Nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập gắng gượng tồn tại và chờ đợi cơ chế tuyển sinh "dễ thở" hơn.
Nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập gắng gượng tồn tại và chờ đợi cơ chế tuyển sinh “dễ thở” hơn.
Câu chuyện về những “Giảng viên bỗng dưng mất việc” do nhiều trường đại học, cao đẳng tuyển được quá ít sinh viên, việc đào tạo được chăng hay chớ. Những trường này cố gắng hoạt động cầm chừng, ngày càng chênh vênh bên bờ vực phá sản. Trong tình thế khó khăn, có trường buộc phải chuyển hệ đào tạo từ cao đẳng xuống bậc trung học phổ thông.
Một số trường khác cho thuê cơ sở hạ tầng, thiết bị giảng dạy để tránh lãng phí, hư hỏng… Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập gắng gượng tồn tại và chờ đợi cơ chế tuyển sinh“dễ thở” hơn trong mùa tuyển sinh sắp tới.
Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến các trường cao đẳng, trung cấp trong cả nước không tuyển được sinh viên do các trường đại học tuyển sinh nhiều đợt trong năm, thu hút lượng lớn học sinh phổ thông.
Không những vậy, các cụm thi Trung học phổ thông quốc gia liên tỉnh do các trường đại học chủ trì, thí sinh khó “lọt sàng xuống nia”.
Nhiều trường đại học “vét” thí sinh như “cào hến” thông qua phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập của học sinh trong 3 năm học phổ thông. Hơn nữa, trước đây, hệ cao đẳng cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo theo hướng nghiên cứu, chủ yếu học lý thuyết suông nên sinh viên ra trường khó tìm việc làm.
Theo ông Trần Công Chánh, với cách đào tạo như lâu nay thì sinh viên đại học cũng như sinh viên cao đẳng đều làng nhàng như nhau với mớ lý thuyết suông.
Ông Chánh cho rằng: “Nói “thừa thầy thiếu thợ” cũng không trúng. Thầy ở đâu mà thừa? Sinh viên tốt nghiệp ra trường sao gọi là thầy được, mà là mớ hàn lâm giáo điều ba phải thôi. Mà số đó thực sự ra gọi là lỡ thầy lỡ thợ. Nhưng bây giờ lấy đến 100 phần trăm vô đại học rồi”.
Trong khoảng 20 năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phát triển mạnh đã góp phần đáng kể vào việc đào tạo nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một thời gian dài, hầu hết các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đều chạy theo quy mô đào tạo, ít chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, có thời gian các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ngoài công lập ít chú trọng chất lượng, chạy theo quy mô quá mức.
Hậu quả là xã hội không tin các trường ngoài công lập, học sinh ra trường khó xin việc, kiến thức hạn chế, khả năng thực tế có nhiều khiếm khuyết. Không những vậy, hiện nay, các trường công lập tuyển sinh cũng vượt năng lực đào tạo. Chính các trường công lập cũng rơi vào bẫy chạy theo quy mô mà chưa quan tâm thỏa đáng đến chất lượng.
Ông Đào Trọng Thi đánh giá: “Đến thời điểm này, chất lượng đào tạo nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập kém, không được xã hội chấp nhận, rất nhiều phụ huynh, nhiều học sinh đã không lựa chọn các trường đại học ngoài công lập. Bởi vậy nên có tốt nghiệp cũng khó xin việc làm.
Thứ 2 là các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đương nhiên học phí cao hơn các trường đại học công lập. Cũng có một phần trong suy nghĩ của mọi người chưa coi trọng, chưa tin tưởng các trường ngoài công lập. Con đường tích cực nhất chính là các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phải tự cứu mình bằng cách tập trung để nâng cao chất lượng. Đấy là bước chuẩn bị tốt để lấy uy tín, lấy lại niềm tin của xã hội”.
Theo khảo sát của trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng, số thí sinh vào đại học mỗi năm giảm từ 10 đến 12%. Các trường cao đẳng, trung cấp ngày một bế tắc trong tuyển sinh. Vừa qua, nhiều trường cao đẳng đã “chạy” bằng mọi cách nâng lên đại học để tìm kiếm cơ hội mới khiến “chiếc bánh” sinh viên ngày càng bị chia nhỏ.
Cũng theo khảo sát của trường này, 3 năm qua, 100 trường đại học được thành lập theo hình thức nâng cấp từ trường cao đẳng. Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học Duy Tân thừa nhận rằng, việc đòi hỏi công bằng giữa trường công lập và ngoài công lập là không thể vì điểm xuất phát của 2 loại hình đào tạo cách nhau quá xa.
Dẫu vậy, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ vẫn khẳng định tương lai không xa, xu hướng trường ngoài công lập vẫn sẽ duy trì, phát triển và có thể vào top đầu nếu biết chọn cho mình hướng đi đúng: “Quá trình mở ra sẽ có quá trình thu lại. Có trường không tuyển được phải tự mình đóng cửa hoặc sáp nhập. Chủ trương này trong Luật Giáo dục đại học cũng có rồi. Đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh, anh tồn tại bằng chất lượng, có mấy yếu tố, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, môi trường đào tạo... được xã hội đánh giá và sử dụng”.
Thực tế cho thấy, hiện nay một số trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vẫn đứng vững chính là những trường có chất lượng đào tạo tốt, uy tín, chia sẻ được gánh nặng về áp lực học hành của xã hội. Chính các trường này là sự lựa chọn quan trọng của một tỷ lệ lớn sinh viên lực học yếu không vào được trường công lập. Theo ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì xu hướng thế giới hiện nay là tỷ lệ sinh viên trường ngoài công lập cao hơn sinh viên các trường công lập.
Ở những nước phát triển, những trường hàng đầu có chất lượng cao là trường ngoài công lập. Xu thế sau này, trường ngoài công lập là trường chất lượng cao, nhưng vừa rồi ở nước ta làm ngược lại vì quan điểm cho rằng trường ngoài công lập là trường chất lượng thấp.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tái cấu trúc mạng lưới trường đại học, cao đẳng nhằm quy hoạch, đáp ứng đào tạo nhân lực quốc gia sẽ tác động tới cả trường công lập và ngoài công lập.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc cấu trúc sẽ thu hẹp khối trường công, nhất là các trường chưa đảm bảo chất lượng, người học không lựa chọn. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến và trao đổi với các trường ngoài công lập để tìm giải pháp hỗ trợ các trường này duy trì, phát triển, cùng nhau thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học.
Kết quả mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 cho thấy, có một số trường cao đẳng ngoài công lập vẫn tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên, điểm chuẩn đầu vào khá cao ngay từ đợt đầu tiên. Đó là những trường có chất lượng đào tạo tốt, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao như trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng và một số trường Cao đẳng Sư phạm, Y tế khác...
Từ thực tế này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị:
“Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và các cơ sở đào tạo để bàn về các vấn đề nếu cần thiết thì chuyển đổi ngành đào tạo, hoặc chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu của các trường đại học lớn, có uy tín để các trường hỗ trợ nhau trong đào tạo. Nếu cần cũng phải sáp nhập, giải thể nếu điều đó là cần thiết để sử dụng hiệu quả nguồn lực và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu các cơ sở đào tạo kém chất lượng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, một mình ngành giáo dục khó có thể giải quyết được bài toán này”.
Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Đã có rất nhiều chính sách ưu tiên phát triển dành cho lĩnh vực này. Thế nhưng, hiệu quả, chất lượng giáo dục và đào tạo nước ta còn ở mức thấp. Những khó khăn mà các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước đang hứng chịu, nhiều người cho rằng đó là cơ chế tự đào thải của quy luật cạnh tranh khốc liệt.
Bởi một khi xã hội phát triển, đòi hỏi chất lượng đào tạo phải đi tiên phong trong quá trình hội nhập quốc tế. Và cũng chính việc “phổ cập” đại học tràn lan như thời gian qua, chất lượng đào tạo thấp, phương pháp đào tạo nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, nên nhiều sinh viên ra trường mà thầy không ra thầy, thợ cũng chưa ra thợ, dẫn tới thất nghiệp ngày càng cao như hiện nay.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 Khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” xác định rõ phải “Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”.
Mong sao, những trăn trở, băn khoăn và cả những chuyện “cười ra nước mắt” mà chúng tôi đề cập trong loạt phóng sự “Nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập: Đốt đuốc đi tìm sinh viên” không còn là nỗi lo của xã hội./.
Nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/nhieu-truong-dhcd-ngoai-cong-lap-dot-duoc-di-tim-sinh-vien-452139.vov
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin