Trước tình hình tuyển sinh khó khăn của các trường chuyên nghiệp trong tỉnh Vĩnh Long, vừa qua, Sở GD- ĐT Vĩnh Long tổ chức lấy ý kiến các trường. 2 từ "bi đát" được lãnh đạo nhiều trường diễn tả kỳ tuyển sinh năm nay, đặc biệt là hệ CĐ.
Trước tình hình tuyển sinh khó khăn của các trường chuyên nghiệp trong tỉnh Vĩnh Long, vừa qua, Sở GD- ĐT Vĩnh Long tổ chức lấy ý kiến các trường. 2 từ “bi đát” được lãnh đạo nhiều trường diễn tả kỳ tuyển sinh năm nay, đặc biệt là hệ CĐ.
Mùa tuyển sinh 2015, các trường đều khó khăn, đặc biệt là hệ CĐ. |
“Bi đát”
Nếu như các năm trước CĐ đã khó tuyển sinh thì năm 2015 hệ CĐ càng khó chồng thêm khó. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long Nguyễn Cao Đạt nói: Chúng tôi đã dùng hết cách rồi, tôi cũng không biết là thí sinh đã đi đâu? Trường ĐH Cửu Long tuyển được hơn 800 thí sinh cho cả 2 hệ CĐ và ĐH, chỉ đạt hơn 30% chỉ tiêu. Ông chua xót: “Có 8 ngành CĐ nhưng chỉ tuyển được 10 sinh viên”.
Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng mới tuyển được gần 60% chỉ tiêu. Trong đó, chủ yếu là hệ ĐH đạt hơn 72%. Riêng hệ CĐ, mới tuyển được 70 sinh viên, chỉ đạt khoảng 23%.
Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long chỉ tuyển sinh được 50% (khoảng 300 sinh viên CĐ). Theo Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long Trần Thanh Tùng thì việc tuyển sinh hệ CĐ khó khăn là tình hình chung của cả nước.
Ông cho rằng: CĐ sở dĩ khó tuyển sinh là do Thông tư 55/2012 quy định về liên thông, nay dù thông tư đó đã được sửa đổi nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài và không nhiều phụ huynh, học sinh biết được những sửa đổi này.
Cũng theo ông: “Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như một “cú đấm” CĐ và mở rộng cửa cho ĐH. Quy chế tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng học bạ chỉ cần 6,0 điểm trung bình đã vào được ĐH thì CĐ làm sao tuyển sinh? Tôi đoán năm sau tình hình càng khó khăn hơn”.
Trường CĐ Kinh tế- Tài Chính Vĩnh Long càng khó khăn hơn khi mới tuyển được gần 30% chỉ tiêu. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đức Vinh cho rằng “đã hết cách rồi”. Vì thí sinh không tăng nhưng số lượng trường, ngành nghề, chỉ tiêu đều tăng thì làm sao đủ cho các trường? Nếu bây giờ chúng tôi tuyển ít đi hoặc cắt ngành thì đến khi cần, khi kinh tế phục hồi sẽ thiếu nhân lực?
Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long Phạm Hùng Dũng dùng 2 từ “bi đát” để nói về tình hình chung. Năm 2015, trường này chỉ tuyển sinh được 2 ngành giáo dục mầm non và quản trị văn phòng: “Mọi năm, chúng tôi còn tuyển được 2 ngành ngoài sư phạm nay chỉ có 1 ngành với khoảng 20 em”- ông thở dài- “Cứ như thế này thì các trường CĐ chết. Thử nghĩ, giữa học CĐ trong trường CĐ và học CĐ trong trường ĐH thì người ta sẽ chọn học CĐ trong trường ĐH thôi. Ít ra khi ai hỏi, tôi cũng nói được là con tôi học trường ĐH gì đó”.
Liên kết để phát triển
Để khắc phục những khó khăn trong tuyển sinh, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long Phạm Văn Hồng cho rằng: “Chất lượng là yếu tố then chốt”. Một khi các trường khẳng định được chất lượng thì sẽ không lo chuyện tuyển sinh và muốn thực hiện điều này cần có thời gian và quyết tâm lớn. Trước mắt, các trường ở Vĩnh Long sẽ tăng cường liên kết lẫn nhau để phát triển toàn diện hơn.
Qua thực tế đào tạo ở Trường ĐH Cửu Long, ông Nguyễn Cao Đạt cho rằng: “Sự phối hợp và quan tâm của các ban ngành trong tỉnh là rất quan trọng cho sự phát triển. Tôi nghĩ các trường trong tỉnh cần tăng cường sự hợp tác với nhau, nhất là các trường cùng ngành nghề đào tạo, chúng ta có thể liên kết để sử dụng chung: phòng thí nghiệm, phòng thực hành, giảng viên,…”
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây Nguyễn Văn Xuân cũng đồng tình với việc liên kết. Ông cho biết: “Trường chúng tôi có đội ngũ cán bộ giảng viên hùng hậu với 14 tiến sĩ, 116 thạc sĩ (trong đó có 8 nghiên cứu sinh), chúng tôi cũng có phòng thí nghiệm chuyên ngành hơn 200 tỷ đồng”.
Thời gian sắp tới, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long cũng muốn mở thêm ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội, ví dụ như ngành sư phạm mầm non. Ông Trần Thanh Tùng nói: “Khi thực hiện Thông tư 06 của Bộ GD- ĐT, tỉnh Vĩnh Long còn thiếu giáo viên mầm non. Hơn thế nữa, trường đào tạo thí sinh trong cả nước và các em ra trường có thể đi dạy ở các tỉnh khác, tỉnh Vĩnh Long không sợ thừa nhân lực ngành này”- ông giải thích.
Về công tác tư vấn tuyển sinh, khâu rất quan trọng và nhiều lãnh đạo trường mong muốn Sở GD- ĐT Vĩnh Long sẽ đứng ra chủ trì công tác này. Các trường ĐH Cửu Long, ĐH Xây dựng Miền Tây, CĐ Sư phạm muốn sở chủ trì và tổ chức các trường đi tư vấn theo khu vực trong tỉnh. Việc tư vấn này sẽ giúp các trường tiết kiệm chi phí và trường phổ thông cũng không mất thời gian cho học sinh tiếp xúc từng trường.
Qua thực tiễn công tác tuyển sinh ở các trường, có thể nhìn thấy bức tranh chung khá ảm đạm. Trong đó, khâu tư vấn tuyển sinh là rất quan trọng, đặc biệt với những đổi mới gần đây thì ngoài tư vấn chọn ngành, Sở GD- ĐT Vĩnh Long cần tư vấn thêm về cách thức xét tuyển cho thí sinh. Việc tổ chức tư vấn ồ ạt, tập trung nhiều học sinh lại 1 điểm xem ra vẫn còn nhiều bất cập và không ít em “tư vấn xong cũng không biết gì”. Thiết nghĩ, tư vấn tuyển sinh phải làm theo chiều sâu phải cho các em nhìn tận mắt, nghe tận tai thì mới hiệu quả được.
Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long Trương Thị Bé Hai Theo quy chế mới về việc tự chủ ở các trường CĐ, ĐH, Nhà nước sẽ không cấp kinh phí dựa trên biên chế mà dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh. Do đó, các trường tuyển sinh càng khó khăn thì kinh phí càng thấp. Do đó, trước hết các trường phải tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014 của Chính phủ. Các trường phải liên kết sử dụng chung nguồn lực, cơ sở vật chất lại với nhau để tiết kiệm chi phí. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin