Dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm đến dự thảo tích hợp môn Lịch sử vào môn học mới có tên "Công dân với Tổ quốc" của Bộ GD- ĐT. Đã có nhiều ý kiến của xã hội, người làm trong ngành giáo dục về vấn đề này…
Dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm đến dự thảo tích hợp môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc” của Bộ GD- ĐT. Đã có nhiều ý kiến của xã hội, người làm trong ngành giáo dục về vấn đề này…
Qua lịch sử, học sinh thêm yêu quê hương đất nước. Trong ảnh: Học sinh về vùng đất Tổ- tỉnh Phú Thọ. |
Lịch sử ngày càng “teo tóp”?
Theo quan điểm của Bộ GD- ĐT, tầm quan trọng của môn Lịch sử trong dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” được thể hiện rất rõ, trước hết là vẫn tôn trọng những nội dung của môn học này và áp dụng bắt buộc tất cả mọi học sinh phải học từ cấp tiểu học, THCS cho đến THPT.
Trong dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” đã công bố, ở cấp THPT có đề cập đến môn học “Công dân với Tổ quốc”. Môn học này dựa trên 3 mạch nội dung lớn là: Giáo dục Công dân, Lịch sử và Quốc phòng- An ninh.
Điều này có nghĩa, không còn bộ môn có tên “Lịch sử” mà được thay bằng môn học “Công dân với Tổ quốc” và lịch sử chỉ là 1/3 kiến thức của môn học tích hợp.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, tuy quan điểm của Bộ GD- ĐT là quan trọng nhưng đã phần nào kéo môn Lịch sử ngày càng teo tóp. Giáo viên của một trường THPT chia sẻ: Trong những năm gần đây, rất ít học sinh chọn môn Lịch sử thi tốt nghiệp, tức là vị thế đã có những điểm yếu.
Nay cái tên chính cũng bị mất luôn trong chương trình, nếu không khéo sẽ càng khiến nhiều học sinh làm ngơ, bỏ ngỏ… Theo thầy Hiệu trưởng Đặng Hoàng Dũng- Trường THPT Vĩnh Long, bản thân môn Lịch sử không “có tội” mà là do cách dạy hiện còn cứng nhắc, không thu hút được học sinh. Do đó, phải làm thế nào để truyền đạt kiến thức môn Lịch sử có sức hấp dẫn, để các em học có đam mê và nhớ lâu.
Một nhà giáo đã về hưu ở huyện Long Hồ cho rằng, trong dự thảo, môn Lịch sử đã bị lẫn vào môn khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên, chỉ còn là môn chính thức đối với học sinh chọn ban khoa học xã hội.
“Trong khi tình hình hiện nay tỷ lệ lựa chọn môn Lịch sử trong nhóm học sinh phân ban khoa học xã hội rất ít, có trường hợp cả hội đồng chỉ coi thi 1 thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, có lo ngại là lớp trẻ mai sau, trừ một số ít những em chọn khoa học xã hội thì nhiều em sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử…”
Cần có thời gian và thận trọng triển khai
Đứng trước dự thảo của Bộ GD- ĐT về tích hợp môn Lịch sử, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ khó triển khai trong thực tế và kiến thức môn Lịch sử sẽ bị loãng so với kiến thức hiện tại.
Thầy Nguyễn Văn Mười- giáo viên môn Lịch sử (Trường THPT Lưu Văn Liệt) cho rằng, khi triển khai trong thực tế sẽ gặp một số khó khăn. Theo thầy, giáo viên hiện nay không thể đáp ứng được yêu cầu của môn dạy tích hợp.
Thậm chí, đối với kiến thức Lịch sử như hiện nay, một giáo viên chuyên ngành, chỉ dạy Lịch sử thôi cũng chưa thể nói chắc là truyền đạt hết kiến thức cho học sinh. Là học sinh giỏi môn Lịch sử, em Nguyễn Huỳnh Khánh Ngọc- học sinh lớp 11/3 (Trường THPT Lưu Văn Liệt) cho biết: “Em đã xem thử chương trình tích hợp lịch sử trên mạng và thấy lo lo vì em sợ khi tích hợp, kiến thức lịch sử sẽ ít hơn”.
Trong khi đó, đánh giá dự thảo tích hợp chưa phù hợp và có phần vội vã của Bộ GD- ĐT, một ý kiến khác cho rằng, nếu dự thảo là tích hợp các môn lại, nhưng hiện nay, chương trình đào tạo giáo viên sư phạm chưa thể cho ra những thầy, cô giáo dạy 2- 3 môn cùng một lúc. “Nếu tích hợp, Bộ GD- ĐTcần có lộ trình đào tạo. Đội ngũ giáo viên phải chắc, toàn diện và đủ trình độ dạy tích hợp. Có như thế mới tạo được lòng tin trước xã hội khi triển khai chương trình tích hợp trong tương lai”.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phước- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, tích hợp hay không tích hợp không quan trọng. Quan trọng là dạy làm sao, như thế nào để học sinh phải biết lịch sử nước nhà. Từ đó, có tình yêu Tổ quốc... Mới đây, theo nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, trong đó yêu cầu: Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN- CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin