Kỳ cuối: Mở ra những cánh cửa tương lai

05:12, 02/12/2015

Giải bài toán cử nhân thất nghiệp, đòi hỏi cái nhìn tổng thể. Chính bản thân sinh viên (SV) cần soi rọi lại mình, định hướng nghề nghiệp, tự trang bị và rèn luyện những kỹ năng và ở tầm vĩ mô là những điều chỉnh về đào tạo, sự phát triển của nền kinh tế lành mạnh, là một trong những lời giải căn cơ cho bài toán thất nghiệp.

Giải bài toán cử nhân thất nghiệp, đòi hỏi cái nhìn tổng thể. Chính bản thân sinh viên (SV) cần soi rọi lại mình, định hướng nghề nghiệp, tự trang bị và rèn luyện những kỹ năng và ở tầm vĩ mô là những điều chỉnh về đào tạo, sự phát triển của nền kinh tế lành mạnh, là một trong những lời giải căn cơ cho bài toán thất nghiệp.

Tốt nghiệp loại giỏi, điều kiện đầu tiên để tìm việc dễ hơn.
Tốt nghiệp loại giỏi, điều kiện đầu tiên để tìm việc dễ hơn.

Giải pháp ở phạm vi hẹp

Trước khi nhờ sự “trợ giúp” từ bên ngoài, thì bản thân các cử nhân phải “tự giúp” mình trước bằng sự chủ động, sáng tạo, ham học hỏi và không ngừng rèn luyện. Anh Trần Minh Trí hiện đang là kỹ sư ở Công ty CPTM Bia Sài Gòn Sông Tiền cho biết, ngoài trình độ chuyên môn và tốt nghiệp thì kỹ năng là rất quan trọng.

Anh Minh Trí tốt nghiệp loại khá ngành cơ khí, Trường ĐH Cần Thơ năm 2012. Ngoài ra, anh Trí còn có thêm chứng chỉ C Anh văn, chứng chỉ B tin học. Một phần quan trọng nữa là kỹ năng mà anh Trí tích lũy được thời SV khi giữ nhiệm vụ là Liên chi hội phó, Liên chi hội SV Vĩnh Long tại ĐH Cần Thơ.

Đó là những kỹ năng rất cần thiết trang bị cho quá trình làm việc trong thực tế sau khi ra trường, theo ông Nguyễn Hoàng Phong- Giám đốc Techcombank Vùng 16 (ĐBSCL): “Đối với nhà tuyển dụng ngân hàng, ngoài bằng cấp chuyên môn, họ rất quan tâm trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, hòa nhập tốt trong những môi trường khác nhau, khả năng chịu đựng áp lực công việc...

Do đó, những SV tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, hoặc từng đi làm thêm nhiều việc dù không phải chuyên môn, nhưng bổ sung cho mình nhiều kiến thức xã hội phong phú. Trong khi đó, có những ứng viên khi hỏi về công ty mình xin việc thì trả lời tỉnh queo là... không biết!”

Bên cạnh đó, muốn giải quyết tình trạng thất nghiệp cần phải nắm rõ thực trạng, con số, mức độ và những kiểu thất nghiệp tạm thời hay dài hạn... Mà ở lĩnh vực thống kê thì ở Việt Nam còn khá hạn chế. GS.TS. Nguyễn Thanh Phương- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Để điều tra thông tin việc làm của SV sau khi ra trường, trường đã xây dựng phần mềm khảo sát trên mạng.

Tuy nhiên, số lượng SV tham gia không đầy 200 em, trong khi số SV ra trường vừa qua hơn 8.000 người! “Bức tranh tổng thể về cử nhân thất nghiệp chỉ là con số ước lượng”. Việc khảo sát của Trường ĐH Cần Thơ chia làm 2 đợt: đợt 1 SV đang chuẩn bị tốt nghiệp và đợt 2 là SV đã ra trường.

Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho rằng: “Muốn tìm giải pháp thất nghiệp, theo tôi phải có thống kê chính xác. Ví dụ như thống kê từ ấp- khóm rồi đến xã, huyện, tỉnh và cả nước. Trong khi thống kê cũng cần cụ thể từng ngành nghề, trường đào tạo, bằng tốt nghiệp loại gì, có việc làm chưa, có đúng chuyên ngành, phân nửa chuyên ngành, trái ngành, làm công nhân,...”

TS. Nolwen Henaff- chuyên gia kinh tế giáo dục thuộc Viện Nghiên cứu vì sự phát triển (IRD) Cộng hòa Pháp- nhận định: “Tỷ lệ SV ra trường thất nghiệp ở Việt Nam là không cao. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp nhỏ vài phần trăm so với quy mô dân số lớn như Việt Nam, đồng nghĩa với việc có vài triệu người thất nghiệp”.

Và ông đưa ra lời khuyên rằng: “Theo tôi, một trong những chiến lược mà SV có thể áp dụng để có khả năng tìm việc làm tốt hơn, đó là thay vì học một trường có thể học 2- 3 trường. Ví dụ một SV có thể học thêm ngoại ngữ để sau khi ra trường, nếu không tìm được việc làm trong lĩnh vực kinh tế thì có thể tìm việc làm trong lĩnh vực ngôn ngữ”.

Đó là trường hợp của bạn Phương học chuyên ngành quản trị mạng, nhưng xin việc mãi không được; giờ lại đang thành công ở lĩnh vực ngoại ngữ. Hiện bạn Phương là Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Mỹ- Úc ở TP Vĩnh Long.

Thay đổi ở tầm vĩ mô

“Qua điều tra cho thấy, học vấn càng cao, tỷ lệ thất nghiệp càng lớn. Đó là do sự mất cân đối của đào tạo và nhu cầu của thị trường. Các trường cứ đào tạo nhưng không biết nhu cầu của thị trường lao động là như thế nào, nên đưa đến tình trạng “dồn ứ” nhân lực sau đào tạo”- ông Nguyễn Hoàng Phong nhận định.

TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến- nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD- ĐT cho rằng: “Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là do cơ sở đào tạo của Việt Nam thiếu năng lực, thiếu động lực, thiếu thông tin trong việc tạo ra những gắn kết cần thiết với môi trường xung quanh. Nguyên nhân sâu xa là do những bất cập, yếu kém trong chính sách phát triển nhân lực của Việt Nam”.

Ông Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long: “Góp phần giải quyết việc làm cho SV mới ra trường, Trường ĐH Cửu Long ký liên kết với 12 doanh nghiệp cho SV thực tập và tìm cơ hội xin việc”.

Trường cũng thường xuyên liên lạc với doanh nghiệp sử dụng lao động là SV của trường. Trường ĐH Cần Thơ công bố chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề theo nhu cầu công việc của SV. Để đáp ứng chuẩn ra này, trường có lực lượng giảng viên hùng hậu với hơn 25% là tiến sĩ, trên 81% là thạc sĩ. Ngoài ra, trường cũng tiếp tục đầu tư phương tiện giảng dạy. GS.TS. Nguyễn Thanh Phương tự tin giới thiệu: Chúng tôi có 3 ngành tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Huỳnh Kim Hoàng cũng cho rằng việc cử nhân thất nghiệp, làm trái ngành hiện nay chúng tôi cũng có trách nhiệm lớn về khâu dự báo nhân lực. Việc điều tra cung cầu lao động cũng cần được chỉnh sửa phù hợp hơn, sát hơn và có quy trình chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, việc tư vấn cho học sinh khi chọn ngành cũng chưa sát với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội. Ông Hoàng ví dụ: “Ngành bảo vệ môi trường có nhiều em nộp hồ sơ trong khi ở Vĩnh Long thì nhu cầu ngành nghề này dường như không có”.

Trong buổi tọa đàm về nguồn nhân lực ĐBSCL tháng 8/2015, ông Dương Quốc Xuân- Phó trưởng BCĐ Tây Nam Bộ cho rằng: “Để tạo việc làm cho cử nhân, kỹ sư, trước hết các địa phương phải là nơi tạo ra công ăn việc làm cho nhân lực của mình”.

Sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, tạo môi trường thu hút đầu tư, góp phần giải quyết tình trạng SV tốt nghiệp “nằm chờ”. Bên cạnh đó, là những giải pháp điều chỉnh như: phối hợp đào tạo, đào tạo theo học chế tín chỉ, đào tạo theo năng lực và đa dạng hóa các loại hình đào tạo hiện nay.

Cử nhân thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi cá nhân và gia đình, mà còn tác động sâu sắc đến động lực phát triển của xã hội. Nguồn nhân lực không được sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích gây lãng phí lớn.

Do đó, việc giải bài toán thất nghiệp cho nguồn nhân lực chất lượng cao phải tính cách lâu dài, có lộ trình, bài bản. Hơn thế nữa, bài toán này cũng cần tiến hành song song ở phạm vi hẹp và sự điều chỉnh tương thích ở tầm vĩ mô.

Ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nhà trường phải là nơi đào tạo trước xã hội. Nghĩa là đào tạo đón đầu được sự phát triển của xã hội. Dạy cho học sinh, SV những tri thức, kỹ năng mới để khi ra trường các em bắt kịp với công việc. Thực tế, hiện nay các em ra trường thì kiến thức đã chậm và tụt hậu hơn so với xã hội rồi.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh