Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã gây không ít tranh cãi.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã gây không ít tranh cãi.
Thí sinh làm bài thi môn Lịch sử. (Nguồn: TTXVN) |
Đặc biệt, không ít các chuyên gia về lịch sử đã phản ứng về việc tích hợp môn Lịch sử vào một số môn học khác và cho rằng, giới trẻ hiện nay đang thờ ơ với môn Lịch sử, nếu giáo dục lịch sử bị coi nhẹ sẽ dẫn đến việc học sinh không biết gì về lịch sử dân tộc.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Đỗ Ngọc Thống, môn Lịch sử tuy là môn tự chọn nhưng so với những môn học bắt buộc thì số lượng tiết học không hề ít hơn. Hiện nay, môn Lịch sử được sắp xếp là 1,5 tiết/tuần. Theo chương trình mới, học sinh sẽ học Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc (nếu 3 phân môn trong 3 tiết thì có thể là 1 tiết), trong môn Khoa học Xã hội có hai phân môn với 3 tiết, nghĩa là Lịch sử sẽ khoảng 1,5 tiết. Như vậy, học sinh sẽ được học khoảng 2,5 tiết/tuần kiến thức Lịch sử ở chương trình mới.
Nếu học sinh đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ là 4 tiết/tuần (học môn Công dân với Tổ quốc khoảng 1 tiết, môn Lịch sử 3 tiết). Với sự thay đổi như vậy, môn lịch sử không giảm thời lượng giảng dạy mà chỉ thay đổi về phương thức giảng dạy.
Hiện nay có những nhầm lẫn đối với nội dung chương trình phổ thông tổng thể khi cho rằng môn Lịch sử là môn học tự chọn thì học sinh có thể chọn hoặc không chọn, như vậy sẽ khiến môn học này bị lãng quên. Tuy nhiên, việc bố trí các nội dung giáo dục trong chương trình phải được xem xét trong tổng thể của toàn bộ chương trình và điều kiện của giáo dục, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Không chỉ có Lịch sử mà nhiều môn học khác cũng được xây dựng theo hướng tích hợp.
Môn Công dân với Tổ quốc là môn học bắt buộc, tuy không có tên môn Lịch sử nhưng tất cả học sinh đều bắt buộc phải học lịch sử có trong nội dung môn học này. Đồng thời, tất cả học sinh còn phải bắt buộc học Lịch sử trong môn Khoa học Xã hội (dành cho học sinh theo ngành Khoa học Tự nhiên và Công nghệ-Kỹ thuật) hoặc môn Lịch sử (có yêu cầu cao hơn cả về Kiến thức lịch sử và về Khoa học lịch sử, dành cho những học sinh định hướng nghề nghiệp sẽ làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến Khoa học lịch sử).
Ngoài ra, sẽ có một số chuyên đề tích hợp sâu và chủ yếu từ 3 phân môn như: Lịch sử kinh đô nước ta qua các triều đại, Chủ quyền biển đảo Việt Nam...
Như vậy, thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành nhưng kiến thức sẽ không bị chồng lấn mà sẽ hiệu quả hơn, phù hợp thực tế hơn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định chủ trương của Bộ Giáo dục là coi trọng việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học, cách trình bày các sự kiện, hiện tượng lịch sử, đánh giá, nhận xét… tránh ôm đồm và gây nặng nề, nhàm chán cho người học.
Khi môn Lịch sử được giảng dạy độc lập, một số nội dung sẽ bị trùng lặp với môn quốc phòng an ninh, môn giáo dục công dân...
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành khảo sát chương trình tại hơn 100 quốc gia và nhận thấy nước nào cũng coi Lịch sử là môn học cần thiết. Tuy nhiên, cách giảng dạy thì tùy thuộc vào điều kiện từng nước mà môn học được thiết kế khác nhau. Đa số các nước hiện nay, lịch sử được lồng ghép vào các môn khác để giúp học sinh biết vận dụng kiến thức tổng hợp.
Trước đây, cách giảng dạy cũ đề cao việc truyền tải kiến thức, nhưng việc đổi mới như hiện nay sẽ giúp học sinh hình thành phẩm chất năng lực ở mức cao hơn, đề cao năng lực cá nhân. Đây là yêu cầu quan trọng của công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục./.
Theo http://www.vietnamplus.vn/tich-hop-mon-lich-su-giam-ap-luc-chu-khong-giam-kien-thuc/354735.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin