"Thành công của học trò là nguồn động viên chúng tôi"

06:11, 20/11/2015

Trong khó khăn, các thầy cô vẫn bám với nghề bằng cái tâm, cái tình rồi từ đó càng phấn đấu hơn để dạy tốt cho trò học tốt. Mọi rào cản dường như không ngăn được con thuyền tri thức mà cô thầy vun đắp cho học trò. 

Trong khó khăn, các thầy cô vẫn bám với nghề bằng cái tâm, cái tình rồi từ đó càng phấn đấu hơn để dạy tốt cho trò học tốt. Mọi rào cản dường như không ngăn được con thuyền tri thức mà cô thầy vun đắp cho học trò.

Năm tháng trôi qua, nhưng hình ảnh người thầy mãi đẹp, nghề giáo mãi là nghề cao quý và được tôn vinh.

Giờ Địa lý của thầy Nguyễn Anh Dũng bao giờ cũng thu hút học viên.
Giờ Địa lý của thầy Nguyễn Anh Dũng bao giờ cũng thu hút học viên.

Từ chữ “tâm”

Trong những năm đầu sau khi đất nước giải phóng, nhà giáo phải đối diện với nhiều khó khăn gian khổ vì đồng lương “ba cọc, ba đồng”.

Tuy nhiên, với tình yêu nghề, các thầy cô vẫn bám trụ và vượt qua bao khó khăn thử thách. Thầy Nguyễn Anh Dũng- giáo viên dạy Địa lý, Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long kể về thời mình đi dạy vào năm 1983 với tiền lương 60 đồng mỗi tháng. Thầy Dũng cười: “Trong đó 35 đồng đóng tiền ăn, số tiền còn lại chỉ sinh hoạt được 2 tuần”.

Để trang trải cuộc sống và để bám nghề, thầy Dũng phụ vợ làm thêm nghề may. “Có những lúc khó khăn, túng quẫn nhưng cái nghiệp nó đã đeo mình, thương học trò không thể nào bỏ được. Vậy thì ráng thức khuya dậy sớm để làm thêm nghề phụ nuôi nghề chính vậy”- thầy Nguyễn Anh Dũng nhìn xa xăm.

Đối với cô Vinh Thị Cẩm Vân- giáo viên Trường Mầm non Tân Mỹ (Trà Ôn) thì việc làm cô giáo mầm non đến như một cái duyên và cô gắn với nghề bằng lòng yêu trẻ. Nhớ năm đầu tiên ra trường về ấp Cần Thay với hơn 90% hộ dân tộc Khmer, cô cười: “Tôi cũng người Khmer, mà khi nhận một lớp có 3 độ tuổi 3, 4, 5 thấy… bỗng dưng muốn khóc”.

Rồi mình mến học trò lúc nào không hay, không biết: “Thương lắm, có những em đi học một mình, đầu cổ chân tay lấm lem bùn đất. Có em không được đội nón đi học, đến trường còn nghe mùi nắng khét”. Vậy là cô gắn với học trò ở đây suốt 8 năm vì “thương quá, không bỏ được, mình quyết tâm thay đổi nhận thức của bà con mình về việc học mầm non”.

Lương thử việc của cô ngày ấy chỉ hơn 800.000 đ/tháng vậy mà cô sẵn lòng ủng hộ các em mua dụng cụ học tập, học phí vì “nhiều phụ huynh không chịu cho con đi học vì không có tiền đóng…”.

Nhớ về những ngày đầu khi mới phân công về Trường THPT Trà Ôn (huyện Trà Ôn), cô Đặng Thị Phương Tâm- nay là giáo viên môn Địa lý của Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm như chính mình đang tự quay về với những ngày tháng gian khó.

Cô nhớ, lúc đó đi dạy rất khó khăn, mỗi lúc đi dạy bằng đò thì học trò phải đỡ lên, mỗi khi nước cạn thì xắn quần lội bùn lấm lem. Đồng lương của giáo viên còm cõi cũng khiến nhiều người bỏ nghề. Nghĩ lại, cô cũng tự hỏi mình lấy niềm tin ở đâu mà đeo bám nghề, để theo đuổi ước mơ dạy học.

 “Từ Trường THPT Trà Ôn, rồi chuyển về THPT Bán công Vĩnh Long, nay là Trường THPT Vĩnh Long, rồi về Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Biết bao lần chuyển đổi, từ những ngày đầu khó khăn, gian nan đã cho cô nhiều nghị lực. Trong đó, tình yêu nghề là một động lực rất lớn, để cô theo đuổi nghề cho đến tận hôm nay…”- cô nói.

Tất cả vì học sinh

Vừa được vinh danh “Viên phấn vàng”, cô Vinh Thị Cẩm Vân xúc động kể: “Phụ huynh quý mình lắm, năm mình được dời ra điểm chính dạy, phụ huynh trong ấp cùng nhau làm một tờ đơn xin được giữ cô lại điểm lẻ Cần Thay”.

Cô cười: “Cái chính là tạo được lòng tin cho phụ huynh, phải thương và chăm sóc các cháu hết lòng. Còn đối với cách dạy thì mỗi độ tuổi khác nhau cần có cái tầm khác nhau, nên cùng một trò chơi nhưng phải phân tầng nhận thức cho phù hợp: bé 3 tuổi biết gì, 4 tuổi làm được gì,…”.

Cô còn nổi tiếng với việc làm đồ dùng dạy học đạt nhiều giải thưởng. Trong đó, có giải thưởng của Bộ GD- ĐT và giải thưởng sáng tạo Trần Đại Nghĩa. Hàng trăm món đồ chơi trong lớp được cô Vân làm bằng những dụng cụ có sẵn ở quê như ngó bần, mù u, dừa khô vừa gần gũi, vừa tiết kiệm cũng đủ nói lên lòng yêu nghề mến trẻ của cô giáo Vinh Thị Cẩm Vân.

Hiểu và gần gũi với học trò là cách mà cô Đặng Thị Phương Tâm truyền đạt kiến thức hiệu quả cho các em.
Hiểu và gần gũi với học trò là cách mà cô Đặng Thị Phương Tâm truyền đạt kiến thức hiệu quả cho các em.

Bằng cả tấm lòng của người thầy giáo, thầy Nguyễn Anh Dũng cũng vừa mới được trao tặng danh hiệu “Viên phấn vàng”. Thầy là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền và rất được học viên yêu mến. Ngay từ những năm 1980, thầy đã sưu tầm những hình ảnh trên báo cho tiết học sinh động hơn.

Thầy Dũng cười: “Bây giờ thì các em được học trực quan sinh động hơn rồi, vì có công nghệ”. Để tiết học gần gũi hơn với các em, thầy có cách dạy nhẹ nhàng đi từ thấp đến cao và phân hóa theo từng đối tượng cụ thể.

Đền đáp công ơn của người thầy là những học sinh chịu khó học tập, cô Đặng Thị Phương Tâm xem những thành quả của những học trò mà cô dạy như là những phần thưởng cao quý.

Những năm gần đây, học trò của cô đạt rất nhiều giải thưởng tỉnh lẫn toàn quốc, như: Năm học 2010- 2011 có 1 học sinh giỏi quốc gia với giải ba, năm học 2011- 2012 có 3 học sinh giỏi Olympic 30/4, năm học 2012- 2013 có học sinh giỏi quốc gia đạt giải ba, mới đây năm học 2014- 2015 có học sinh trong đội tuyển cô ôn tập đạt giải khuyến khích quốc gia…

“Người giáo viên như người lái đò, chỉ mong học trò của mình là những hành khách được cập bến vinh quang. Những thành công của học trò bao thế hệ qua, như góp sức, là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn để những người thầy, người cô tiếp tục trong sự nghiệp trồng người…”- cô Đặng Thị Phương Tâm tâm sự.

 

Trong năm 2015, Sở GD- ĐT Vĩnh Long trao tặng danh hiệu “Viên phấn vàng” cho 36 giáo viên. Trong đó, khối mầm non có 4 giáo viên, khối tiểu học có 8 giáo viên, khối THCS 11 giáo viên, khối THPT có 12 giáo viên và GDTX có 1 giáo viên. Giáo viên được tặng danh hiệu “Viên phấn vàng” phải là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, đạt chuẩn nghề nghiệp xuất sắc, có nhiều sáng kiến cải tiến trong chuyên môn.

 

Bài ảnh: HUYỀN DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh