Trường ĐH Cửu Long: Khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu trong sinh viên

04:07, 15/07/2015

Những năm gần đây, Trường Đại học (ĐH) Cửu Long đã phát động và đầu tư nhiều công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên (SV), nhằm khơi dậy những tài năng sáng tạo trẻ.

[links()]

Những năm gần đây, Trường Đại học (ĐH) Cửu Long đã phát động và đầu tư nhiều công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên (SV), nhằm khơi dậy những tài năng sáng tạo trẻ.

Sinh viên Trường ĐH Cửu Long tại phòng nghiên cứu. Ảnh của trường cung cấp
Sinh viên Trường ĐH Cửu Long tại phòng nghiên cứu. Ảnh của trường cung cấp

NCKH- đam mê và sáng tạo

Trước nay, khi nói đến NCKH mọi người đều có suy nghĩ đến những chuyện to lớn, có tác động rộng rãi và ít ai làm được. Thực tế cho thấy, có những bác nông dân vẫn có thể NCKH. Điều đó chứng minh con người chỉ cần có đam mê sáng tạo là có thể nghiên cứu và phát minh.

Kể từ năm 2011, Trường ĐH Cửu Long đã phát động phong trào NCKH trong SV. Tuy nhiên, đến nay, mới có 32 đề tài của SV được nghiệm thu và hỗ trợ. Hàng năm, các SV Trường ĐH Cửu Long đều mang về cho trường những giải thưởng sáng tạo, tuy nhiên, Ban giám hiệu cũng cho rằng các em còn khá thụ động và thiếu tự tin vào chính mình. ThS. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Có lần tôi dẫn SV đi hội thảo khoa học, các em ngại không dám báo cáo khi gặp các bạn ở các trường top “hệ thống quốc gia”. Sau khi nghe các bạn trường khác báo cáo thì các em mới nhỏ nhẻ nói: “Thì ra, đề tài các bạn làm cũng giống như tụi em!”

Vì vậy, SV phải là người dám nghĩ, dám làm và dám biến những suy nghĩ của mình thành hiện thực. NCKH không có nghĩa là một vấn đề gì đó lớn lao mà đôi khi nó gần gũi và thân thuộc và là những gì xung quanh ta: vấn đề lỗi tiếng Anh trong SV; nhân tố ảnh hưởng đến thời gian tự học của SV;…

SV Nguyễn Hoàng Minh- ngành quản trị kinh doanh- có đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian tự học của SV Trường ĐH Cửu Long”. Qua đó, Minh đã phỏng vấn 573 bạn SV và phát hiện ra 10 nhân tố ảnh hưởng lớn nhất, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục. Nguyễn Hoàng Minh cho biết: Đôi khi, các bạn SV cho rằng việc NCKH không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập và mất thời gian nhưng tôi cho rằng việc nghiên cứu giúp tôi trưởng thành hơn và đưa ra những giải pháp thiết thực: Giảng viên chỉ là người định hướng để SV tự tìm kiến thức, không để SV là bản photo của thầy; hoàn thiện kỹ năng lập kế hoạch trong SV;…

Theo ThS. Nguyễn Cao Đạt thì năm 2015, đáng chú ý là đề tài của SV Phạm Hửu Trọng- khóa 11 ngành cơ khí: “Tính toán và mô phỏng máy phun thuốc lúa tự hành”. Sản phẩm này đã được Trọng cho ứng dụng thực tế mang lại kết quả tốt trên mảnh ruộng nhà. Theo thầy Phan Thanh Tùng- giảng viên Khoa Cơ khí, người hướng dẫn đề tài cho Trọng: Cái hay của máy phun thuốc này là hiệu suất cao hơn so với các máy trên thị trường (3ha/giờ), trong khi các máy khác chỉ khoảng (1 ha/giờ), cần phun cơ động sử dụng được cho nhiều loại: lúa, đậu mè, bắp,… Ngoài ra, máy còn có khả năng “bo cua” tốt, không gây sót hay dập lúa.

Bên cạnh đó, nhiều SV cũng có những nghiên cứu thú vị: quy trình công nghệ chế biến khô cá lóc tẩm gia vị ăn liền, quản lý côn trùng gây hại bằng công nghệ sinh thái,…

Giảng viên- người khơi mầm sáng tạo

Học ĐH không phải là “cấp IV”, sau THPT mà ĐH là một hệ thống kiến thức chuyên nghiệp và chuyên sâu. Chương trình ĐH là chương trình mở giúp khơi những sáng tạo trong SV, TS. Đặng Danh Lợi- Bộ môn Chính trị Trường ĐH Cửu Long cho rằng: Việc NCKH là cần thiết và song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục, vì đây là 2 yếu tố lớn để khẳng định thương hiệu của một trường ĐH. Trong đó, vai trò của giảng viên là người truyền đạt sự đam mê khoa học đến với SV. Giảng viên phải biết định hướng cho SV chọn đề tài phù hợp với chuyên ngành và hướng dẫn cho SV đúng quy trình.

Là người luôn say với những sáng tạo của SV, ThS. Trần Thanh Thy- Khoa Nông nghiệp cũng trăn trở: Vấn đề lớn nhất là kinh phí. Với 5 triệu đồng/đề tài thì có thể giải quyết những đề tài nghiên cứu cơ bản. Còn như máy phun thuốc của SV Trọng, số tiền đầu tư nghiên cứu đã lên đến 160 triệu đồng. Kế đến là SV thiếu kinh nghiệm thực tế nên thiếu chủ động. Một bộ phận giảng viên không coi trọng việc NCKH mà chỉ biết đọc bài giảng để lên lớp.

Có thể thấy, vấn đề NCKH trong SV là cần thiết. Tuy nhiên, các trường ĐH còn dừng lại ở mức độ nghiên cứu trong giảng viên mà ít để ý đến lực lượng trẻ và chưa khơi được nhiều ý tưởng sáng tạo trong SV.

TS. Nguyễn Thanh Dũng cho biết: Sắp tới, Trường ĐH Cửu Long sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho NCKH, tăng kinh phí nghiên cứu; xây dựng chương trình học tăng tính nghiên cứu, sáng tạo trong SV; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, báo cáo khoa học; phát huy vai trò của giảng viên trong NCKH.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh