Đây là ngôi trường dạy nghề đầu tiên ở Vĩnh Long. 55 năm qua, toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên trường đã nỗ lực phấn đấu không ngừng để khẳng định một thương hiệu trường nghề của vùng, với mục tiêu vươn xa trong nước và quốc tế.
Năm 1960, Trường Kỹ thuật Vĩnh Long tiền thân của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long ngày nay được thành lập.
Đây là ngôi trường dạy nghề đầu tiên ở Vĩnh Long. 55 năm qua, toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên trường đã nỗ lực phấn đấu không ngừng để khẳng định một thương hiệu trường nghề của vùng, với mục tiêu vươn xa trong nước và quốc tế.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long hôm nay. |
Hình thành và phát triển
Từ năm 1961- 1975, Trường Kỹ thuật Vĩnh Long đào tạo bậc Trung học kỹ thuật- Toán và Trung học kỹ thuật chuyên nghiệp cho học sinh các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngoài việc học văn hóa theo từng khối ngành, học sinh của trường còn được học các môn kỹ thuật như ôtô, máy dụng cụ, kỹ nghệ sắt, kỹ nghệ gỗ, may mặc, nữ công,…
Sau ngày đất nước giải phóng, Trường Kỹ thuật Vĩnh Long có tên gọi mới là Trường Giáo viên dạy nghề Cửu Long. 217 giáo sinh đầu tiên đến từ rất nhiều vùng trong cả nước và có cả những người mới về từ chiến trường.
Đến năm 1978, Trường Giáo viên dạy nghề Cửu Long đổi tên thành Trường Sư phạm Kỹ thuật IV. Giai đoạn này, trường được tiếp nhận và đưa vào khai thác có hiệu quả các thiết bị do Liên Xô tài trợ đào tạo thí điểm giáo viên dạy nghề hệ CĐ.
Không chỉ có bề dày đào tạo, trước giải phóng, trường còn là lá cờ đầu trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, có rất nhiều cựu học sinh trường còn tham gia kháng chiến. Ông Nguyễn Văn Trọng- người dẫn đầu phong trào học sinh, sinh viên trong trường- cho biết: “Chúng tôi ngày đó vừa học nghề vừa chiến đấu và chúng tôi vinh dự là người cắm cờ giải phóng tại Trường Sư phạm Kỹ thuật này”.
Trong những học trò của trường, có TS. Cao Hùng Phi- hiện là Hiệu trưởng trường và ông Hồ Hữu Chấn- Trưởng Khoa Cơ khí động lực vẫn gắn bó với trường cho đến hôm nay.
Thầy Hồ Hữu Chấn hào hứng kể: “Tôi học ở đây từ năm 1984, chung lớp với anh Phi. Ngày đó, trường có 5 dãy phòng thực hành, 3 phòng hiệu bộ và một dãy phòng học thôi. Nay thì, trường đã phát triển hơn xưa nhiều”- ông cười, nói thêm- “Nói vậy không có nghĩa là trường ta ngày xưa thiếu thốn, thô sơ đâu, so với các trường khu vực thời đó ta đã được đầu tư cơ sở vật chất khá tốt rồi. Nếu so với cái ngày nay thì không bằng thôi”.
Ông Cao Hùng Phi nhớ lại những ngày đầu rời quê ở Bình Thuận vào đây học mà không có một món hành lý nào. Ông nói vui: “Ngày đó, tôi đã đậu y khoa nhưng mê học nghề nên vào đây. Học thử 1 tuần thấy êm, vậy là tôi nhờ người nhà gửi hành lý vào đây, học luôn và gắn luôn với trường cho đến hôm nay”.
Năm 1997, trường được nâng cấp thành Trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật IV, sau đổi thành Trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Đặc biệt, đến ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.
|
Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long: “Quy mô và tốc độ phát triển của trường không ngừng được nâng lên. Trường đã đào tạo được nguồn nhân lực khá lớn cho khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng với hơn 17.500 giáo sinh ra trường, công tác ở nhiều lĩnh vực”. |
Đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu
Trong 55 năm xây dựng và phát triển, đã có những lúc không như ý khi tuyển sinh gặp khó khăn. Nhiều năm liền, học sinh quay lưng với trường nghề bởi tâm lý thích làm thầy hơn thợ,… Tỷ lệ tuyển sinh có năm chỉ hơn 60%. Trước hoàn cảnh đó, tập thể sư phạm nhà trường cùng quyết tâm vượt khó, lấy chất lượng đào tạo đặt lên hàng đầu là thương hiệu cho trường.
TS. Cao Hùng Phi nói: “Tôi luôn cho rằng lực lượng giảng viên là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của nhà trường. Giảng viên giỏi, say nghề thì mới dạy tốt và trò học tốt, nhờ đó chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên”.
Năm 2014, trường được Bộ GD- ĐT và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho phép mở 6 ngành ĐH, 8 ngành CĐ và 18 ngành CĐ nghề. Năm 2015, trường có 8 ngành ĐH, 25 ngành nghề đào tạo CĐ. Từ những ngày đầu thành lập với khoảng 10 giáo viên dạy nghề, nay, trường có 197 giảng viên cơ hữu, trong đó, có 15 tiến sĩ và 109 thạc sĩ.
Chất lượng đào tạo là khâu đột khá để trường vươn lên, mặc dù theo nhiều người thì để đầu tư cho chất lượng phải tốn nhiều thời gian và công sức. Những năm gần đây, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long luôn tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu. Khoa Cơ khí động lực có thể xem là tiêu biểu cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.
Trong đó, công nghệ kỹ thuật ôtô ngành là mũi nhọn. Ông Hồ Hữu Chấn- Trưởng khoa- nhớ như in những con số sinh viên: “Năm 2015 nhé, tuyển vượt 12% so với chỉ tiêu, chỉ tính riêng ngành công nghệ kỹ thuật ôtô đã có 224 tân sinh viên rồi. Hiện tại và tương lai, chúng tôi muốn ngành này vươn tầm ra khu vực ASEAN”.
|
Ông Huỳnh Hoàng Việt- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Đồng Tháp: “Hầu như tất cả các trường đào tạo nghề của khu vực ĐBSCL hiện nay đều tiếp nhận phần lớn những sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long về để phục vụ trong công tác giảng dạy… Sinh viên tốt nghiệp của trường đáp ứng tốt yêu cầu của các trường, các cơ sở đào tạo nghề”. |
Khẳng định thương hiệu
Có nhiều công ty, doanh nghiệp lớn đã tự động tìm đến trường để tuyển dụng trực tiếp hàng trăm sinh viên như: Công ty CP Lắp máy Lilama, Công ty Toyota Ninh Kiều, Công ty TNHH Thang máy- kỹ thuật điện HISA,… Điều này, chứng tỏ thương hiệu “Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long” đã được nhiều người biết đến.
Nhiều cựu sinh viên nay đã thành công và không quên những ngày tháng được học tập trong ngôi trường này. Ông Điền Hòa Tâm- cựu Giáo sinh của Trường Sư phạm Kỹ thuật IV, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí- Thương mại- Xây dựng Mười Tâm (TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi được học tập trong ngôi trường này không chỉ vì kiến thức, kỹ năng mà còn vì lòng yêu nghề, quyết tâm làm ra những sản phẩm tốt nhất cho xã hội”.
Có những học sinh đậu ĐH Quốc gia vẫn xin theo học tại trường. Đó là trường hợp của 2 tân sinh viên ngành công nghệ chế tạo máy 2015. Em Nguyễn Khắc Duy và Nguyễn Cao Kỳ- cựu học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, đạt giải III Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2015. Khắc
Duy cười tươi kể: “Sau 1 tháng học tập, em thấy quyết định của mình là đúng”. Đối với Nguyễn Cao Kỳ thì việc bỏ ĐH Quốc gia học ở Vĩnh Long cũng bị gia đình gây áp lực không nhỏ. “Ngay tuần học chính khóa đầu tiên, em đã được học thực hành, em thấy rất… đã. Vì em thích được thực hành nhiều. Em sẽ cố gắng học tốt và thành công trên con đường mình chọn”- Kỳ tự tin.
Là doanh nghiệp sử dụng lao động là học sinh, sinh viên của trường, ông Điêu Ngọc Huấn- Giám đốc Công ty VICACAP nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng sinh viên được đào tạo từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long có thể đáp ứng được nhu cầu công việc hiện tại của nhà máy”.
Vững nghề, sáng tương lai. |
Theo Quyết định 1446/QĐ- LĐTBXH vào ngày 7/10/2015 về định hướng phát triển Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long giai đoạn năm 2015- 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu:
Phát triển Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long thành trường ĐH đa ngành, đa cấp trình độ và đa hệ đào tạo ngang tầm các trường ĐH lớn trong cả nước và tiếp cận trình độ khu vực Đông Nam Á; là cơ sở trọng điểm đào tạo giáo viên dạy nghề và lao động kỹ thuật cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế về đào tạo giáo viên dạy nghề cho khu vực ĐBSCL.
Bà Nguyễn Thị Hải Chuyền- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng: “Trường là một trong những trường có uy tín trong khu vực. Cơ sở vật chất tương đối đầy đủ hiện đại, giáo viên có trình độ cao. Trường phải thể hiện vai trò vị trí của mình trong hệ thống dạy nghề khu vực ĐBSCL, góp phần thực hiện thành công “Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011- 2020”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin