Mặc dù số lượng tác phẩm tham gia dự thi giảm so với lần thi trước, song lại có nhiều tác phẩm được đánh giá cao, gần gũi với thực tế
[links()]
Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ IV, năm 2014- 2015 vừa kết thúc. Mặc dù số lượng tác phẩm tham gia dự thi giảm so với lần thi trước, song lại có nhiều tác phẩm được đánh giá cao, gần gũi với thực tế, đặc biệt là các học sinh tham gia đã thể hiện rõ tinh thần “tuổi nhỏ, ý tưởng lớn” của mình…
Em Thạch Thị Kim Thoa bên máy cắt cỏ đạt giải nhì của mình. |
Ươm mầm sáng tạo
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Long Trương Quang Phú, từ khi phát động cuộc thi, BTC đã ghi nhận những cách làm hay, hiệu quả, nhân rộng điển hình, kinh nghiệm tổ chức, trải nghiệm trong thao tác kỹ thuật quý giá của các trường, phòng GD- ĐT, trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện- thị- thành. “Bằng sự tâm huyết với thế hệ trẻ, bằng tấm lòng yêu học sinh của thầy cô, của cán bộ Đoàn, tổng phụ trách và các nhà quản lý giáo dục đã góp phần cho cuộc thi thành công tốt đẹp”.
Nhìn chung, số lượng tác phẩm tham gia lần này thấp hơn nhưng vẫn có nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Cụ thể, BTC đã nhận được 8.776 tác phẩm, giảm 1.483 tác phẩm. Cấp huyện có 1.006 tác phẩm, dự thi cấp tỉnh có 126 tác phẩm. Các tác phẩm tham gia ở tất cả lĩnh vực. Kết quả có 34 tác phẩm đạt giải cấp tỉnh.
Theo Ban thư ký cuộc thi, có nhiều nguyên nhân cốt lõi cho sự thành công từ thực tế không chỉ lần này mà còn ở các lần sau như: giao chỉ tiêu cụ thể cho lớp, trường, có định hướng từng lĩnh vực; phát triển năng khiếu, hỗ trợ và ươm mầm sáng tạo; gắn với thi đua, tôn vinh và vinh danh,… Từ đó, nhiều tác phẩm dự thi ở mỗi cấp được hoàn thiện hơn, tính thực tế và ứng dụng cao.
“Tuổi nhỏ, ý tưởng lớn”
Nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi xuất phát từ thực tế, có tính ứng dụng cao. |
Tác phẩm đạt giải nhất cuộc thi “Gậy đa năng” của nhóm tác giả, do em Nguyễn An Bình- học sinh lớp 11A1 (THPT Trà Ôn) được nhiều ý kiến đánh giá cao, có tính thực tế ứng dụng. Em Nguyễn An Bình cho biết, ý tưởng của nhóm xuất phát từ việc những ông, bà lớn tuổi trong gia đình hoặc cụ già, người bệnh tật,… ở nông thôn gặp khó khăn trong di chuyển. Gậy đa năng là sự kết hợp chiếc gậy bình thường với đèn chiếu sáng vào ban đêm, chiếc dù nhỏ dành cho những ngày mưa hay nắng gắt, có âm thanh báo hiệu… “Tác phẩm tuy đơn giản nhưng rõ ràng sẽ giúp ích được cho rất nhiều người lớn tuổi. Có nó, ông bà lớn tuổi sẽ không sợ đi đêm, không sợ ngày mưa, cũng không sợ khi bị té sẽ không ai hay khi đã có nút âm thanh báo hiệu”- An Bình chia sẻ.
Cũng xuất phát từ thực tế quê nhà, việc cắt cỏ còn nặng tính thủ công, thu hoạch kém mà em Thạch Thị Kim Thoa- học sinh lớp 8/2 (THCS Thiện Mỹ- huyện Trà Ôn) cho ra đời tác phẩm đạt giải nhì: “Máy cắt cỏ”. Thoa cho biết, gia đình em thuộc diện hộ nghèo, không đất canh tác, cha mẹ phải đi làm thuê. Tích lũy mãi mới mua được 2 con bò. Do phải cắt cỏ nuôi bò nên em nghĩ ra ý tưởng làm ra máy cắt cỏ để phụ giúp gia đình. “Điều mới lạ của tác phẩm là em gắn thêm các bánh xe để dễ dàng di chuyển, có các mối xếp gọn gàng, lưỡi cắt sẽ làm cỏ xếp theo hàng,… Với ý tưởng đó, cộng với giá thành rẻ, em hy vọng tác phẩm này sẽ được ứng dụng, giúp công việc cắt cỏ được dễ dàng hơn, góp phần phát triển kinh tế gia đình cho các hộ có nuôi trâu, bò…”
Cuộc thi năm nay ghi nhận có rất nhiều em học sinh tuổi còn rất nhỏ, chỉ mới học tiểu học mà đã có ý tưởng lớn, góp phần giải quyết các vấn đề trong thực tế. Em Nguyễn Phạm Nguyên An- lớp 1/1 (Tiểu học Nguyễn Văn Thảnh A, huyện Bình Tân) là một trường hợp như thế. Tác phẩm “Hệ thống xử lý bụi, khói” của em đã đạt giải ba cuộc thi. Từ việc nhiều nhà máy, khu công nghiệp, lò gạch,… thải khói, bụi ra môi trường nhiều ảnh hưởng đến không khí, sức khỏe con người… em đã đề ra nguyên tắt của hệ thống là dùng nước phun để hạn chế khói, bụi.
Còn rất nhiều tác phẩm, dù chưa đạt giải vẫn thật sự có ý tưởng sáng tạo. Đặc biệt, những ý tưởng của các em gắn liền với thực tế, cuộc sống xung quanh. Ông Trương Quang Phú chia sẻ, chúng ta hãy kết nối sự hăm hở, cần cù, sự mày mò của các em với một tấm lòng, bầu nhiệt huyết của thầy cô, cán bộ Đoàn, đội để cuộc thi ngày càng nhân rộng và phát triển, chất lượng ngày càng nâng cao…
2 tác phẩm đạt giải nhất gồm: Gậy đa năng (Nguyễn An Bình, Triệu Thanh Vui, Võ Duy, Kha, Huỳnh Trung Nguyên- học sinh Trường THPT Trà Ôn); Bẫy côn trùng đa năng (Phạm Phạm Quế Lam, Võ Ngọc Anh Thư- học sinh Trường Tiểu học Đông Bình A, TX Bình Minh). Hội đồng xét chọn giải cũng đã chọn 4 tác phẩm tham dự cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ XI, năm 2015 gồm: Gậy đa năng, Bẫy côn trùng đa năng, Thiết bị chống trộm, Mô hình trồng rau sạch bằng lưới điện năng lượng mặt trời. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin