Trồng người

02:05, 31/05/2015

Giáo dục là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn. Từ lúc bắt đầu tập cho các em viết những nét chữ đầu tiên, phải nắn nót như thế nào, nét đậm nhạt ra sao.

[links()]

Giáo dục là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn. Từ lúc bắt đầu tập cho các em viết những nét chữ đầu tiên, phải nắn nót như thế nào, nét đậm nhạt ra sao.

Cô Nguyễn Thị Hường.
Cô Nguyễn Thị Hường.

Có em phải cầm tay viết từng nét làm mẫu. Là giáo viên cấp I, cô biết nét chữ rất quan trọng. Ông bà ta có câu: “Nét chữ nết người”. Mỗi nét chữ nói lên được tính cách của một con người nên khi giảng dạy cô luôn chăm chút từng nét chữ cho các em. Ngoài ra dáng ngồi cũng phải chuẩn, tránh bị gù lưng, lệch vai sau này.

Lưng thẳng, cầm viết bằng ba ngón tay, giữ viết nghiêng về bên tay phải một góc 45 độ so với mặt giấy, tay cầm viết phải nhẹ nhàng, tránh gò ép căng cứng. Cô rất chú trọng đến chữ viết và những học sinh của cô đều thường xuyên luyện viết chữ đẹp. Ngày nay các thầy cô giáo không chú trọng mấy đến việc luyện chữ cho các em, nhất là các cô giáo dạy lớp 1.

Các em cầm viết không chuẩn, cây viết không nằm nghiêng mà cứ chúi ra phía trước, lưng thì cúi sát tập, về lâu dài có thể gây cận thị và gù lưng. Trước đây, học sinh phải viết bằng viết chấm mực, ngòi viết có hai loại: ngòi viết lá tre hay ngòi viết muỗng. Ngòi viết này có thể viết được nét đậm nét nhạt, làm cho chữ viết thật nhẹ nhàng, thanh thoát.

Cô còn nhớ như in những nét chữ mềm mại thật đẹp đầy nghệ thuật trên những tấm bằng khen mà hồi còn nhỏ cô thường được nhận. Bây giờ khoa học tiến bộ, chữ đẹp đã có máy vi tính viết hộ nhưng thật ra dù có đẹp mấy vẫn không có hồn như những nét chữ được viết bằng chính bàn tay tài hoa của người từng khổ công rèn luyện!

Cô biết hiện nay có loại viết ngòi sử dụng mực bơm dùng cho các em luyện viết chữ nhưng vì sợ dính mực nên các em vẫn thích xài loại bút bi đầu trơn và nhà trường không ngăn cấm sử dụng loại bút này! Dù vậy, cô luôn cảm thấy tiếc khi nhìn những nét chữ đẹp nhưng vô hồn, cứng nhắc trên những trang giấy trắng!

Cô ra trường 1972, được phân công về dạy ở một trường tiểu học trong tỉnh. Sau bao năm đứng lớp, cô có biết bao kỷ niệm vui buồn trong quãng đời dạy học. Cô yêu lũ học trò nhỏ của cô vô cùng, từ những ngày đầu chúng bập bẹ đánh vần đến những nét chữ xinh xinh được nắn nót trên từng trang giấy. Những bài học đầu đời lúc nào cũng làm chúng ngạc nhiên, thích thú. Non sông Việt Nam thật giàu và đẹp, lịch sử Việt Nam thật anh dũng, hào hùng… Cô vẫn tâm niệm cố gắng dạy cho các em những gì tốt đẹp nhất để các em có một nền tảng vững chắc mai sau bước vào đời trở thành người hữu ích cho xã hội.

Đến năm 2007 cô nhận quyết định về hưu. Khi cầm quyết định trong tay, lòng cô nặng trĩu. 32 năm đứng trên bục giảng, cô đã xem trường là nhà, lũ học trò nhỏ là con, giờ phải xa trường lớp, xa các em lòng cô cảm thấy buồn vô hạn. Cô không biết khi nghỉ hưu loanh quanh ở nhà mình sẽ làm gì?! Chắc là cô sẽ nhớ lắm tiếng đọc bài ê a của lũ trẻ, tiếng chúng cười đùa chạy giỡn trong sân trường rực nắng. Cô cảm thấy hụt hẫng như mất đi một cái gì thân thương nhất.

Lễ bế giảng lớp học tình thương năm 2012- 2013.
Lễ bế giảng lớp học tình thương năm 2012- 2013.

Những tháng ngày hưu trí, tuy biết sức khỏe mình không còn như xưa, tuổi cũng đã xế chiều nhưng cô vẫn ước muốn được làm một điều gì đó có ích cho mọi người, cho xã hội- nhất là cho nền giáo dục địa phương trong lúc cô vừa đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng Chi hội khuyến học của khóm. Ý nghĩ này cứ trăn trở trong đầu cô, mãi cho đến khi cô thấy những em bé ngày ngày phải đi bán vé số dạo, dãi nắng dầm mưa! Cái lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, lứa tuổi đáng ra phải được đến trường học hành, vui chơi như bao bạn trẻ khác, nhưng đáng thương thay vì hoàn cảnh gia đình các em phải phụ giúp cha mẹ mưu sinh, đường học vấn dở dang, có học thì cũng phải chịu thua thiệt bạn bè vì không có thời gian ôn bài, không có tiền đi học thêm… Thương vô cùng khi thấy có những em vừa đi bán vé số vừa phải mang theo tập vở tranh thủ học.

Từ đó, trong đầu cô cứ nghĩ suy, trăn trở, phải làm gì để bổ sung kiến thức cho các em, để các em có thể yên tâm tiếp tục việc học mà không sợ thua sút bạn bè dù phải bận buôn bán phụ giúp gia đình. “Lớp học tình thương” hình thành trong đầu cô. Lâu nay ở phường cô chưa có mô hình này, nghĩ mình có thể góp được chút công sức cho các em, cô đã thấy vui lắm rồi. Cô trình bày với chị Trưởng khóm Ba Trang, không ngờ được chị đồng tình ngay và mọi việc tiến hành thật thuận lợi. Bàn ghế, bảng đen, tập vở, bút mực do chị Ba Trang đi xin ở các nơi về đặt ngay trong trụ sở khóm. Khóa học đầu tiên được chính thức khai giảng vào hè năm 2008- 2009. Nói sao hết nỗi vui mừng của các em. Lớp mở ngày 2 buổi. Buổi sáng từ 7 giờ đến 9 giờ và từ 8 giờ đến 10 giờ. Buổi chiều từ 2 giờ đến 4 giờ. Các em sắp xếp thời gian và công việc thuận tiện giờ nào thì học giờ ấy. Khóa đầu tiên có khoảng 25 học sinh. Cô vận động các cô giáo về hưu như mình phụ giúp giảng dạy. Không ngờ các cô cũng đồng chí hướng với cô, tuy nghỉ hưu nhưng vẫn mong muốn được tiếp tục đứng trên bục giảng nên đã không ngần ngại đồng ý dạy miễn phí cho “Lớp học tình thương” của khóm. Năm kế sĩ số đã tăng lên 50 học sinh, mọi người càng thêm phấn khởi.

2 năm sau, khi “Lớp học tình thương” đã đi vào quỹ đạo. Thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ nhận thấy các em có tiến bộ rõ rệt nhờ học lớp học tình thương nên đã gợi ý cho lớp chuyển sang trường để cô trò có thêm điều kiện thuận tiện trong việc dạy và học. Nói sao hết nỗi vui mừng của cô trò. Xem ra cô đã không phụ lòng mọi người tin tưởng khi đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng Chi hội khuyến học địa phương.

Khi đã có trường lớp đàng hoàng, thầy trò hăng say dạy và học. Các em không còn lo sợ khi bước vào năm học mới. Các em rất yên tâm vì đã được rèn luyện ở lớp học tình thương. Kết quả đạt được quả là không nhỏ so với công sức của thầy cô bỏ ra. Các phường bạn đến tham quan, học hỏi và điều đáng mừng là sau khi bàn bạc mọi người quyết định cho các em học sinh nghèo, cận nghèo, hiếu học ở các phường bạn được đến tham gia lớp học. Ngoài việc dạy học, các cô còn động viên các em cố gắng đến lớp đúng giờ, tích cực học tập và dĩ nhiên cuối khóa (3 tháng hè) có khen thưởng, dù phần thưởng chỉ tượng trưng vài quyển tập nhưng cũng là động cơ giúp các em nỗ lực hơn trong việc học. Mọi việc càng tiến triển tốt đẹp khi Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Báo Vĩnh Long đến đưa tin. Đặc biệt hè năm 2012- 2013, lớp vinh dự đón tiếp Thông tấn xã Việt Nam đến thăm và đưa tin lên Đài Truyền hình cho cả nước cùng xem mô hình “Lớp học tình thương” của khóm đạt hiệu quả cao. Cũng trong năm này, Hội Khuyến học tỉnh đến dự buổi lễ tổng kết và tặng cho lớp 250 quyển tập. Thật vinh dự cho lớp học, mà nhất là những cô giáo tuy đã về hưu nhưng cũng cố góp một phần công sức, chung tay đẩy mạnh công tác khuyến học cho tỉnh nhà, giúp cho các học sinh nghèo có một nền tảng kiến thức vững chắc từ những ngày đầu đến lớp.

*

* *

Trước mặt tôi là cô giáo Nguyễn Thị Hường, người đã đứng ra phát động việc mở “Lớp học tình thương” ở Khóm 6, Phường 2- TP Vĩnh Long. Tâm sự của cô làm tôi thật xúc động. Tôi càng xúc động hơn vì 30 năm trước tôi đã may mắn được học dưới mái trường cô giảng dạy, 30 năm sau, tôi thấy nhiệt huyết trong cô vẫn hừng hực, cô vẫn nuôi dưỡng và thực hiện trọn vẹn sự nghiệp trồng người dù ở lứa tuổi về hưu. Việc cô làm tưởng chừng như đơn giản nhưng thật ra để có thể tồn tại một lớp học tình thương trong 6 năm liền thật không phải là chuyện dễ. Trước đây mô hình “Lớp học tình thương” cũng được phát động ở một số khóm, phường nhưng theo tôi được biết thì sau vài năm cũng phải tạm dừng vì học sinh nghèo, khó khăn suốt ngày phải lo mưu sinh nên cũng không thiết tha chuyện học hành, rồi lâu ngày các cô cũng không còn nhiệt tình mấy với việc giảng dạy. Biết vậy nên cô Hường ngoài việc lên lớp cô còn động viên các cô giáo cùng giảng dạy, lập nên thời khóa biểu, sổ kiểm diện cho giáo viên đến lớp ký tên mỗi ngày. Cuối khóa có làm bài kiểm tra để đánh giá chất lượng, tuyên dương khen thưởng nhằm khơi dậy phong trào cho các em ham học hỏi để cùng tiến bộ. Có những em học một thời gian vì hoàn cảnh nên phải tạm nghỉ học, cô hỏi thăm địa chỉ đến tận nhà, khuyến khích động viên gia đình tạo điều kiện cho em trở lại với lớp học tình thương, hoặc thời gian có trở ngại cô nhận phụ đạo thêm cho em những lúc em rãnh, đến khi nào sắp xếp được thời gian em có thể trở lại lớp học mà không bị thua sút bạn bè.

“Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Cô vẫn luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ dành cho người thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục. Đối với người thầy giáo, chữ TÂM mới là điều quan trọng. Phải dạy cho các em bằng một cái tâm trong sáng, nhiệt huyết. Truyền đạt cho các em tất cả những kiến thức hữu ích, không vì lợi nhuận hay thành tích mà xao lãng trách nhiệm. Các em là rường cột của nước nhà, là lực lượng trẻ, có tri thức trong xã hội, là tầng lớp đi tiên phong và là tương lai của đất nước sau này. Nếu các em có được một nền giáo dục tiên tiến ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường, chắc chắn các em sẽ trở thành những công dân xuất sắc góp phần đưa nước nhà vươn cao, bay xa, không phụ lòng mong ước của Bác Hồ và mọi người: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Bài, ảnh: GAN THỊ PHƯƠNG ÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh