Ban Giám hiệu nhận trách nhiệm "khắc phục hậu quả"

06:10, 28/10/2015

Sau hơn một tháng loay hoay tìm cách "gỡ rối"chuyện một học sinh lớp 4 "không biết đọc", Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Lược B (Bình Tân) đã đứng ra nhận trách nhiệm bổ trợ lại những kiến thức bị hổng cho học sinh này.

Sau hơn một tháng loay hoay tìm cách “gỡ rối”chuyện một học sinh lớp 4 “không biết đọc”, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Lược B (Bình Tân) đã đứng ra nhận trách nhiệm bổ trợ lại những kiến thức bị hổng cho học sinh này.

Đầu năm học 2015- 2016, giáo viên lớp 4/2- Trường Tiểu học Tân Lược B phát hiện em N.T.P “không biết đọc”, đã đề nghị Ban Giám hiệu đưa P. trở xuống lớp dưới học lại những kiến thức bị hổng, nhưng các phương án đưa ra đều không hiệu quả.

Sau khi tiếp nhận thông tin trên, chúng tôi tìm đến nhà em N.T.P. ở ấp Tân Long (xã Tân Lược- Bình Tân) đúng lúc P. vừa tan giờ học buổi sáng. Ông Nguyễn Văn Bảy (cha P.), cho biết: “Giờ này, P. về ăn cơm, gần 2 giờ chiều trở vô trường học tiếp. Vợ chồng tui ít học, lại đi làm thuê suốt nên chuyện học hành của P. giao cho chị kế nó đang học lớp 5 chỉ dạy”.

Những dòng chữ sai be bét chính tả của em P.
Những dòng chữ sai be bét chính tả của em P.

Sau một hồi bắt chuyện làm quen với P., chúng tôi cho P. đọc vài câu ngẫu nhiên trong quyển Kỹ thuật lớp 4 nhưng phải mất một lúc lẩm bẩm đánh vần, P. mới có thể phát âm từng chữ như học sinh mẫu giáo mới vào lớp 1. Chúng tôi đưa giấy bút và đọc thật chậm cho P. viết lại những câu P. vừa đọc thì em lại lúng túng không nhận ra, nên sai chính tả rất nhiều. Thậm chí, tên trường, tên vở ghi trên giấy nhãn P. học hàng ngày nhưng khi viết lại vẫn không “tròn từ, rõ nghĩa”.

Khi được hỏi “có biết P. học yếu thế không?”, mẹ P. buồn rầu, chia sẻ: “Chị kế nó học trên một lớp, năm nào cũng có giấy khen nên vợ chồng tui giao mỗi tối phải chỉ bài cho em. Hồi nhỏ, P. bị xe đụng trúng đầu, tui nghĩ nó bị ảnh hưởng học không giỏi bằng chị thôi chứ đâu ngờ tệ vậy. Đầu năm học, ở trường có mời gia đình lên cho hay P. học yếu lắm, về nhà phải kèm thêm nhưng tui với ba nó biết gì mà dạy? Nhà lại nghèo phải lo ăn từng bữa nên nghe vậy tui chán lắm. Hổm rày tính cho nó nghỉ luôn nhưng thấy con còn nhỏ, nghỉ học sớm cũng tội”.

Rõ ràng với “lỗ hổng” kiến thức như thế và với quan niệm “học chỉ để biết viết, biết đọc” nên thiếu quan tâm, chỉ dạy của gia đình thì chuyện bỏ học với P. chỉ là thời gian.

P. phải đánh vần mới đọc được chữ.
P. phải đánh vần mới đọc được chữ.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của P., thầy Lê Văn Triệu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lược B, thừa nhận: “Sai sót này được chúng tôi đưa ra rút kinh nhiệm trong toàn trường tránh chạy theo thành tích mà vấp phải trường hợp tương tự. Hơn một tháng nay, sau khi giáo viên lớp 4/2 báo cáo chuyện của em P., chúng tôi cho P. buổi sáng học chương trình lớp 4, chiều trở xuống lớp 3 nhưng do kiến thức của P. bị hổng quá nhiều nên cách này không hiệu quả. Chúng tôi cũng có tính đến chuyện đưa P. xuống lớp 1 học lại từ đầu nhưng sợ P. học chung với các em nhỏ mắc cỡ rồi bỏ học. Do đó, từ ngày 16/10/2015, chúng tôi thống nhất phương án là buổi sáng P. vẫn học lớp 4 nhưng chiều lên thư viện, tôi hoặc thầy Hiệu phó Bùi Hữu Duyên và cán bộ thư viện sẽ trực tiếp dạy lại cho P. cách viết, đọc Tiếng Việt”.

Hiện cậu bé 10 tuổi này đang căng sức ra học các bài học của chương trình lớp 4 theo kiểu đối phó như: chính tả được cô cho nhìn sách viết lại, toán không đọc được câu lệnh nên “làm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”,… nhưng khi chúng tôi hỏi “xuống lớp 1 học lại nhé” thì P. lắc đầu “không chịu”. Hy vọng, cách “khắc phục hậu quả” mà Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Lược B vừa đưa ra sẽ giúp P. lấy lại được những kiến thức căn bản cần thiết để em không phải bỏ học nửa chừng vì chán.

Bài, ảnh: NGÂN- PHONG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh