Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định cách đánh giá học sinh (HS) tiểu học của Bộ GD- ĐT có hiệu lực từ ngày 15/10/2014, sau một thời gian thực hiện, đang có nhiều ý kiến trái chiều về quy định này. Đặc biệt, nhiều phụ huynh bức xúc khi con mình được khen mà không có thưởng.
Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định cách đánh giá học sinh (HS) tiểu học của Bộ GD- ĐT có hiệu lực từ ngày 15/10/2014, sau một thời gian thực hiện, đang có nhiều ý kiến trái chiều về quy định này. Đặc biệt, nhiều phụ huynh bức xúc khi con mình được khen mà không có thưởng.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại các hạn chế để việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 được công bằng, khách quan hơn… (ảnh minh họa). |
Nâng cao năng lực HS
Theo Thông tư 30, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS tiểu học.
Về việc đánh giá, khen thưởng, thông tư cũng nêu rõ các lĩnh vực đánh giá bao gồm quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục khác. Đó là những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; năng khiếu, hứng thú về từng môn học, hoạt động giáo dục... và xếp loại từng môn học, từng hoạt động giáo dục đối với HS theo 1 trong 2 mức là “hoàn thành” hoặc “chưa hoàn thành”.
Về mức độ hình thành và phát triển năng lực, giáo viên đánh giá những biểu hiện nổi bật về đặc điểm, sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm năng lực của HS; góp ý với các em và kiến nghị với nhà trường, phụ huynh và xếp loại từng HS thuộc 1 trong 1 mức “đạt” hoặc “chưa đạt”.
Ngay từ những ngày đầu triển khai, mục đích của Thông tư 30 được ngành giáo dục đánh giá cao, góp phần từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Hiệu trưởng của một trường tiểu học trên địa bàn TP Vĩnh Long từng nhận xét, thông tư sẽ có 3 mục đích: Thứ nhất là giảm áp lực cho HS; thứ 2 là trẻ sẽ được quan tâm nhiều hơn ngay trong nhà trường lẫn về nhà; thứ 3 là trẻ sẽ tự tin hơn trong các hoạt động giáo dục, phát huy khả năng của bản thân.
Trong khi đó, thầy Hiệu trưởng Võ Thành Long- Trường Tiểu học Thanh Đức B từng chia sẻ, việc đánh giá HS theo quy định mới sẽ toàn diện hơn về các mặt, thay vì chỉ có kiến thức các em đã học. Thông qua những nhận xét, đánh giá và định hướng giúp các em phát triển, HS sẽ từng bước phát triển năng lực của mình, phát triển các hành vi như: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động; kỷ cương, đoàn kết;…
Cần phối hợp chặt chẽ
Mục đích cũng như mong muốn của Thông tư 30 đã rõ ràng, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều khó khăn và gặp nhiều thắc mắc của phụ huynh, nhất là trong những ngày tổng kết năm học.
Chị H.Y. (Phường 1- TP Vĩnh Long) có con đang theo học tại một trường tiểu học ở TP Vĩnh Long cho biết, chị đang đặt vấn đề tại sao ghi sổ học bạ đều tốt, các môn thi cuối năm đều 9, 10 thì sao con chị chỉ được khen mà chưa có thưởng? Trong khi đó, nhà trường cũng đã vận động phụ huynh đóng góp kinh phí để làm lễ tổng kết. Chị đặt câu hỏi: Nếu học bạ thể hiện tốt, các môn thi đều cao thì tại sao không thưởng để động viên bé học tập. Chị tâm sự: “Sau một năm cố gắng, bé chỉ được có bằng khen, nhưng lời nhận xét ghi trong giấy khen thì lại gần giống như bé chỉ mới bước qua ngưỡng… lên lớp”. Chị H.Y. cũng bức xúc, nếu quy định tỷ lệ khen thưởng thì cần có sự công bằng, cả lớp chỉ “chừa” có vài em lại thì có phải các bé này “là học sinh cá biệt” trong lớp. Theo chị: “Khen thưởng kiểu này vẫn còn mang nặng cảm tính, thiếu sự công bằng. Sao không căn cứ vào số điểm như trước để khẳng định thành tích học tập của các em…?”
Trong khi đó, chị B.T. (Phường 1- TP Vĩnh Long) cũng bức xúc khi cho rằng, khen thưởng theo quy định mới sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các HS. Chị dẫn dụ, cũng cùng một số điểm thi cuối kỳ, nhưng HS này thì được khen và thưởng, còn HS kia chỉ được khen. Chị B.T. chia sẻ, sau khi tổng kết năm học, con chị rất buồn và cho biết “không muốn đi học tiếp”. Chị cho rằng, sau một năm cố gắng, điều mong ước của các bé là được khen thưởng. Đằng này, chỉ khen, tuy nhiên, đối với tuổi các bé, đâu thể nào hiểu hết lời khen ghi trong đó… Chị cũng đặt câu hỏi, nếu quy định tỷ lệ khen thưởng do lãnh đạo trường quyết định, vậy số lượng này có căn cứ vào năng lực thật sự của các em hay chưa…?
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Long Hồ chia sẻ: Về cơ bản, khi thực hiện khen thưởng theo Thông tư 30, trước hết là giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và ngay cả HS cũng chọn các em có thành tích nổi bật, sau đó dựa vào những điều kiện của trường mà tổ chức khen thưởng cho các em. Cũng theo thầy, đối với việc khen thưởng theo quy định mới, sẽ ít nhiều xảy ra thắc mắc, bức xúc của phụ huynh. Do đó, nhà trường cần thông tin rõ ràng, minh bạch để phụ huynh hiểu rõ. Đánh giá HS theo quy định mới, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, công bằng giữa giáo viên, nhà trường và phụ huynh… |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin