Nhà giáo nói về nghề giáo

06:11, 18/11/2015

Mỗi nghề nghiệp đều có những nỗi niềm riêng, những vui buồn với nghề và nghề giáo cũng vậy. Hơn thế nữa, nghề giáo không chỉ dừng lại ở dạy chữ mà còn dạy người nên càng quan trọng và cao quý hơn. Nhân ngày 20/11- ngày Nhà giáo Việt Nam, hãy lắng nghe những sẻ chia của nhà giáo về nghề giáo.

Mỗi nghề nghiệp đều có những nỗi niềm riêng, những vui buồn với nghề và nghề giáo cũng vậy. Hơn thế nữa, nghề giáo không chỉ dừng lại ở dạy chữ mà còn dạy người nên càng quan trọng và cao quý hơn. Nhân ngày 20/11- ngày Nhà giáo Việt Nam, hãy lắng nghe những sẻ chia của nhà giáo về nghề giáo.

Thầy Nguyễn Văn Mười- nhà giáo ưu tú, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long)

Người thầy ngày nay đã có cuộc sống ổn định hơn, được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn và đời sống được nâng cao. Tuy nhiên, để sống trong lòng học trò, theo tôi cần có cái tâm nhà giáo. Thầy giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn phải truyền thụ kỹ năng sống, đạo đức cho các em. Về phần mình, tôi luôn cố gắng có những giờ Lịch sử nhẹ nhàng, dễ hiểu và thấm sâu nhất.

Tôi rất thương học trò hiện nay vì các em phải gánh một chương trình “giảm nhưng quá tải” với 37 tuần học, nhiều môn học và học thêm,… hết thời gian nghiên cứu, sáng tạo. Tôi không trách học trò, trách là trách xã hội và chính nhà trường, gia đình tạo cho các em những áp lực đó.

Nói về môn Lịch sử, việc lựa chọn môn học chính phụ sẽ gây ảnh hưởng đến môn Lịch sử là dĩ nhiên. Nếu một học sinh chọn học các môn chính là Toán, Văn, Anh văn, Vật lý thì các em có xem học môn này là đối phó không? Nếu tích hợp môn, nhiều giáo viên sẽ không bắt kịp những thay đổi, liệu tích hợp có hiệu quả?

Thầy Nguyễn Hồng Phước- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm

Làm nghề giáo phải có cái tâm, có lòng yêu thương học trò và không đặt nặng vấn đề kỷ luật. Giáo viên phải làm gương về mọi mặt cho học trò noi theo.

Tôi cho rằng kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có những thành công nhất định. Tuy nhiên, phải có giải pháp trong xét tuyển để phụ huynh và học sinh bớt vất vả. Theo ý của tôi, tôi muốn tỉnh tự tổ chức kỳ thi THPT, các trường ĐH, CĐ sẽ tự chủ thi hoặc xét tuyển tùy theo phương án tuyển sinh của từng trường.

Tôi là một giáo viên Toán, tuy nhiên, khi nói về tích hợp môn Lịch sử tôi cho rằng tích hợp vẫn phải đảm bảo vị trí vai trò môn Lịch sử, không thể để một công dân Việt Nam mà không biết lịch sử Việt Nam.

Băn khoăn lớn nhất của tôi là vấn đề giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Theo tôi, chúng ta cho học sinh ôn luyện theo một chương trình khung quá rộng, chưa bám sát đề. Bên cạnh đó, những giáo viên, học sinh giỏi quốc gia cần được tôn vinh và có chế độ chính sách khen thưởng hợp lý hơn để khích lệ tinh thần.

TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long

Với cương vị là một thầy giáo, tôi cho rằng lòng say nghề là rất quan trọng và nghề giáo gắn với tôi cả cuộc đời. Tôi dạy học trò có niềm đam mê học hỏi, sáng tạo như mình.

Với vai trò là hiệu trưởng trường ĐH, tôi luôn cố gắng bồi dưỡng những giảng viên yêu nghề, có năng lực và bản lĩnh thực sự. Đội ngũ là khâu quan trọng nhất. Nhà giáo cần có đạo đức, có kiến thức, có tâm huyết và trách nhiệm với học trò mình.

Tôi có may mắn là lãnh đạo một ngôi trường có truyền thống dạy tốt và học tốt. Và theo tôi, để duy trì, phát huy truyền thống này, phải truyền sự say mê của mình đến các đồng nghiệp.

Hiện nay, tôi còn băn khoăn về thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Thực tế, mới có thay đổi về hình thức, còn nội dung vẫn chưa thấy. Theo tôi, vấn đề này cần phải có định hướng, thay đổi đi vào chiều sâu và phải có sự thống nhất thì mới có thể đổi mới giáo dục được.

Cô Nguyễn Thị Hoài Tâm- giáo viên Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng (TP Vĩnh Long), Viên phấn vàng năm 2015

15 năm gắn với nghề, với các bé tôi quen rồi, không thấy gì là khó, chỉ cần cái tâm với nghề yêu trẻ là làm được thôi. Với tôi, những cái ôm đầu tiên, cái vỗ vai nhè nhẹ trấn an những ngày đầu đi học là rất cần để các bé yêu cô, phụ huynh thêm tin tưởng. Mình yêu các cháu, các cháu sẽ yêu và nghe lời cô, đơn giản có vậy. Tôi có xem những clip bạo lực trên mạng và không khỏi tái mặt, rồi tôi nhủ thầm: “Chỉ có những cô chưa qua đào tạo và không yêu nghề mới có những hành động đó”.

Có 8 năm tôi dạy học ở Mang Thít, do đó, tôi hiểu hơn về hoàn cảnh sống của giáo viên vùng sâu và giáo viên hợp đồng. Tôi mong muốn cần có chế độ chính sách nhiều hơn với giáo viên vùng sâu và giáo viên hợp đồng để các cô yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

CAO HUYỀN (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh