa tuổi HS tiểu học.

Theo thầy Trần Công Tường, hiện thư viện của trường không chỉ mở cửa cho HS mà còn khuyến khích phụ huynh vào đọc. “HS có thể mượn sách về nhà đọc, rồi từ đó cha em các em cũng có thể đọc cùng con. Phụ huynh cũng có thể vào thư viện đọc sách mỗi khi đưa đón con đến trường. Như vậy sẽ tạo ra một môi trường đọc cho các em, các em cũng có thể thấy cha mẹ đọc sách mà noi gương theo”.

Bên cạnh đó, hiện một số thư viện đạt chuẩn đã tách tủ sách nghiên cứu của giáo viên ra khỏi thư viện của HS. Như vậy, các em sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Trong khi đó, để thu hút các em dành nhiều thời gian đọc sách hơn, lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn huyện Long Hồ cho rằng, cần tổ chức các mô hình thư viện để “thư viện không chỉ là nơi học tập mà còn là nơi vui chơi, giải trí. HS đọc sách xuất phát từ sự hứng thú, từ đó dần tạo thói quen đọc sách cho các em”.

Trong năm 2015, Tổ chức Rom To Read sẽ hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 20 thư viện tại 20 trường trên địa bàn tỉnh với kinh phí hơn 238,5 triệu đồng. Chương trình hỗ trợ thư viện nhằm mục đích xây dựng và hình thành thói quen đọc cho HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Rèn luyện HS trở thành người đọc độc lập…

Mới đây, Bộ GD- ĐT có văn bản về việc đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông, mầm non. Từ đó nâng cao chất lượng thư viện và phát triển văn hóa đọc cho HS, cộng đồng…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh