Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, học sinh được nghỉ khá dài (14 ngày chính thức). Do đó, nhiều em thường không bắt được nhịp học ngay sau tết dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, kết quả học tập.
Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, học sinh được nghỉ khá dài (14 ngày chính thức). Do đó, nhiều em thường không bắt được nhịp học ngay sau tết dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, kết quả học tập.
Chơi tết vui tươi, an toàn cho trẻ. |
Bệnh và không chịu đi học
Tết là thời gian các bé thoải mái nhất vì được dựa vào 2 chữ “tết mà” để vui chơi xả láng, ngủ nghỉ cũng không ổn định như ngày thường. Chị Nguyễn Huỳnh Ngọc Thu (Tam Bình) lo lắng cho cô con gái 4 tuổi đang học mẫu giáo của mình. “Đợt nghỉ Tết Dương lịch, con gái tôi đã không chịu đi học rồi, nay nghỉ đến nửa tháng, không biết sao đây. Nhìn cảnh đưa con đi học mà nó cứ nước mắt ngắn dài, làm cha mẹ sao tránh khỏi đau lòng?”
Nhiều phụ huynh còn lo thêm bởi con không chỉ không muốn đi học mà còn hay bệnh sau những ngày tết. Chị Nguyễn Thị Hồng (Phường 2- TP Vĩnh Long) có cháu học lớp 5 thì “Tôi đưa cháu lên TP Hồ Chí Minh để ăn tết cùng với cha mẹ, sắp đi học thì tôi rước về”.
Khổ một nỗi, rước về sớm thì bé không chịu mà rước về sát ngày học thì bé thường xuyên bị cảm, xổ mũi,… mà không hoàn thành bài vở thầy cô cho trước khi nghỉ tết”. Chị Hồng nói thêm: “Cha mẹ thương con, lâu lâu mới có dịp đoàn tụ, nhất là tết nữa nên càng chiều bé hơn, bé muốn ngủ, muốn thức, muốn ăn gì cũng chiều và đặc biệt là đâu có bé nào muốn tết mà học bài đâu”.
Chị Hải Anh (xã Thanh Đức- Long Hồ) có cậu con trai học lớp 3 và cô gái nhỏ đang học lớp mầm. Việc bắt nhịp học sau tết cũng là vấn đề chị rất quan tâm. “Lo nhất là đứa con gái nhỏ. Tết năm ngoái, việc đưa bé trở lại nhà trẻ là cả vấn đề khó khăn. Bé không dậy sớm nổi, cứ khóc suốt không chịu đi học. Khi vào lớp thì không chịu ăn mà cứ khóc đòi mẹ hoài. Các cô phải dỗ dành rất lâu, khoảng một tuần bé mới dần ngoan trở lại. Rút kinh nghiệm, năm nay nghỉ tết tôi vẫn phải nhắc nhở con việc học, ôn bài và thường xuyên nói cho các con nghe nhiệm vụ phải quay lại học sau những ngày nghỉ tết để các con chuẩn bị tinh thần thật tốt”- chị Hải Anh chia sẻ.
Chơi không quên học
Để hậu tết không còn khó khăn với những học sinh nhí, phụ huynh phải là người chủ động lên kế hoạch từ sớm. Đó là một kế hoạch chơi mà không quên học. Chị Nguyễn Hồng Trâm (Long Hồ) rất có kinh nghiệm trong việc bắt nhịp học cho con, chị khoe: “Nghỉ tết vô, bé nhà tôi vẫn đi học bình thường. Bé còn nôn nao hơn bởi nhớ trường, nhớ bạn”.
Khi bắt đầu nghỉ tết, chị Trâm đã lên sẵn sàng một lịch học “nhẹ hơn ngày thường” nhưng đều đều cho con “không quên mặt chữ”. Đối với những ngày như mồng một tết, chị còn khuyến khích con nên học bài “Ngày đầu năm học bài sẽ học giỏi suốt năm”, nhờ đó, bé càng hứng thú học hơn.
Về nội, về ngoại được vui chơi cùng anh chị em họ rất vô tư nhưng chị Trâm luôn giữ lịch ngủ trưa đúng giờ cho bé. Chị cho biết: “Mình nói nhẹ nhàng kèm với những lời khen thì bé sẽ vâng lời liền thôi, ngủ đúng 1 giờ như lúc đi học không quá dài và đủ để con mình lấy lại sức”.
Không nhất thiết phải ép trẻ mở sách vở, ngồi tính toán hoặc đánh vật với bài tập toán, tiếng Anh... trong ngày tết mà có thể học theo hình thức đố vui, trắc nghiệm. Cha mẹ phải luôn nhắc nhở trẻ nhớ ngày nào phải quay lại trường học tập, học những bài nào, có bài kiểm tra nào sau những ngày nghỉ tết. Cha mẹ nên biết tạo hứng thú niềm vui học tập trở lại bằng cách bắt đầu từ môn học trẻ thích nhất hoặc học khá nhất, sau đó mới đến các môn học, lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong những ngày tết. Không nên để trẻ tự do vui chơi mà biếng ăn hoặc ăn uống qua loa khi gia đình bận rộn những ngày tết sẽ dẫn đến việc thiếu dinh dưỡng, bị bệnh hoặc yếu sức không sẵn sàng, minh mẫn cho việc học sau tết.
Chị Cao Thị Thúy Kiều (Phường 8- TP Vĩnh Long) thì luôn chú trọng những thức ăn, nước uống ngày tết cho con thật an toàn. Chị Kiều chia sẻ: “Nhiều loại bánh mứt, thức ăn, rau cải,… gia đình tôi tự làm để đảm bảo vệ sinh. Riêng các loại đồ ăn dễ gây nóng, đau họng cho bé thì không bao giờ mua về”. Nhờ được huấn luyện từ nhỏ, các con của chị Kiều không bao giờ ăn kẹo, hạt dưa và cũng không biết uống nước ngọt. Ngoài ra, chị còn chú ý giữ ấm và không cho bé chơi ngoài nắng trong những ngày nghỉ. Chị nói “mỗi năm mình mỗi rút ra nhiều bài học để cho con thật an toàn”. Tuy nhiên, chị Kiều cũng cho bé chơi nhiều hơn mọi khi, được thử những món ăn mới lạ để bé cảm nhận được hương vị tết.
Chơi mà học, học mà chơi để tết là lúc bé được vui chơi vẫn không quên nhiệm vụ học hành. Làm được điều này, cha mẹ phải lên kế hoạch cho con ngay từ bây giờ- những ngày nghỉ tết đầu tiên.
Bác sĩ Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán mấy năm gần đây có dài, phụ huynh nên chú ý những vấn đề sau để đảm bảo cho trẻ an toàn, khỏe mạnh: Tránh tai nạn thương tích như bỏng, điện, đuối nước; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm “ăn chín uống sôi”, thức ăn phải tươi sống, hạn chế thức ăn để lâu; đề phòng các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm hô hấp. |
Bài, ảnh: YẾN HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin